Chúng tôi gặp lại thuyền trưởng tàu Cảnh sát biển (CSB) 4033 Lê Trung Thành một năm sau sự kiện Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 trái phép trên vùng thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của nước ta ở Biển Đông.
Vẫn ánh mắt cương nghị, giọng nói rắn rỏi, sự già dặn, trưởng thành hơn so với tuổi, anh là gương mặt tiêu biểu đại diện cho thế hệ trẻ trong việc hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao để bảo vệ chủ quyền vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.
Tàu Cảnh sát biển 4033 do Lê Trung Thành làm thuyền trưởng là một trong những con tàu có mặt đầu tiên ở Hoàng Sa khi sự kiện Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981, đồng thời cũng là tàu đầu tiên bị tàu nước ngoài đâm hư hỏng nặng phải quay về bờ sửa chữa, mấy hôm sau lại tiếp tục lao vào điểm nóng để thực hiện nhiệm vụ mà cả nước tin yêu trao gửi. Cũng từ tàu CSB 4033, cán bộ, chiến sĩ của tàu đã ghi lại được những hình ảnh đầu tiên về cảnh các tàu Trung Quốc hung hãn đâm húc, phun vòi rồng vào các tàu thực thi pháp luật của Việt Nam, trở thành tư liệu đặc biệt công bố tại cuộc họp báo quốc tế đầu tiên của Bộ Ngoại giao ngay sau đó.
Những hình ảnh này trở thành bằng chứng không thể chối cãi trước dư luận toàn thế giới về hành vi bạo ngược, vô nhân đạo của tàu Trung Quốc tại vùng biển chủ quyền của Việt Nam. Vừa cập bờ ít bữa, anh nhận lệnh khẩn cấp điều khiển tàu CSB 4033 đạp sóng ra Hoàng Sa, cùng các biên đội tàu Cảnh sát biển bảo vệ chủ quyền tại điểm nóng vùng biển Hoàng Sa.
Giữa dày đặc tàu thuyền Trung Quốc bảo vệ giàn khoan, mũi tàu CSB 4033 thường xuyên cơ động, tiếp cận vị trí sâu nhất. Ngày 3-5-2014, tàu CSB 4033 bất ngờ bị tốp tàu Trung Quốc ngăn cản, uy hiếp và đâm trực diện mạn tàu. Chưa đầy một tháng, vị thuyền trưởng trẻ chỉ huy “lá chắn thép” CSB 4033 hai đợt trực tiếp triển khai thực thi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền tại thực địa Trung Quốc hạ đặt giàn khoan trái phép Hải Dương-981, với gần 1.000 hải lý an toàn.
Thuyền trưởng Lê Trung Thành là con út trong gia đình, trên có hai chị gái. Thi đậu 2 trường đại học, nhưng Thành đã quyết định chọn Học viện Hải quân để thành người lính biển. “Từ nhỏ, tôi đã thích đọc kiếm hiệp, tính cách mạnh mẽ, hành hiệp nghĩa khí cũng là cách sống của đời lính. Có lẽ vậy mà tôi vào Học viện Hải quân”, anh Thành nói. Năm 2007, sau khi tốt nghiệp, Thành nhận nhiệm vụ ngay tại Cảnh sát biển Vùng 2.
Đến năm 2010 đã làm thuyền trưởng, theo đó là những tháng ngày triền miên đi biển. 27 tuổi, anh được tin tưởng giao trọng trách thuyền phó biên đội tàu CSB lớn. Trên những hải trình ngang dọc khắp các vùng biển Tổ quốc thực thi nhiệm vụ, Thành tích lũy cho mình phẩm chất, bản lĩnh, kinh nghiệm. Nhận lệnh ra Vùng 2, Thành chỉ huy con tàu CSB 4033 tạo “điểm tựa” giữa trùng khơi.
Trước sự kiện giàn khoan Hải Dương - 981, thuyền trưởng Lê Trung Thành cùng đồng đội tàu CSB 4033 (Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Vùng 2, đóng tại Núi Thành, Quảng Nam) đã từng trải qua hàng vạn hải lý ngang dọc khắp các vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, Vũng Tàu, Tây Nam để bảo vệ các tàu thăm dò dầu khí của nước ta.
Với cá nhân Lê Trung Thành, khó kể hết những khen thưởng anh được nhận: Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở từ 2011-2014, khen thưởng về nhiệm vụ bảo vệ tàu thăm dò dầu khí Bình Minh các năm 2013-2014, Bằng khen của Bộ Quốc phòng vì thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ CH- 14, Huy hiệu Tuổi trẻ dũng cảm vì đã có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ CH - 14, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ 2014…
Nhắc lại những tháng ngày trên Biển Đông, phải thường xuyên đối mặt với những tình huống căng thẳng, thuyền trưởng Lê Trung Thành nói rằng chủ quyền của đất nước là thiêng liêng, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền luôn được đặt lên hàng đầu. Cán bộ, chiến sĩ trên tàu luôn sẵn sàng để hoàn thành nhiệm vụ vinh quang mà cả nước đã trao gửi. Ngày anh thực hiện nhiệm vụ trên biển cũng là lúc mẹ anh, bà Huỳnh Thị Như Đóa, lâm bệnh hiểm nghèo với chứng ung thư vòm họng giai đoạn 2. Gia đình chỉ mỗi anh Thành là con trai, nhưng nhiệm vụ đặc biệt liên tiếp cần anh ở vùng biển Hoàng Sa.
Một mình bố anh phải đưa mẹ vào thành phố Hồ Chí Minh để chữa trị và phải thuê phòng trọ để gần viện. “Mẹ đã 7 lần xạ trị. Khi tàu 4033 vào quân cảng Đà Nẵng sửa chữa, vì nhiệm vụ mình cũng không tranh thủ về thăm mẹ được. Ngày anh em mình ra biển, mẹ lại phải vào phòng cấp cứu”, anh nhớ lại.
Nhưng rồi, trên khuôn mặt cương nghị của vị thuyền trưởng trẻ can trường lại ánh lên niềm tin, sự động viên rất lớn: “Thời điểm đó, trên tàu Cảnh sát biển 4033 có biết bao nhiêu chiến sĩ cũng có hoàn cảnh đặc biệt, nhưng họ đều gác việc nhà để đi làm nhiệm vụ. Tổ quốc đang có biến, mình đâu vì tình riêng mà bỏ việc chung được”.
Những tấm bằng khen, danh hiệu của Trung ương Đoàn và Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị... trao tặng cho thuyền trưởng gan dạ Lê Trung Thành là nguồn động viên vô giá để anh tiếp tục vững vàng nơi đầu sóng, sẵn sàng vượt hiểm nguy, xả thân quên mình để góp phần bảo vệ chủ quyền, gìn giữ biển, đảo thân yêu của Tổ quốc.
PHAN CHUNG – NAM PHONG