.

"Bà Bí thư nhân ái"

Với hơn 5 năm liền là Bí thư chi bộ ở Đảng bộ phường An Hải Bắc, bà Nguyễn Thị Mỹ Nữ luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao và được người dân khu phố tin yêu gọi với cái tên trìu mến “bà Bí thư nhân ái”. Không chỉ là người năng nổ trong công tác từ thiện, bà Nữ còn là tấm gương về người thương binh vượt khó sáng ngời.

Sinh ra trên mảnh đất Hòa Tiến anh hùng, bà Mỹ Nữ tham gia du kích địa phương “bám địch giữ làng” khi mới 14 tuổi (1964). Một năm sau, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bà lên đường tòng quân nhập ngũ đợt tân binh Nguyễn Văn Trỗi, đến năm 1966 thì được đơn vị cử đi học dược tại đơn vị hậu cần Sư đoàn 2. Hơn 10 năm trong quân ngũ, bà luôn là một chiến sĩ dũng cảm, kiên cường, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.

Năm 1967, bà đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua, 3 Huân chương Chiến sĩ giải phóng, 1 giấy chứng nhận Dũng sĩ quyết thắng, 3 kỷ niệm chương và nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Năm 1971, bà chính thức được đứng vào hàng ngũ Đảng. Năm 1975, đất nước hoàn toàn giải phóng, bà chuyển về công tác tại Bệnh viện C Đà Nẵng. Trong 15 năm công tác ở đây, bà luôn đi đầu trong vai trò tiên phong gương mẫu của một người đảng viên. Năm 1990, bà nghỉ hưu và đến nay đã có thâm niên 24 năm hoạt động công tác xã hội tại địa phương.

Với sự tín nhiệm cao, năm 2008, bà được Đảng ủy phường An Hải Bắc phân công làm Bí thư chi bộ 2D, nay là Chi bộ 6B. Gương mẫu trong lời nói và hành động, khi mới về sinh hoạt tại khu dân cư, thấy có một số hộ dân làm ăn, sản xuất thiếu vốn, bà Nữ đã bàn với các hội viên phụ nữ trong tổ dân phố góp vốn xoay vòng để chị em có điều kiện làm ăn. Lúc đầu nhiều người lo sợ không thu hồi được vốn, nhưng đến nay số tiền xoay vòng vốn mỗi năm đã lên đến 120 triệu đồng, nhờ đó tổ không phát sinh hộ nghèo. 

Năm 2012, tổ dân phố 6B do bà Mỹ Nữ lãnh đạo trở thành điểm sáng về an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không xảy ra điểm nóng, không có đơn thư khiếu kiện vượt cấp, không có trường hợp bạo lực gia đình, không có hộ nghèo theo chuẩn mới. Nhờ sự đồng thuận cao của  người dân, đến tháng 4-2012, tổ dân phố đã hoàn thành và vượt các chỉ tiêu đến 200% các nguồn quỹ trên giao, điển hình là Quỹ vì người nghèo, Quỹ đền ơn đáp nghĩa. Trong cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, tổ dân phố 6B năm 2012, có 99% hộ đạt gia đình văn hóa.

Nặng lòng với công tác xã hội, giúp đỡ người lao động nghèo nhưng ít ai biết rằng, hoàn cảnh gia đình bà Nữ từng gặp nhiều trắc trở. Bản thân là thương binh 3/4, chồng bà cũng là thương binh mắc bệnh hiểm nghèo, năm 2005 bà phải bán nhà để chữa bệnh cho chồng. Năm 2009, chồng mất, một mình bà vừa gánh vác trách nhiệm nuôi con, lo cho gia đình, vừa quan tâm giúp đỡ người nghèo. “Ông trời không phụ lòng tôi, may mắn khi 3 đứa con của tôi đều trưởng thành, tốt nghiệp đại học và có công ăn việc làm ổn định. Các cháu đã hỗ trợ tôi rất nhiều trong công tác xã hội”, bà Nữ chia sẻ.

Hiện nay, mỗi ngày bà Nữ dành 5 tiếng đồng hồ để nấu sữa đậu nành, viết báo giúp đỡ trẻ em nghèo bị ung thư và người nghèo trong phường. Nhờ vậy, trong năm 2013, bà đã tiết kiệm được 4,2 triệu đồng ủng hộ mua sổ tiết kiệm, tặng 12 suất quà trị giá 1,8 triệu đồng cho các hộ đặc biệt nghèo trên địa bàn quận Sơn Trà và giúp 3 cháu bị bệnh ung thư với số tiền 2,1 triệu đồng.

Ngoài ra bà còn đi làm công tác từ thiện đến tận các vùng sâu, vùng xa của tỉnh Quảng Nam và giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn bị bệnh hiểm nghèo. Tuy tuổi cao sức yếu nhưng ít ai biết rằng, bà còn là cộng tác viên của nhiều tờ báo địa phương và Trung ương phản ánh kịp thời những tồn tại ở khu dân cư, ca ngợi người tốt việc tốt và kêu gọi bạn đọc ủng hộ những người mắc bệnh hiểm nghèo không có tiền chữa bệnh. “Thu nhập từ nấu sữa đậu nành và viết báo cũng giúp tôi tích cóp được số tiền nho nhỏ để đều đặn hằng năm ủng hộ người nghèo”, bà Nữ chia sẻ.

Dưới sự lãnh đạo của chi bộ thực hiện khu dân cư không có hộ nghèo, trong 5 năm qua, khu dân cư 6B không phát sinh hộ nghèo. Để làm tốt và duy trì được kết quả này, bà Nữ cho biết, chi bộ luôn quan tâm đến những trường hợp cụ thể và có những hành động thiết thực đến từng đối tượng. Trong khu dân cư có những hộ gặp khó khăn, bà đã cùng với các đảng viên trong chi bộ kịp thời đến thăm hỏi, động viên và giúp đỡ tinh thần lẫn vật chất. Tâm sự với chúng tôi, bà nói: “Học Bác làm được những việc cụ thể để giúp đỡ người khác, bản thân tôi thấy rất vui và hạnh phúc hơn bất cứ điều gì”.

GIA HUY

;
.
.
.
.
.