.

Sẻ chia những nỗi đau

.

“Cô ơi, Tết năm ni có gạo không cô?”, câu hỏi vô tư của một bệnh nhân có thể làm y sĩ Huỳnh Thị Thủy mất ngủ mấy tháng. Và chị sẽ chỉ ngủ ngon trở lại khi bằng mọi cách tìm được gạo, tìm được món quà hay nguồn động viên nho nhỏ nào đó đến những số phận kém may mắn.

Hơn 20 năm nay, y sĩ Huỳnh Thị Thủy, Trạm phó Trạm y tế phường Mân Thái (quận Sơn Trà) luôn tận tình chăm sóc, giúp đỡ những người mắc bệnh tâm thần trên địa bàn, với một trái tim đầy yêu thương, trăn trở như thế. Chị cũng khiến cuộc sống mỗi ngày của bản thân thêm ý nghĩa bởi các hoạt động từ thiện giúp đỡ người bệnh phong, ung thư, người mù, người nghèo, đồng bào dân tộc khó khăn…

Chị Huỳnh Thị Thủy chính là tác giả và là thành viên chính của chương trình từ thiện “Vòng tay yêu thương” sưởi ấm bao trái tim người bệnh, người nghèo trên địa bàn phường Mân Thái và các quận, huyện lân cận gần 10 năm nay. Ra đời từ năm 2007, song khi ấy, chương trình chưa được gọi tên như bây giờ, bởi điều chị quan tâm duy nhất lúc bấy giờ là làm sao tìm được nguồn tài trợ để các bệnh nhân có hoàn cảnh quá đáng thương của chị có chút quà Tết, chút tiền tiết kiệm… Cho đến bây giờ, chị Thủy còn nhớ như in cái cảm giác xúc động đến nghẹn ngào khi cầm trên tay 5 cuốn sổ tiết kiệm, mỗi cuốn trị giá 1 triệu đồng, được chị vận động, ky cóp đến từng đồng bạc lẻ, trao cho 5 bệnh nhân tâm thần có hoàn cảnh neo đơn, đặc biệt khó khăn.

Xuất phát điểm của “Vòng tay yêu thương” chỉ hướng đến đối tượng bệnh nhân tâm thần tại trạm, sau thì mở rộng hỗ trợ các bữa ăn, quà Tết, vật dụng cá nhân cho người bệnh phong, người mù, người nghèo trên địa bàn, đồng bào dân tộc thiểu số… Bởi, càng ngày, chị Thủy càng nhận thấy quá nhiều người cần được động viên, giúp đỡ từ cộng đồng. Chỉ tính từ năm 2011 đến quý 1 năm 2016, các chương trình từ thiện của “Vòng tay yêu thương” có tổng giá trị lên đến hơn 975 triệu đồng, là những mái ấm, những món quà đượm tình người.

Năm 1998, chị Thủy bắt đầu nhận công tác tại Trạm y tế phường Mân Thái chuyên trách mảng tâm thần, thời điểm đó, phường chỉ quản lý 4 người bệnh điều trị ngoại trú, đến nay, con số đó đã tăng lên đến 55 người, nếu tính 7 bệnh nhân đã qua đời vì nhiều lý do khác nhau, thì tổng số người bệnh là 62. Số lượng bệnh nhân tâm thần chỉ có tăng chứ không giảm, vì mỗi năm sẽ được cộng dồn cả bệnh cũ và bệnh mới, không có ai được xuất viện hết, chị Thủy nói. Vì vậy, trong số 55 bệnh nhân hiện tại, có những người đã gắn bó với chị Thủy ngót 18 năm.

Ngày đầu gặp chị, họ còn rất trẻ, nhưng nay nhiều người tóc đã pha sương, thân hình “phục phịch”, đi lại khó khăn hơn, các bệnh nhân càng lâu năm thì các triệu chứng “miệng nhô như thỏ” càng rõ rệt, vì tác dụng phụ của thuốc điều trị. Nhìn người bệnh vừa phải chịu nỗi đau bệnh tật, vừa bị dày vò bởi tác dụng phụ của thuốc, trái tim nhân hậu của một cán bộ chuyên trách như chị Huỳnh Thị Thủy như bị “ngàn mũi kim châm”. Song, nguyên tắc bất di bất dịch trong điều trị bệnh tâm thần là phải liên tục uống thuốc, chỉ cần ngưng vài ngày, các triệu chứng loạn thần, ám ảnh, động kinh sẽ lập tức trở lại với người bệnh, vì vậy, chị Thủy không còn cách nào khác!

Trên thực tế, không phải loại thuốc điều trị bệnh tâm thần nào cũng có tác dụng phụ. Nhưng bệnh nhân của chị Thủy phần lớn là người nghèo, bản thân họ phần lớn không còn sức lao động, không đủ điều kiện “để theo” các loại thuốc thế hệ mới, đắt tiền, ít tác dụng phụ. Họ chỉ có thể uống các loại thuốc “cổ điển” được phát miễn phí hằng tháng, theo chương trình mục tiêu quốc gia như: Aminazine, Haloperidone, Phenobarbital…

Khổ là vậy, nhưng có gia đình có đến hai người bị bệnh tâm thần, có trường hợp người bệnh chỉ sống một mình không người chăm sóc, có những người mẹ già nằm liệt giường cũng phải đau đáu nỗi đau vì người con duy nhất bị bệnh tâm thần… Vì vậy, với chị Thủy, việc sẻ chia bớt những nỗi đau của họ có thể chỉ bằng một món quà nhỏ, một nụ cười, một lời động viên… thực sự là niềm vui, là điều ý nghĩa nhất trong cuộc sống mỗi ngày của chị. Tính cả hai năm đầu công tác tại phường Thọ Quang, cũng với nhiệm vụ chăm sóc người tâm thần, đến nay chị Thủy đã gắn bó với công việc nhọc nhằn, nguy hiểm này được 20 năm. Và khi được hỏi, nếu được chọn lại một công việc, một nghề nghiệp để gắn bó, chị Thủy đã không ngần ngại nói rằng: “Nếu được sinh ra lần nữa, tôi vẫn nhất định chọn con đường này!”, dù chị có thể phải tiếp tục mất ăn, mất ngủ nhiều ngày, vì tình thương, sự đồng cảm với những số phận kém may mắn…

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.