.

Người truyền lửa cho thế hệ trẻ

“Nhân sinh thất thập cổ lai hy”, nghĩa là người thọ bảy mươi xưa nay hiếm. Nhưng ông Nguyễn Đình Ngật (tổ 6, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu) ở tuổi 86 vẫn còn khỏe khoắn, vẫn cái “khí chất” Bộ đội cụ Hồ hăng hái, nhiệt tình, trách nhiệm dù ở cương vị công tác nào.

Lớn lên từ miền quê nghèo, hiếu học bên kia phá Tam Giang (Thừa Thiên-Huế) nên từ nhỏ, Nguyễn Đình Ngật được cha cho học chữ Hán Nôm. Theo học được hai năm thì phải gián đoạn vì chiến tranh, Ngật đành bỏ dở niềm say mê con chữ. Cũng từ đó, theo dòng lịch sử, ông Ngật cũng như những bạn bè cùng trang lứa lần lượt tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và bảo vệ biên giới Tây Nam, mang tuổi thanh xuân cống hiến cho Tổ quốc.

Người cựu chiến binh (CCB) 65 năm tuổi Đảng kể cho chúng tôi nghe về những kỷ niệm thời hoa lửa tại chiến trường Bình Trị Thiên, chiến trường Vĩnh Linh…; về những cơn đói quay, đói quắt nhưng ai cũng bám trụ, chống đói bằng rau rừng và ý chí, lập nên những thành tích anh hùng.

Sau năm 1975, khi hòa bình lập lại, ông Ngật được điều về công tác tại Quân khu 5 trên nhiều cương vị cho đến khi nghỉ hưu.

Trở về địa phương, chưa kịp nhận sổ hưu, Đại tá Nguyễn Đình Ngật được tín nhiệm làm Chi hội trưởng Người cao tuổi của tổ dân phố (TDP). Là CCB, đảng viên gương mẫu luôn nguyên vẹn phẩm chất Bộ đội cụ Hồ, dù ở đâu, nhận nhiệm vụ nào, ông cũng đều tâm huyết và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Vì thế, ông bén duyên với công tác địa phương qua nhiều chức vụ ở TDP cũng như ở phường: Bí thư chi bộ, Chi hội trưởng Hội CCB, Ủy viên Ban chấp hành Hội CCB phường…, được mọi người tin yêu, kính trọng.

Điều mà người đại tá già luôn trăn trở là làm sao để có thể thường xuyên quan tâm, giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Nhiều năm liền, ông suy nghĩ nhiều hình thức để thu hút, tập hợp thanh-thiếu niên trong TDP, chăm lo dìu dắt, giáo dục thanh-thiếu niên chưa có việc làm để các cháu trưởng thành và sống có ích cho xã hội. Năm 2005, ông động viên ban đầu được 3 đoàn viên trong TDP chưa có tổ chức sinh hoạt để thành lập Chi đoàn Thanh niên. Các cháu đều tham gia và đóng góp tích cực vào công tác của phường, được đưa đi học, trưởng thành và được giao những vị trí công tác tại phường, có em đã phấn đấu tốt và tìm được việc làm ổn định.

Dù tuổi đã cao nhưng hằng năm, người CCB già đều dành nhiều thời gian để tìm tòi tư liệu, xây dựng và tổ chức chủ trì các buổi giao lưu với các cháu thanh-thiếu niên trong TDP nhân các ngày lễ lớn như 29-3, 27-7, 22-12… Ông còn đi đến tận các trường học trên địa bàn phường và các phường bạn tham dự các buổi giao lưu, truyền lửa cách mạng, lòng yêu nước thiết tha; tinh thần đoàn kết dân tộc, tinh thần chiến đấu hy sinh quả cảm của các thế hệ đi trước, khích lệ tuổi thanh xuân tiếp tục cống hiến bảo vệ thành quả cách mạng, xây dựng đất nước giàu mạnh, văn minh.

Là một trong những người tiên phong trong công tác lưu giữ, duy trì chữ Hán Nôm, thành viên sáng lập Trung tâm Hán Nôm của thành phố (năm 2012), ông Ngật cất công sao các văn bản viết bằng chữ Hán với kích cỡ lớn để tặng các trường học trên địa bàn phường như Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ…; cùng với các hội viên của Trung tâm Hán Nôm thành phố sao dịch các văn bản chữ Hán về Hoàng Sa của Lê Quý Đôn để giới thiệu, tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam. Những tư liệu này cũng được đưa vào trong sách “Kỷ yếu Hoàng Sa” của UBND huyện Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Việc làm đó vừa thể hiện ý thức luôn đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc của một CCB, vừa góp phần vào công tác giáo dục thế hệ trẻ về ý nghĩa chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam qua các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước với mong muốn truyền thống cách mạng sẽ thấm vào huyết mạch các thế hệ mai sau…

Đọc cho chúng tôi hai câu thơ trong bài thơ “Cửu vũ” (tức “Mưa lâu”) của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Giày, sách đường lầy chân lấm láp/Vẫn dòn dấn bước chặng đường xa”, ông chia sẻ hai câu thơ đó đã trở thành kim chỉ nam, mục đích, lý tưởng suốt cuộc đời binh nghiệp của mình. Chất “rắn” của người nhà binh và chất “mềm mại” của chàng trai miền quê nghèo khó đã làm nên khí chất cương nghị, trách nhiệm với nhiệm vụ được giao nhưng cũng rất cởi mở, thân tình, hết lòng yêu thương, dìu dắt thế hệ trẻ. Ông là tấm gương tiêu biểu suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và là niềm tự hào của Chi bộ 6, tổ 6, phường Hòa Thuận Tây.

TRẦN HÀ

;
.
.
.
.
.