Nhận công tác tại Tiểu đoàn Tăng-Thiết giáp (TTG) 699, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng ngay từ ngày mới thành lập và qua 15 năm gắn bó với các loại xe TTG, Trung tá Ngô Minh Hồng, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn TTG 699 đã không ngừng nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để bảo đảm xe luôn vận hành tốt, phục vụ công tác huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu.
Trung tá Ngô Minh Hồng với sáng kiến “Nghiên cứu lắp đặt thiết bị phun chất cay bằng hơi sương trên xe thiết giáp bánh lốp để giải tán đám đông mà không ảnh hưởng đến sức khỏe con người”. |
Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi khi gặp Trung tá Ngô Minh Hồng là nụ cười hiền lành, dễ gần, nét mặt cương nghị và nhất là đôi mắt sáng ngời luôn tạo thiện cảm cho người đối diện.
Ngô Minh Hồng chào đời sau khi đất nước giải phóng được 5 tháng tại làng Tam Sơn, huyện Tiên Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay là xã Tam Sơn, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh). Sinh ra trong thời bình, lớn lên trên vùng đất giàu truyền thống văn hiến và cách mạng, ngay từ nhỏ, Ngô Minh Hồng đã tỏ ra thông minh, hiếu học, học giỏi.
Dù gia đình không có gốc gác nhà binh nhưng hình ảnh người lính Bộ đội Cụ Hồ đã in sâu trong tâm trí của chàng trai trẻ. Năm 1992, anh thi đậu Học viện Kỹ thuật quân sự đúng như nguyện vọng và mơ ước từ thơ ấu. Năm 1998, anh ra trường và đúng một năm sau, khi Tiểu đoàn TTG 699 được thành lập, anh chuyển vào Đà Nẵng nhận công tác. Tại đây, anh gặp cô nữ sinh điều dưỡng xinh đẹp người Đà Nẵng, để rồi sau đó hai người nên duyên vợ chồng. Đến nay, tổ ấm nhỏ của anh chị đã có thêm 2 thành viên (cậu con trai học lớp 6 và cô con gái học lớp 2). Người vợ của anh hiện công tác tại Bệnh viện điều dưỡng- Phục hồi chức năng thành phố Đà Nẵng, cách nhà hơn 15km.
Chia sẻ về công việc, Ngô Minh Hồng cho biết, Tiểu đoàn TTG 699 có nhiệm vụ chính là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu khi có lệnh làm nhiệm vụ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng và Quân khu 5. Điều đó yêu cầu xe TTG phải bảo đảm 100% cơ động và hoạt động tốt… Song, hầu hết xe TTG của đơn vị được trang bị quá cũ, đã qua chiến trường, tình trạng kỹ thuật kém, thiếu đồng bộ và thường bị hỏng..., khiến việc khai thác, sử dụng gặp khó khăn, ảnh hưởng lớn đến công tác huấn luyện.
Xuất phát từ thực tiễn đó và bản thân là cán bộ được đào tạo cơ bản về chuyên ngành kỹ thuật, anh luôn trăn trở làm sao để bảo đảm trang thiết bị kỹ thuật của đơn vị để đáp ứng nhiệm vụ. Chính điều này đã giúp anh không ngừng nỗ lực tìm tòi và từ đó nảy sinh nhiều ý tưởng sáng tạo.
“Ý tưởng là điều tiên quyết của sáng kiến và là bước khó nhất. Hơn thế nữa, ý tưởng đó phải đem lại lợi ích chính đáng và có tính khả thi. Rồi từ ý tưởng tới khi trở thành hiện thực là quá trình gian nan”, Trung tá Ngô Minh Hồng bộc bạch. Anh cũng cho biết, không phải lúc nào sáng kiến cũng thành công, nhiều khi thất bại, phải làm lại nhiều lần mà nếu không kiên trì thì sẽ khó tiếp tục “dấn thân”. Chưa kể khó khăn trong tính toán kinh phí mua sắm vật tư, gia công chế tạo các chi tiết rồi lắp ráp, thử nghiệm. “Tôi chủ yếu tận dụng các chi tiết, cụm máy trong trang bị cũ, hàng thanh lý hoặc nhờ “mối” từ người quen… để tiết kiệm kinh phí !”, anh tâm sự.
Mặc dù khó khăn là thế nhưng với sự nỗ lực của bản thân và sự hỗ trợ của đơn vị, Trung tá Ngô Minh Hồng đã đưa ra nhiều sáng kiến và áp dụng thực tiễn hiệu quả như: nghiên cứu lắp đặt hệ thống trợ lực tay lái thủy lực cho xe BTR-152; chuyển đổi đường chảy nhiên liệu từ thùng đến bơm tay của xe PT-76; dụng cụ kiểm tra bugi trong điều kiện dã ngoại; dụng cụ nạp đạn vào băng đạn súng tiểu liên AK; phương pháp phục hồi bugi xe M113 cũ hỏng; lắp đặt bộ chuyển đổi điện từ 24V sang 12V cho xe BTR-152 sau đồng bộ, nâng cấp và nhiều giải pháp khác...
Trong số nhiều sáng kiến, anh tâm đắc nhất là việc sáng tạo bộ “Dụng cụ chuyên dùng tháo lắp bánh tỳ xe TTG chạy xích”. Ý tưởng này xuất phát từ một lần thay bánh tỳ xe M113 bị hỏng trong diễn tập rất vất vả, mất nhiều thời gian và nguy hiểm cho người làm nhiệm vụ. Thông thường để tháo một bánh tỳ xe M113 thì phải tháo hộp bơi, hạ chùng xích, cắt xích, đào lỗ, nổ máy chạy xe tới vị trí để bánh tỳ hư hỏng tụt xuống lỗ... mới tháo lắp bánh tỳ. Tháo lắp xong phải làm động tác ngược lại. Theo cách này, nếu 3 người làm nhanh và thuận lợi mất khoảng 2 tiếng, còn thông thường mất từ 3-4 tiếng đồng hồ.
Qua nhiều ngày lên kế hoạch, suy nghĩ, anh quyết định dùng dây cáp liên kết trục bánh tỳ với dải xích trên, sau đó dùng kích và thanh chống... kích dải xích lên trên. Bánh tỳ được kéo lên nằm tự do giữa hai dải xích, không bị vướng các vấu của mắt xích, thuận tiện cho việc tháo lắp. Khi tháo lắp xong hạ xích, hạ cáp là hoàn thành công việc. Với cách làm này, khi một người tháo bánh tỳ chỉ mất khoảng 35 phút, 2 người làm mất 20 phút, công việc lại đơn giản, nhẹ nhàng và an toàn hơn nhiều. Đề tài này nhanh chóng được áp dụng vào thực tiễn và được Hội đồng khoa học cấp Quân khu 5 đánh giá cao.
Đưa tôi đi tham quan nhà xe của đơn vị, Trung tá Hồng vui mừng cho biết thêm, anh và một số đồng đội trong đơn vị cũng vừa thực hiện xong giải pháp “Cải tiến mễ kê ô-tô niêm cất, sẵn sàng chiến đấu”. Sáng kiến này xuất phát từ việc hạ mễ kê niêm cất, sẵn sàng chiến đấu vẫn còn rườm rà, tốn nhiều thời gian và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn. Với giải pháp mới, chỉ cần rút chốt hãm, gõ thanh giữ, giải phóng thanh chống, làm đầu xe sập xuống là có thể nổ máy đưa xe ra khỏi nhà xe.
Với những thành tích trên, Trung tá Ngô Minh Hồng nhiều năm đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, được Quân khu tặng các bằng khen về sáng tạo kỹ thuật. Đặc biệt, năm 2013, anh vinh dự được tuyên dương “Điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh toàn quân giai đoạn 2010-2013”. Với những công trình giàu tính sáng tạo, có giá trị thực tiễn cao, mọi người thường gọi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn TTG 699 này bằng một cái tên trìu mến: chủ nhân của những sáng kiến ngành TTG.
Bài và ảnh: ĐẮC MẠNH