.

Bác Hồ trong lòng văn nghệ sĩ Đà Nẵng

.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là nhà thơ, nhà văn mà còn là người lãnh đạo luôn coi trọng vai trò của văn hóa, văn nghệ trong đời sống cộng đồng. Giữa hơi thở cuộc sống đó, mỗi tác phẩm vừa là đứa con tinh thần của người nghệ sĩ, vừa thể hiện tâm tư, tình cảm của đại bộ phận dân chúng. Tư tưởng nhân văn này đã ảnh hưởng rất nhiều đến quá trình hoạt động, cống hiến của tập thể Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng những năm qua.

Là hội đặc thù có nhiệm vụ tập hợp, động viên văn nghệ sĩ thành phố tích cực lao động sáng tạo, cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng, phản ánh đời sống vật chất, tinh thần của người dân, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố Đà Nẵng thường xuyên tổ chức các chuyến đi thực tế sáng tác trong và ngoài nước cho anh em hội viên. Trong đó tổ chức 2 chuyến đi thực tế cho 30 văn nghệ sĩ tiêu biểu thuộc 9 hội chuyên ngành trực thuộc với chủ đề “Hành trình theo chân Bác”, đến các địa danh lịch sử ghi dấu ấn về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh như Bảo tàng Hồ Chí Minh tại Quảng Châu (Trung Quốc), Cao Bằng, ATK (An toàn khu) tại Tuyên Quang… Qua những chuyến đi này, văn nghệ sĩ thành phố có thêm nhiều tư liệu quý về cuộc đời hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện thực hóa vào những tác phẩm của mình.

Đơn cử, sau chuyến đi thực tế sáng tác tại Quảng Châu (Trung Quốc), nơi lưu giữ nhiều hiện vật, tài liệu gắn liền với cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, văn nghệ sĩ Đà Nẵng đã cho ra đời nhiều tác phẩm chất lượng, góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Có thể kể đến bức tranh sơn dầu “Khi Bác Hồ ở Quảng Châu” của họa sĩ Nguyễn Tường Vinh hay phim phóng sự “Hành trình theo chân Bác” của tác giả Đặng Quốc Phồn, ca khúc “Ngỡ như Người còn đây” của nhạc sĩ Trần Ái Nghĩa; chùm ảnh liên quan đến những hiện vật, hình ảnh Bác Hồ tại Quảng Châu của nghệ sĩ nhiếp ảnh Ông Văn Sinh…

Mặt khác, việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW đã giúp văn nghệ sĩ thành phố nâng cao nhận thức, đề cao ý thức tự giác, tu dưỡng, rèn luyện, học tập, gắn vai trò trách nhiệm của người đảng viên, hội viên trong việc sáng tác tác phẩm văn học-nghệ thuật phục vụ công chúng. Đã có một số tác phẩm văn học-nghệ thuật đạt giải thưởng cao do Trung ương tổ chức như công trình sưu tầm, biên soạn “Ca dao, dân ca kháng chiến đất Quảng (1954-1975)” của tác giả Hoàng Hương Việt (đạt giải B, Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học-nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013-2015); tập thơ “Tấm lòng người thợ xây lăng Bác Hồ” của tác giả Phạm Minh Thông (giải C, Giải thưởng Sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học-nghệ thuật, báo chí về chủ đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh năm 2013-2015). Bên cạnh đó, một số tác phẩm khác như tập thơ “Gửi lòng con đến cùng Cha” tập hợp 62 bài thơ của 52 tác giả là hội viên Hội Nhà văn thành phố; tập “Hò vè dân ca Quảng Nam, Đà Nẵng 1945-1975” của tác giả Võ Văn Hòe, hội viên Hội Văn nghệ dân gian cũng góp phần tạo nên tiếng vang trong hoạt động sáng tác văn học thời gian qua.

Từ năm 2011 đến nay, Liên hiệp các Hội Văn học-Nghệ thuật thành phố tổ chức rất nhiều đợt vận động sáng tác xoay quanh chủ đề Hồ Chí Minh như “Bác Hồ trong lòng văn nghệ sĩ Đà Nẵng” hay “Gương sáng Bác Hồ”, thu hút sự tham gia của hàng trăm hội viên chuyên và không chuyên, sáng tác trên các chất liệu khác nhau như thơ, ca, múa, vẽ, nghệ thuật tạo hình… Nhiều nghệ sĩ chia sẻ rằng, với họ, hình ảnh Bác Hồ đã trở nên thân thuộc, gần gũi từ những việc làm rất nhỏ, rất nhân văn.

Bên cạnh đó, từng hội chuyên ngành trực thuộc như Hội Nhà văn, Hội Âm nhạc, Hội Mỹ thuật, Hội Nhiếp ảnh nghệ thuật, Hội Nghệ sĩ sân khấu, Hội Nghệ sĩ múa, Hội Văn nghệ dân gian, Hội Điện ảnh và Hội Kiến trúc sư cũng có những hoạt động riêng, cụ thể nhằm thực hiện Chỉ thị số 03/CT-TW. Trong đó phải kể đến một số hoạt động nổi bật như Hội Mỹ thuật và Nhiếp ảnh đã tổ chức nhiều cuộc trưng bày, triển lãm tranh, ảnh ở các địa phương thuộc Quảng Nam, Đà Nẵng, Nghệ An; Hội Điện ảnh tổ chức nhiều buổi chiếu phim tài liệu, phim truyện về đề tài Bác Hồ, phục vụ miễn phí cho cán bộ và nhân dân thành phố; Hội Âm nhạc phối hợp với Phát thanh và Truyền hình Đà Nẵng giới thiệu các ca khúc viết về Bác Hồ... Chính sự phong phú, đa dạng trong chất liệu, đề tài sáng tác đã giúp văn nghệ sĩ Đà Nẵng liên tục có những tác phẩm đạt chất lượng, nhận nhiều giải thưởng văn học, nghệ thuật trong và ngoài thành phố.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.