Gần 60 năm trôi qua, ông Lê Đình Phúc (phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu) vẫn nhớ như in những lời Bác Hồ dạy cùng bao kỷ niệm sâu sắc trong lần đầu vinh dự được gặp Người.
Sau khi tập kết ra Bắc (1954), ông Phúc công tác ở Đội Thanh niên xung phong 366, rồi chuyển sang làm Bí thư Đoàn Thanh niên Nhà máy ô-tô Đáp Cầu (Bắc Ninh). Tháng 5-1957, cùng 25 cán bộ Đoàn đang dự lớp tập huấn nghiệp vụ tại Hà Đông, ông vinh dự được đón Bác đến thăm.
Sáng hôm ấy, cả lớp phấn khởi khi được lãnh đạo thông báo chuẩn bị đón Bác Hồ. Ai cũng hồi hộp, nôn nao bởi niềm vinh hạnh lần đầu tiên được gặp Bác. Tất cả tập trung trong một căn phòng nhỏ, mắt chăm chăm nhìn ra cổng trước. “Thật bất ngờ, khoảng 8 giờ 30, chúng tôi thấy Bác Hồ từ phía nhà ăn của cơ quan đi lên. Thì ra, Bác vào cổng sau và đã đi kiểm tra nhà bếp, nhà ăn, rồi mới đến chỗ chúng tôi - ông Phúc nhớ lại - Chúng tôi đồng thanh reo to: “Bác Hồ! Bác Hồ!...” và ùa ra đón Bác. Bác nhanh nhẹn bước vào phòng.
Bác vẫy tay ra hiệu chúng tôi yên lặng, rồi từ tốn: “Lớp học các cháu là lớp tập huấn nghiệp vụ đầu tiên dành cho các cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc, đang phụ trách công tác Đoàn ở các cơ quan. Hôm nay đến thăm, Bác dặn các cháu 2 điều: thứ nhất là phải học giỏi lý luận và khi vận dụng vào thực tế thì phải thật sáng tạo, phải làm tốt công tác vận động thanh niên, làm cho thanh niên trong từng cơ quan đều thực hiện tốt khẩu hiệu “Đâu cần thanh niên có/ Đâu khó có thanh niên”; thứ hai, các cháu cần phải hiểu rõ tình hình hiện nay là đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, nên miền Bắc phải chuẩn bị lực lượng, chuẩn bị vật chất để làm hậu phương vững chắc cho miền Nam và cùng nhân dân miền Nam đấu tranh đánh đuổi quân xâm lược, thống nhất đất nước…”.
Nét mặt rạng rỡ, ông Phúc tươi cười: “Bác nói ngắn gọn, chậm rãi, chúng tôi chăm chú lắng nghe từng lời, cảm thấy Người quá đỗi gần gũi. Sau đó, cơ quan phát động phong trào thi đua thực hiện lời dạy của Người. Ai nấy đều nỗ lực phấn đấu, nâng cao chất lượng giảng dạy, học tập”.
Trong những năm công tác trên miền Bắc, ông Phúc còn có mấy lần được gặp Bác Hồ, được nghe nhiều lời chỉ dạy sâu sắc và thiết thực của Người.
Khắc ghi lời Bác, ông Phúc bền bỉ phấn đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ trên nhiều cương vị khác nhau ở hậu phương miền Bắc cũng như trên chiến trường Khu 5. Sau khi nghỉ hưu, ông đã 24 năm làm bí thư Chi bộ khu phố, xây dựng 5 tổ dân phố và các đoàn thể trong khu phố vững mạnh toàn diện. Người bí thư giàu nhiệt huyết đã vận động thành lập 1 CLB cựu quân nhân, hướng dẫn, hỗ trợ gần 30 hộ dân thoát nghèo bền vững, duy trì thường xuyên phong trào khuyến học khuyến tài, tổ chức vận động kinh phí làm 2 đoạn đường bê-tông với đồng bộ hệ thống thoát nước và điện chiếu sáng… Người cán bộ “hưu trí mà trí không hưu” nhấn mạnh trong mọi việc, ông luôn ghi nhớ và thực hiện lời Bác dạy: “Làm việc gì cũng phải tận tâm, linh hoạt, sáng tạo”.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM