.

Trải lòng với những yêu thương

Từ một câu nói của bệnh nhân tâm thần Phan Văn Tr. vào năm 2008 “Cô có gộ (gạo) không cô?”đã khiến chị Huỳnh Thị Thủy, Bí thư chi bộ, Phó Trạm y tế phường Mân Thái (quận Sơn Trà) gắn bó với công tác xã hội từ thiện như một cơ duyên.

Gần 20 năm chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân tâm thần giúp chị Thủy hiểu rõ nỗi đau, sự vất vả của gia đình người có bệnh để từ đó, chương trình “Vòng tay yêu thương” ra đời, san sẻ những điều tưởng chừng rất giản đơn nhưng vô cùng ý nghĩa.

Tốt nghiệp y sĩ đa khoa, chuyên ngành Tâm thần năm 1996, chị Huỳnh Thị Thủy về làm việc tại Trạm y tế phường Thọ Quang và chuyển công tác sang phường Mân Thái sau 2 năm gắn bó. Thời gian này, toàn phường Mân Thái chỉ 4 bệnh nhân mắc chứng tâm thần, động kinh nên chị có nhiều thời gian lui tới thăm nom, chăm sóc người bệnh.

Sau mỗi cánh cổng khép hờ, chị như chạm tay vào một thế giới nghèo khó, túng thiếu và đầy sự hoang mang, bởi theo chị, khi trót mang căn bệnh hiểm nghèo này, người bệnh chỉ có thể kìm hãm bằng cách uống thuốc thường xuyên chứ không thể nào điều trị dứt điểm.

Tài sản trong gia đình lần lượt đội nón ra đi, cuộc sống đang sung túc bỗng chốc trở nên nghèo túng. Trong khi đó, số lượng bệnh nhân tâm thần trên địa bàn phường Mân Thái ngày một tăng cao. Từ con số 4, đến nay chị Huỳnh Thị Thủy quản lý khoảng 50 ca với những câu chuyện và hoàn cảnh khác nhau, mang lại cho chị nhiều nghĩ suy, trăn trở.

Thấu hiểu, cảm thông và hơn hết là tấm lòng yêu thương bệnh nhân đã khiến chị Thủy quyết định thu xếp công việc, chạy đôn chạy đáo xin tiền tài trợ, xây dựng chương trình “Vòng tay yêu thương” nhằm động viên, chia sẻ một phần khó khăn của họ. Câu chuyện bắt đầu từ năm 2008, nhân Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27-2), chị Thủy mạnh dạn gõ cửa từng nhà xin tài trợ làm 5 sổ tiết kiệm, mỗi sổ trị giá 1 triệu đồng cho 5 gia đình bệnh nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 20 suất gạo, mỗi suất 10kg tặng cho những hoàn cảnh khác.

Ít ai biết rằng, để tạo ra con số tròn trịa và đẹp đẽ ấy, chị Thủy đón nhận từng đồng bạc lẻ, nhàu nhĩ và thấm đẫm mồ hôi từ tay bác xe ôm, chị tiểu thương, hộ buôn bán hay những phật tử, tăng ni  một số chùa trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, Hội An. Chị cũng nhận từng bao quần áo cũ mang về giặt giũ, phân loại, tạo nên món quà tươm tất, trọn vẹn nghĩa tình.

Từ bệnh nhân tâm thần, chị mở rộng ra nhiều đối tượng cần giúp đỡ khác như trẻ em, người nghèo đơn thân… Để tạo nên uy tín đó, chị Huỳnh Thị Thủy công khai tất cả nguồn thu - chi, không ngần ngại một mình chạy xe máy vào tận Tam Kỳ, Hội An hay ra Huế chỉ để chuyển tận tay thư mời nhà tài trợ tham gia chương trình do nhóm chị tổ chức.

Bộn bề công việc quản lý nhưng chị Thủy chưa bao giờ vắng mặt trong những chuyến từ thiện ở địa bàn xa xôi như huyện Tây Giang (Quảng Nam), huyện Bố Trạch (Quảng Bình), chu đáo chuẩn bị từng suất cơm cho các thành viên trong đoàn và  xây dựng chương trình, kế hoạch bài bản, công phu từ 3 tháng trước đó. “Mỗi nụ cười của bệnh nhân tâm thần khi nhận quà đã tiếp thêm cho tôi sức mạnh về tình yêu thương, lòng nhân ái giữa con người với con người. Nó giúp tôi hiểu rằng, cho và được cho luôn mang lại niềm hạnh phúc lớn lao. Đó là thứ hạnh phúc khi sẻ chia những yêu thương của mình cho người khác”, chị Thủy đúc kết.

Lần đầu tiếp xúc với Bí thư chi bộ Huỳnh Thị Thủy, nhìn dáng người mảnh mai, cao gầy sau chiếc áo blouse giản dị, thật khó tin chị có thể vác 50 ký gạo, đi băng băng hàng chục mét trong ánh mắt ngỡ ngàng của nhiều người. Phòng làm việc được chị trưng dụng thành phòng kho chứa tất cả những món quà do “mạnh thường quân” mang tới ủng hộ chương trình. Những năm qua, từ thành công bước đầu, chị Thủy tiếp tục xây dựng “Vòng tay yêu thương” trở thành chương trình thường niên, duy trì món quà nhỏ nhân dịp Tết cổ truyền hay nấu những suất ăn cho bệnh nhân tâm thần, xây tặng nhà tình thương cho đồng bào dân tộc…

Suốt 8 năm, chương trình của chị được nhiều người ủng hộ, nguồn quỹ mỗi năm luôn duy trì và phát triển, năm sau cao hơn năm trước. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2014-2015, “Vòng tay yêu thương” đã tặng hàng trăm suất quà cho nhiều đối tượng xã hội với tổng trị giá hơn 272 triệu đồng. Những món quà ý nghĩa, kịp thời đã giúp vực dậy nhiều gia cảnh khốn khó. Có lần để tiết kiệm tiền thuê ô-tô, chị đi nhờ xe máy một người em từ Đà Nẵng lên thôn Alua, xã Giang (Tây Giang) để trao trực tiếp số tiền 25 triệu đồng xây nhà tình thương cho gia đình chị Zơ râm Thị Hiệp. Chuyến đi bắt đầu từ 6 giờ sáng và kết thúc lúc 22 giờ đêm.

Trường hợp chị Võ Thị Thu H. (1972), tổ 36A, phường Mân Thái hiện bán gia vị, nước mía tại chợ Mân Thái là một ví dụ. Vốn là bệnh nhân tâm thần từ năm 1998, chị H. nhiều lần được gia đình đưa vào viện điều trị nhưng không dứt hẳn, gia cảnh thiếu trước hụt sau. Cách đây hơn 1 năm, “Vòng tay yêu thương” đã hỗ trợ chị H. 1 triệu đồng làm vốn và đề nghị Ban quản lý chợ giúp chị có một chỗ ngồi ổn định để vừa buôn bán, vừa giao lưu, tái hòa nhập xã hội.

Mang cái tâm đi làm công tác từ thiện giúp chị Thủy được nhiều người yêu quý và tôn trọng. Có thể nói rằng, làm từ thiện không khó, cái khó là làm thế nào để “mạnh thường quân” tin tưởng chi tiền và duy trì nguồn chi, góp phần tạo nên nhiều phần quà ý nghĩa, kịp thời gửi đến những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cần được giúp đỡ. Chị vẫn luôn nói rằng, đó chỉ là cách chị trải lòng với những yêu thương, bởi “tấm gương Bác Hồ thật sự rất lớn lao” và mình chỉ làm được những điều nhỏ nhặt như thế để học tập, noi gương Người.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.