.

Người hùng thầm lặng

.

Là chiến sĩ cứu hỏa, vào sinh ra tử với hàng ngàn vụ cháy, Trung tá Nguyễn Thành Nam- Trưởng phòng Tham mưu Phòng cháy chữa cháy (PCCC), Cảnh sát PCCC thành phố Đà Nẵng - luôn tâm niệm: “Đã là người lính cứu hỏa thì chỉ cần nghe lệnh là phải đi..., không có mặt ở đám cháy thì mình xấu hổ với chính cái nghề của mình”.

Liều mình trong biển lửa

Cuộc trò chuyện của tôi và Trung tá Nguyễn Thành Nam bắt đầu từ vụ nổ kho bom Hòa Cầm vào trưa 2-5-1993. Khi ấy, cả thành phố chấn động bởi tiếng nổ kinh hoàng phát ra từ khu vực kho bom Hòa Cầm do chế độ cũ để lại. Tuy không phải trong ca trực nhưng Trung tá Nam đã tức tốc chạy về đơn vị hỗ trợ tham gia chữa cháy cùng đồng nghiệp.

Tình thế lúc đó vô cùng nguy cấp khi kho liên tiếp phát ra thêm hai tiếng nổ lớn và xe cứu hỏa không thể tiếp cận nguồn nước. Trung tá Nam gợi ý anh em đưa xe ra bờ sông gần đó hút nước.

Tuy nhiên, nước sông quá cạn, không đủ điều kiện để nước lên. Không mảy may nghĩ đến nguy hiểm tính mạng, Trung tá Nam quả quyết cắm ngay vòi hút 125mm vào bụng mình nhằm tạo thành vòng tròn khép kín để gây chân không, tạo lực cho thiết bị. Khi cảm thấy bụng mình đã căng cứng vừa phải, anh vội vàng cắm ngay vòi hút xuống nước. Cách làm này khá nguy hiểm bởi nếu không rút ống hút ra kịp thời sẽ bị dính chặt với ống, bản thân anh sẽ bị thương. Nhờ phương án giải quyết tình hình nhanh nhạy, dũng cảm của anh mà lực lượng chiến sĩ chữa cháy có đủ nước để dập lửa. Vụ nổ khiến nhiều đồng nghiệp của anh bị thương, các thiết bị chữa cháy hư hỏng, nhưng anh vẫn kiên quyết xông vào những nơi nguy hiểm nhất để dập tắt đám cháy. Cuộc chiến kéo dài đến 18 giờ.

Trở về đơn vị với thân thể mỏi mệt, chưa kịp lấy lại sức, toàn bộ lực lượng lại nhận được \còi báo động kho bom tiếp tục phát nổ. Nhiều người e ngại nhưng anh Nam quả quyết “có lệnh là phải đi”. Sau vụ nổ này, anh Nam được lãnh đạo tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tặng giấy khen đầu tiên trong cuộc đời làm chiến sĩ cứu hỏa của mình.

Những năm sau đó, các vụ cháy như: cháy rừng phòng hộ Nam Hải Vân (1994), cháy trạm biến áp 500kV (2007), cháy tại Công ty Dệt may Hòa Thọ (2007), vụ cháy kho nhiên liệu của Sư đoàn 375…, Trung tá Nguyễn Thành Nam đều có mặt.

“Khi xảy ra cháy, dù đêm hay ngày thì người chỉ huy phải có mặt trước chiến sĩ để chỉ huy. Trên đường đi, mình phải xác định vụ cháy đó ra sao, chất cháy là gì thông qua màu sắc của đám cháy. Từ đó, phán đoán tình hình để phân công nhiệm vụ cho các chiến sĩ; đồng thời liên lạc với trung tâm chỉ huy để huy động lực lượng khi cần thiết”, Trung tá Nam cho biết.
Lần giở những bằng khen, giấy khen mình từng nhận được, đôi mắt anh ánh lên niềm hạnh phúc. Tuy vậy, anh nhắc đi nhắc lại với tôi rằng: “Đừng viết nhiều vì thấy cũng chưa “sướng” lắm!”.

Cán bộ tham mưu tận tụy

Trải qua nhiều vị trí công tác, hiện tại, Trung tá Nguyễn Thành Nam đảm nhận chức vụ Trưởng phòng Tham mưu, Đảng ủy Cảnh sát PCCC. Anh chia sẻ, từ một người làm công tác tham mưu ở vị trí cấp phòng thuộc Công an thành phố, ngay sau khi thành lập Cảnh sát PCCC thành phố, bản thân anh ban đầu khá bỡ ngỡ. Nhiều lĩnh vực tham mưu còn phải loay hoay vừa làm vừa học hỏi người đi trước, các đơn vị bạn, vừa tìm tòi đề ra hướng đi, cách làm phù hợp với điều kiện thực tiễn của địa phương, đơn vị. “Giờ nhiều lúc bật cười khi đọc lại những văn bản trước kia mình làm”, anh bộc bạch.

Theo anh, người cán bộ tham mưu đòi hỏi phải nhạy bén với tình hình, nắm nhiều nguồn tin, tỉ mỉ, tận tụy, thận trọng để kịp thời tham mưu cho lãnh đạo những phương án, phương hướng, chiến lược lâu dài trong lĩnh vực an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

Trong công tác chỉ đạo đơn vị, dù bất cứ thời điểm nào, Trung tá Nguyễn Thành Nam cũng luôn tâm niệm: “Muốn huy động, phát huy được năng lực, sức mạnh của tập thể thì phải có sự tập trung dân chủ”. Nhờ cách nghĩ, cách làm này, anh tạo dựng được niềm tin, tinh thần đoàn kết, tương thân tương trợ lẫn nhau giữa các đồng nghiệp. Phòng Tham mưu do anh lãnh đạo có tổng cộng 45 đồng chí; trong đó có 6 đồng chí tham gia giữ gìn an ninh trật tự cơ sở, còn lại 38 đồng chí. Nhiều thời điểm, Phòng Tham mưu cùng lúc có tới 15 cán bộ đi học lớp bồi dưỡng nghiệp vụ Công an nhân dân nhưng công việc của phòng luôn suôn sẻ.

23 năm gắn bó với nghề cứu hỏa và là kỹ sư PCCC, dù phải liên tiếp đối mặt với những hiểm nguy không thể lường trước nhưng với Trung tá Nguyễn Thành Nam, “nghe cháy lớn, mọi người có mặt mà mình không có mặt thì mình cảm thấy xấu hổ với đồng nghiệp, với chính cái nghề của mình. Đây đã là cái nghề, cái nghiệp rồi”.

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.