.

Hai mô hình, một ý nghĩa

Phường Hòa Thọ Đông (quận Cẩm Lệ) được biết đến với mô hình “3 không, 3 nên” quy định tiêu chuẩn đạo đức của cán bộ khi tiếp xúc với dân và mô hình “Bếp ăn tình thương” phục vụ suất ăn miễn phí cho bệnh nhân nghèo tại Bệnh viện đa khoa Cẩm Lệ.

Xin lỗi dân khi thấy thiếu sót, khuyết điểm

Một hộ ở khu dân cư Phong Bắc, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, đang làm nhà thì một tổ viên Tổ quản lý đô thị phường đến kiểm tra hồ sơ, giấy phép xây dựng theo quy định. Mọi việc sẽ không có gì đáng nói nếu cán bộ này làm theo đúng quy trình, nghĩa là giới thiệu tên họ, chức vụ, lý do đến kiểm tra... Nhưng, thực tế lại khác, anh ta vừa đến gặp chủ hộ đã “phán” ngay một câu: “Ai cho phép ông xây dựng?”. Chủ hộ rất bất bình, ngay cả người dân khi nói chuyện với nhau còn thưa gửi đàng hoàng, cớ sao cán bộ Nhà nước lại ăn nói trớt quớt đến vậy.

Chủ hộ có lỗi vì đã xây dựng nhà với diện tích rộng hơn diện tích được cấp phép, nhưng không phải vì vậy mà cán bộ có quyền hạch sách và buông lời trịch thượng, cửa quyền như thế. Lỗi dân thì dân chịu, vẫn ký biên bản vi phạm nhưng phản ánh hành vi của cán bộ lên lãnh đạo UBND phường. Gặp gỡ ba mặt một lời, người cán bộ xin lỗi dân.

Kể lại chuyện này, ông Nguyễn Phước Sơn, Chủ tịch UBND phường Hòa Thọ Đông kết luận: Công tác xây dựng, quản lý đô thị luôn là điểm nóng, nhiều tình huống do bức xúc nhất thời mà anh em cán bộ không kiềm chế được lời ăn tiếng nói. Sự việc không lớn, nhưng lại thuộc về phương châm “3 không, 3 nên” nên phải nhắc anh này xin lỗi dân. Sau đó, UBND phường cũng quyết định không cho anh này làm tổ viên Tổ quản lý đô thị phường nữa.

Tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị số 04/CT-UBND ngày 27-4-2010 của UBND thành phố Đà Nẵng và Chỉ thị số 08-CT/QU ngày 19-12-2012 của Quận ủy Cẩm Lệ về đẩy mạnh cải cách hành chính trên địa bàn quận, ngay từ đầu năm 2013, UBND phường đã tiến hành họp toàn thể cán bộ, công chức để đăng ký cam kết thực hiện phương châm làm việc của phường về “3 không, 3 nên”. (3 không: Không gây phiền hà cho dân; Không thờ ơ, thiếu trách nhiệm trong công việc với dân; Không nhận hối lộ và tham nhũng. 3 nên: Nên vui vẻ trước việc làm đối với dân; Nên xin lỗi dân khi thấy thiếu sót, khuyết điểm; Nên cảm ơn dân khi được góp ý xây dựng).

Ông Phùng Văn Thạnh, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy phường Hòa Thọ Đông cho hay, phương châm “3 không, 3 nên” đã góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức và quần chúng nhân dân toàn phường trong công tác triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Sức lan tỏa của một chương trình nhân văn

Một trong những hoạt động nổi bật của phường Hòa Thọ Đông trong phát động việc làm theo thông qua các phong trào, theo ông Thạnh, là công tác an sinh xã hội, trong đó đáng kể nhất là tổ chức bếp ăn tình thương phục vụ suất cơm cho bệnh nhân nghèo, khó khăn tại Bệnh viện đa khoa Cẩm Lệ.

Bếp ăn tình thương ra đời từ năm 2008, ban đầu do Hội Chữ thập đỏ quận Cẩm Lệ tổ chức thông qua Hội Chữ thập đỏ phường, mỗi tuần hai lần, mỗi lần trên 100 suất cơm hoặc cháo. Đến năm 2012, UBND phường bàn bạc, thống nhất khởi động lại bếp ăn, do UBND phường chủ công kêu gọi các tổ chức, cá nhân đóng góp, mỗi tuần 6 lần cấp phát suất cơm cho bệnh nhân nghèo, trừ ngày chủ nhật.

Ông Ông Văn Bán, Chủ tịch Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em phường Hòa Thọ Đông, Phó Ban vận động bếp ăn tình thương cho biết, chỉ tính trong năm 2013, tổng giá trị thực hiện của bếp ăn đã trên 570 triệu đồng. Chương trình đã được sự hưởng ứng rất nhiệt tình của các chùa Phổ Hiền, Quang Châu, Hòa Thọ, Thọ Quang, Bàu Sen, Chi hội Hội thánh Tin Lành quận Hải Châu, Hội Từ thiện và bảo vệ quyền trẻ em thành phố và một số doanh nghiệp, cá nhân gần xa. Những suất cơm, suất cháo, bánh trái, dầu ăn, sữa hộp... đã được trao tận tay người bệnh nghèo, khó khăn, góp phần xoa dịu nỗi đau tật bệnh, giúp họ gượng dậy trong cuộc sống.

Ý nghĩa nhân văn của chương trình bếp ăn tình thương đã lan tỏa đến người dân các khu dân cư, cán bộ, công chức trên địa bàn, mọi người cùng nhau tự nguyện đóng góp thực hiện chương trình.

Bà Phạm Thị Nhàn, Bí thư Đảng ủy phường Hòa Thọ Đông nhận xét: “Cả hai mô hình đã cùng chung một ý nghĩa, đó là góp phần đưa nhận thức, ý thức tự giác trong việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng đi vào chiều sâu, không chỉ trong cán bộ, đảng viên, công chức mà còn lan tỏa ra đến cộng đồng dân cư”.

VIÊN PHÚC QUÂN

;
.
.
.
.
.