.

Người cựu binh mẫu mực

Mới gặp lần đầu và thoạt nhìn ít ai nghĩ ông Nguyễn Đình Ngật đã 86 tuổi (tổ 6, phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu); bởi ông vẫn hết sức khỏe khoắn và minh mẫn.

Anh lính trẻ trên chiến trường Bình-Trị-Thiên năm nào giờ đây đã là một cựu binh già nhưng vẫn mang đậm khí chất anh Bộ đội Cụ Hồ: luôn hăng hái, nhiệt tình, trách nhiệm trên nhiều cương vị công tác.

Lần giở lại những trang hồi ức, ông Nguyễn Đình Ngật tâm sự về những tháng ngày tuổi thơ chưa kịp thực hiện những ước mơ của mình. Là người con sinh ra và lớn lên ở miền quê nghèo, hiếu học (bên kia phá Tam Giang, tỉnh Thừa Thiên-Huế) từ thuở bé ông đã được gia đình cho theo học chữ Hán Nôm. Tuy nhiên, thời cuộc chiến tranh lúc bấy giờ đã không cho phép người thiếu niên đầy ý chí ấy theo đuổi niềm đam mê con chữ.

Ông Ngật cũng như những bạn bè cùng trang lứa cầm súng tham gia hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ cũng như cuộc chiến biên giới Tây Nam. Được đứng vào hàng ngũ của Đảng từ khá sớm, trong ông luôn nung nấu quyết tâm phải đóng góp xương máu, kể cả phải hy sinh cho độc lập tự do của Tổ quốc.

Người cựu chiến binh (CCB) 65 năm tuổi Đảng đã truyền cảm hứng cho chúng tôi, những người đối diện lần đầu về những năm tháng oai hùng, máu lửa một thời nơi chiến trường Bình-Trị-Thiên, chiến trường Vĩnh Linh dù gian khổ khó khăn nhưng không thể nào quật ngã ý chí kiên cường đã tôi luyện.

Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bắc Nam thống nhất, ông được điều về công tác tại Quân khu 5 trên nhiều cương vị cho đến khi nghỉ hưu. Nhớ lại thời điểm khi trở về địa phương chưa kịp nhận sổ hưu, Đại tá Nguyễn Đình Ngật đã được nhân dân bầu làm Chi hội trưởng Người cao tuổi của tổ dân phố. Tinh thần trách nhiệm của người lính đã ăn sâu trong con người cựu binh.

Vì thế dù ở vai trò nào, ông Ngật cũng luôn hết mình. Kinh qua nhiều chức trách ở tổ dân phố cũng như ở phường, khi thì làm Bí thư chi bộ, khi thì Chi hội trưởng Hội CCB, Ủy viên BCH Hội CCB phường… ông luôn được mọi người tin yêu, kính nể. Là một trong những người tiên phong trong công tác lưu giữ, duy trì chữ Hán - Nôm, thành viên sáng lập Trung tâm Hán Nôm của thành phố năm 2012, ông Ngật cất công sao các bản viết bằng chữ Hán với kích cỡ lớn để tặng các trường học trên địa bàn phường như Chiếu dời đô, Hịch tướng sĩ…; cùng với các hội viên của Trung tâm Hán Nôm thành phố sao dịch các văn bản chữ Hán về Hoàng Sa của Lê Quý Đôn để giới thiệu, tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam.

Những tư liệu này cũng được đưa vào trong sách Kỷ yếu Hoàng Sa của UBND huyện đảo Hoàng Sa, thành phố Đà Nẵng. Việc làm đó vừa thể hiện ý thức luôn đấu tranh bảo vệ chủ quyền, biển, đảo Tổ quốc của một CCB, vừa góp phần vào công tác giáo dục thế hệ trẻ về ý nghĩa chiến thắng vĩ đại của dân tộc Việt Nam qua các cuộc đấu tranh bảo vệ đất nước với mong muốn truyền thống cách mạng sẽ thấm vào huyết mạch của các thế hệ mai sau.

Quan niệm lớp người đi sau dù không trực tiếp tham gia cầm súng để bảo vệ Tổ quốc nhưng họ sẽ là những người viết tiếp trang sử vẻ vang của dân tộc, ông ý thức mình phải là tấm gương sáng của người đi trước giúp người đi sau noi theo. Cho nên đối với con cháu, những thanh niên ở địa phương, ông luôn tìm cách lồng ghép giáo dục tư tưởng khéo léo thông qua các câu chuyện đời, chuyện xưa và không ngại ngần đặt niềm tin từ những việc làm nhỏ có sức lay động mạnh mẽ thế hệ đi sau.

Đến nay, dù tuổi đã cao nhưng hằng năm người CCB già đều dành thời gian để tìm tòi tư liệu, xây dựng và tổ chức, chủ trì các buổi giao lưu với các cháu thanh, thiếu niên trong tổ dân phố nhân các ngày lễ lớn…

Ông còn đi tới tận các trường học trên địa bàn phường và các phường bạn tham gia các buổi giao lưu truyền lửa cách mạng, lòng yêu nước thiết tha, tinh thần đoàn kết dân tộc. Ông nói: “Tôi luôn tin tưởng những điều mình làm sẽ giúp ích được cho đất nước và tiếp thêm sức mạnh cho các thế hệ con cháu…”. Ông là tấm gương tiêu biểu suốt đời học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh và là niềm tự hào của Chi bộ 6, phường Hòa Thuận Tây.

TRỌNG HÙNG

;
.
.
.
.
.