“Thủ tục hành chính được cải cách theo mô hình “một cửa, một đầu mối” theo hướng đơn giản, công khai, minh bạch là giải pháp quan trọng làm tăng tính hấp dẫn môi trường đầu tư. Tuy nhiên, chính đội ngũ cán bộ có tác phong làm việc chuyên nghiệp, đủ năng lực để giải quyết trôi chảy và thuận tiện từ khâu cấp phép đến quản lý Nhà nước sau đầu tư mới chính là nguyên nhân để khách hàng đưa ra quyết định cuối cùng cũng như nâng cao hiệu quả của vốn đầu tư”.
Đó là khẳng định của ông Lê Cảnh Dương, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư Đà Nẵng (IPC). Theo ông, đội ngũ cán bộ có chất lượng, trình độ chuyên môn, năng động, sáng tạo, tâm huyết và đặc biệt là có phong cách làm việc chuyên nghiệp đóng vai trò then chốt đối với sự thành công của công tác xúc tiến và quản lý đầu tư nước ngoài.
“Chuyên tâm từ những việc vô cùng nhỏ như trang phục hay chính xác về mặt thời gian đến xây dựng phương pháp làm việc hiện đại, tránh cách làm đơn điệu là cách để mỗi cá nhân thể hiện sự nghiêm túc, trách nhiệm với chính bản thân mình cũng như với đối tác. Từ đó, nâng cao tính hiệu quả tiếp cận nhà đầu tư nước ngoài và hình thành nên cách làm việc chuyên nghiệp”, chị Trần Thị Quỳnh Trang, cán bộ IPC Đà Nẵng, đưa ra định nghĩa của mình về tính chuyên nghiệp. Là một trong những cán bộ trẻ của Phòng Xúc tiến dự án, IPC, chị Võ Thị Mai Hương chia sẻ những câu chuyện nhỏ chung quanh nghề nghiệp của mình. Theo chị, mỗi nhà đầu tư đến từ những đất nước khác nhau sẽ có phong tục, tập quán khác nhau, những mục tiêu khác nhau và cần những thông tin khác nhau. Xác định được điều này nên cán bộ IPC luôn sáng tạo ra những giải pháp khác nhau để có thể thu hút các nhà đầu tư này về với Đà Nẵng.
Nhà đầu tư Nhật Bản thường rất chỉn chu và chú trọng những chi tiết rất nhỏ như cách cúi chào, lễ nghi, quy trình làm việc nghiêm túc, trang trọng nhưng phải gắn liền với tình cảm thân mật, gần gũi. Họ không chỉ quan tâm đến hệ thống cơ sở vật chất mà còn cả chất lượng về mặt kỹ năng và đạo đức của đội ngũ người lao động sẽ làm việc cùng mình. Nhà đầu tư Mỹ không quan tâm đến những tiểu tiết như nhà đầu tư Nhật, nhưng họ lại rất đề cao tốc độ làm việc, chất lượng công việc được giải quyết, đặc biệt là yếu tố minh bạch trong suốt quá trình làm việc. “Bên cạnh trình độ chuyên môn, kiến thức văn hóa, xã hội, sự nắm bắt tâm lý này sẽ góp phần rất lớn trong việc nâng cao hình ảnh về tác phong làm việc chuyên nghiệp của IPC trong mắt các nhà đầu tư”, chị Võ Thị Mai Hương cho biết.
Ông Quentin Derrick, Giám đốc Viện Anh ngữ (ELI) khẳng định, trong suốt thời gian làm việc tại Việt Nam, IPC Đà Nẵng luôn là nơi ông nghĩ đến đầu tiên khi có bất kỳ trở ngại về mặt thủ tục, giấy tờ: Tôi ấn tượng với cách mà người lao động tại IPC giải quyết công việc: rất nhanh chóng, hiệu quả, dễ hiểu và rõ ràng. Hoạt động sản xuất, kinh doanh luôn tồn tại nhiều khó khăn, phức tạp, đặc biệt là trong cơ chế thị trường và càng khó khăn hơn khi đối tác là người nước ngoài như tôi - người chưa và có lẽ là không thể hiểu hết những chủ trương, chính sách, pháp luật, phong tục của Việt Nam. Do đó, tạo lòng tin, sự hiểu biết lẫn nhau trong hợp tác đầu tư có ý nghĩa rất quan trọng.
“Chính việc cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện, môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi, cũng như cách làm việc chuyên nghiệp mà IPC nói riêng, Đà Nẵng nói chung đạt được đã xây dựng niềm tin cho nhà đầu tư nước ngoài; giúp chúng tôi yên tâm, phấn khởi, không sợ phải đối phó với những thay đổi bất ngờ trong chủ trương, chính sách. Điều này còn giúp chúng tôi chuyên tâm hơn, dành nhiều thời gian, công sức hơn cho việc sản xuất, kinh doanh, có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện những nghĩa vụ của mình. Nếu tính chuyên nghiệp trong công việc tiếp tục được mỗi cá nhân nỗ lực phát huy thì thành phố sẽ gặt hái kết quả tốt đẹp trong công tác vận động, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư nước ngoài đến với Đà Nẵng và khuyến khích các nhà đầu tư hiện tại mở rộng sản xuất, kinh doanh”, ông Quentin nói.
MAI TRANG