.

3 năm cõng bạn đi học

Mặc ngày nắng gắt hay mưa nặng hạt, suốt 3 năm qua, Nguyễn Văn Quang (sinh viên năm 3 Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) kiên trì cõng, đẩy xe lăn giúp Trần Văn Hoàng (sinh viên Đại học Kiến trúc) - người bạn cùng phòng trọ bị khuyết tật bẩm sinh do di chứng chất độc da cam đến trường. Vượt qua khó khăn, đôi bạn ấy vẫn tự tin, lạc quan và vững vàng trên con đường tiếp cận tri thức.

Trần Văn Hoàng sinh ra trong một gia đình đông con ở làng quê nghèo Diễn Lâm, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An. Năm 2002, bố Hoàng mất sau thời gian dài chống chọi với những vết thương trong chiến tranh. Hai chân của Hoàng bị teo, mất khả năng di chuyển từ lúc mới sinh, cũng do di chứng của chất độc da cam mà bố mắc phải. Hơn 10 năm qua, cuộc sống của gia đình Hoàng gặp vô vàn khó khăn khi mẹ sớm mất sức lao động, các anh chị phải bôn ba làm ăn xa.

Thương mẹ, sau khi tốt nghiệp THPT, Hoàng bỏ thi ĐH, xin làm việc tại một cơ sở thủ công mỹ nghệ ở thành phố Vinh. Thời gian sau, thấy bạn bè đồng trang lứa đều vào ĐH, CĐ, ước mơ tiếp tục đèn sách lại cháy bỏng trong Hoàng. Thế là Hoàng quyết tâm ôn tập và thi đậu khoa Thiết kế đồ họa - Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng với số điểm khá cao. Hoàng chia sẻ: “Em muốn được vào ĐH để sau này ra trường, kiếm cái nghề nuôi mẹ và bản thân. Em không muốn mình mãi là gánh nặng của gia đình”.

May mắn đến với Hoàng khi trên chặng đường khó khăn ấy, anh gặp những người bạn chân thành và luôn nhiệt tình giúp đỡ, trong đó có Nguyễn Văn Quang. Sống cùng phòng trọ, suốt 3 năm qua, Quang và Hoàng gắn bó, giúp đỡ nhau như anh em ruột.

Đồng cảm với hoàn cảnh của Hoàng, ngay trong ngày nhập học, Quang chủ động giúp Hoàng tìm nhà trọ hỗ trợ mọi việc trong cuộc sống. Từ đó đến nay, mặc ngày nắng gắt hay mưa to gió lớn, Quang vẫn cần mẫn lúc cõng, lúc đẩy xe lăn đưa Hoàng đến trường.

Hoàng kể, có hôm, lớp học ở tầng 7 nhưng thang máy của trường bị hỏng, Quang cõng bạn đi cầu thang bộ. Đến nơi, áo Quang ướt đẫm mồ hôi, phải đứng thở hồng hộc 10 phút mới đỡ mệt. Có hôm Quang sốt cao nhưng vẫn nhất quyết đưa bạn đến lớp rồi mới về nhà nghỉ.

Hiện nay, Hoàng gặp rất nhiều khó khăn trong việc đóng học phí. Mẹ em ở quê phải chạy vạy khắp nơi với mong ước con mình tiếp tục đến trường, dù ngay trong năm học đầu tiên Ban giám hiệu Trường ĐH Kiến trúc đã miễn giảm 3 triệu đồng/12 triệu đồng tiền học phí một năm đối với Hoàng. Đoàn Trường ĐH Kiến trúc cũng trích từ nguồn kinh phí hoạt động của Đoàn để hỗ trợ Hoàng 1 triệu đồng/học kỳ và 200.000 đồng tiền giữ xe. Hiện mong ước lớn nhất của Hoàng là có tiền để mua chiếc máy vi tính.

Hình ảnh cậu sinh viên Nguyễn Văn Quang ngày ngày kiên trì giúp người bạn đầy nghị lực Trần Văn Hoàng đến trường là hình ảnh đẹp mà Trường ĐH Kiến trúc luôn biểu dương như cách để nhắc nhở đến các thế hệ sinh viên đang theo học về tình người và sức mạnh của ý chí.

KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.