.

Cô hiệu trưởng năng động

Cô giáo Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng (quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng), sinh năm 1978, quê ở Hà Tây, tâm huyết với nghề, hết lòng vì học sinh, được tập thể thầy cô nhà trường tín nhiệm, học sinh yêu quý.

Đối với cô Nguyễn Thị Minh, tính năng động, tháo vát, sâu sát trong công việc dường như đã thấm vào máu thịt do quen với công tác Đoàn từ thời học sinh, cùng với truyền thống gia đình bố mẹ đều công tác trong quân đội nên mọi sinh hoạt đều nền nếp. Năm 1999, cô Minh được kết nạp Đảng ngay trong giảng đường Trường Đại học Sư phạm. Lúc đó, cô Minh mới 21 tuổi.  

Tốt nghiệp đại học, cô Minh nhận công tác tại Trường THCS Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn), thuộc một phường nghèo vùng ven của thành phố. Những năm tháng tận tụy chăm sóc, ươm mầm cho học trò nghèo đã mang lại cho cô giáo trẻ nhiều kinh nghiệm thực tiễn về chuyên môn và kỹ năng sư phạm. Năm 2004, cô được luân chuyển về Trường THCS Lê Hồng Phong. Là giáo viên giỏi, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cô được bổ nhiệm làm hiệu phó của trường. Năm 2007, cô tham gia thi kể chuyện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, đoạt giải nhất quận Hải Châu.

Đà Nẵng là địa phương đi đầu trong thi tuyển các chức danh lãnh đạo các cơ quan Nhà nước, trong đó có ngành giáo dục. Năm 2013, cô Minh nộp đơn dự thi chức danh hiệu trưởng do UBND quận Hải Châu tổ chức và cô là người đỗ đầu trong 7 người dự thi. Ngày 1-8-2013, cô được bổ nhiệm làm Hiệu trưởng Trường THCS Kim Đồng, trở thành một trong những hiệu trưởng trẻ của thành phố Đà Nẵng.

Từ ngày cô Nguyễn Thị Minh làm hiệu trưởng, nền nếp hoạt động của Trường THCS Kim Đồng có nhiều thay đổi. Trao đổi với chúng tôi, cô bộc bạch: “Tôi may mắn vì trường có đội ngũ giáo viên giỏi, nhiều người là thầy dạy cũ của tôi, và chính các thầy cô là những người tham mưu, góp ý chân thành, giúp đỡ cho tôi trong công tác quản lý và chuyên môn.

Mỗi khi giao việc khó, tôi thường chọn những thầy, cô có kinh nghiệm, như phân công giáo viên chủ nhiệm lớp 9 cuối cấp, ra đề thi kiểm tra học kỳ phải giao cho tổ trưởng bộ môn. Được sự động viên của những thầy, cô đi trước, tôi nghĩ cứ mạnh dạn phân công, giao việc cho những giáo viên trẻ, để họ thử sức, rồi giám sát góp ý, uốn nắn để mọi người có cơ hội vươn lên, tích lũy kinh nghiệm trong nghề nghiệp. Trong sinh hoạt, hạn chế họp hành kéo dài, nói ít làm nhiều, lấy hiệu quả đứng lớp qua kiểm tra chất lượng học sinh của các thầy cô, giáo làm thước đo hoàn thành nhiệm vụ”.

Ngoài nhiệm vụ chuyên môn, cô Minh còn tích cực tổ chức nhiều hoạt động dã ngoại để thầy, cô và học sinh đến với CLB người khuyết tật Nhân ái Đà Nẵng, qua đó vận động được 10 triệu đồng từ tấm lòng của cán bộ, giáo viên, học sinh nhà trường ủng hộ Quỹ người khuyết tật thành phố Đà Nẵng. Cô còn tổ chức đưa thầy, cô và học sinh tham quan, giao lưu, sinh hoạt với cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 161, 172 Vùng 3 Hải quân, để học sinh tìm hiểu về chủ quyền biển đảo, lồng ghép trong các tiết dạy môn đại lý, lịch sử, qua đó khơi dậy tình yêu biển đảo quê hương, yêu mến những người lính vượt qua gian khó ngày đêm canh giữ vùng biển Tổ quốc.

THANH LỘC

;
.
.
.
.
.