.

Lão nông làm theo lời Bác

.

Nhiều năm nay, qua các cuộc họp thôn, tổ và chi hội nông dân, ông Trương Hữu Bửu, ở thôn Phú Sơn 3, xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) nghe nói nhiều đến cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Ông nghĩ, nông dân chân chất như ông, cách tốt nhất để học tập và làm theo Bác là không chấp nhận đói nghèo, nỗ lực mở ra hướng phát triển kinh tế hiệu quả, làm giàu ngay tại làng quê mình; đóng góp công sức, tiền của xây dựng nông thôn mới. Bởi, lúc sinh thời, điều Bác Hồ hằng mong mỏi là ai ai cũng có cơm ăn, áo mặc, cũng được học hành; nông thôn giàu có, văn minh.

Từ suy nghĩ đó, ông Bửu mạnh dạn chuyển hướng làm ăn từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang ươm tạo các loại cây cảnh. Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, vừa làm vừa học, từ chỗ quanh năm chỉ biết sạ lúa, trồng bắp, ông trở thành chủ cơ sở ươm tạo cây cảnh quy mô lớn ở Hòa Vang. Cây cảnh tại cơ sở của ông đủ chủng loại. Có cây trồng trong khuôn viên công sở, khách sạn, trị giá trên dưới 20 triệu đồng. Có cây chỉ vài ba chục nghìn chưng trong nhà.

Thời điểm hiện tại, ngoài số đã xuất bán, còn hàng nghìn cây lớn bé, trồng kín mấy khu vườn, trị giá khoảng 1 tỷ đồng. Từ hoạt động kinh tế có tính đặc thù này, ông đã tự làm giàu và liên tục nhiều năm đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố. Ông là một trong số ít nông dân được Hội Nông dân thành phố đề nghị Thành ủy Đà Nẵng khen thưởng về thành tích nông dân học tập và làm theo Bác.

Nhớ về thời đã qua, lão nông 63 tuổi này kể: Khoảng chục năm trước, đời sống gia đình tôi rất khó khăn. Quanh năm sản xuất trên mấy sào ruộng đủ ăn đã là may lắm nói chi làm giàu. Đầu những năm 2000, tôi mạnh dạn đầu tư phát triển kinh tế trang trại bằng cách trồng hàng trăm cây ăn quả và chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhưng rồi, hướng đi này không đem lại hiệu quả như mong muốn, chỉ vì cây trồng sum suê cành lá, nhưng không hề cho quả. Không bó tay trước khó khăn, thất bát, tôi tiếp tục tìm tòi, khám phá hướng làm ăn mới. Thế rồi, nghề ươm tạo cây cảnh đến với tôi như một cơ duyên khi một lần xuống phố và nhận thấy cây cảnh từ nơi khác chở về rất nhiều. Khi đó tôi chợt nghĩ, đô thị ngày càng mở rộng, nhu cầu loại cây này rất lớn, nơi khác họ làm được, không lẽ người Đà Nẵng bó tay. Sau khi tham quan các cơ sở kinh doanh cây cảnh lớn ở phố trở về, tôi vay vốn đầu tư vào lĩnh vực mới mẻ này ngay tại thôn Phú Sơn 3, Hòa Khương.

“Không năng động, nhạy bén chuyển hướng sang trồng và kinh doanh cây cảnh có lẽ đến nay đời sống gia đình tôi chưa thoát khỏi khó khăn. Tính ra, tổng doanh thu từ bán cây cảnh hơn 1 tỷ đồng/năm, trừ chi phí đầu vào và nhân công, lãi ròng 200-300 triệu đồng/năm”, ông Bửu đúc kết. Ăn nên làm ra, có của ăn của để, sau khi đầu tư xây dựng nhà cửa khang trang, ông Bửu không quên các hoàn cảnh nghèo khó trong khu vực. Hễ Tết đến, xuân về ông đều có gói quà tặng cho những hộ nghèo tại địa phương. Các hội, đoàn thể cần kinh phí hoạt động, ông cũng sẵn sàng hỗ trợ, khi thì dăm bảy trăm nghìn, lúc một vài triệu. Vừa qua, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, đóng góp kinh phí để bê-tông hóa kiệt xóm, ngoài 500.000 đồng/hộ theo quy định, ông Bửu đã ủng hộ thêm 5 triệu đồng.

Nói về người nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp thành phố này, bà Hồng Thị Trinh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hòa Vang cho biết: Ông Bửu là nông dân giàu nghị lực, không cam chịu cái nghèo; năng động, nhạy bén với kinh tế thị trường, mở ra hướng làm ăn hiệu quả. Hoạt động sản xuất của ông không chỉ làm giàu cho gia đình mà còn tạo cơ hội về việc làm cho 6-8 lao động. Ông luôn đi đầu trong các phong trào của địa phương, có sự đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng nông thôn mới, là hạt nhân tiêu biểu của Hội Nông dân huyện trong thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

HOÀI NAM

;
.
.
.
.
.