Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 có nhiều điểm mới, kế thừa được các bản Hiến pháp trước đó cũng như theo xu thế phát triển mới của đất nước. Tuy nhiên, Dự thảo còn nhiều vấn đề cần tiếp tục làm rõ, về nội dung tại Chương IX “Chính quyền địa phương”, xin được bàn luận thêm để có những quy định phù hợp hơn đáp ứng xu thế phát triển và từ thực tiễn đòi hỏi.
Thứ nhất, nên đổi cụm từ “HĐND và UBND” thành “chính quyền địa phương”.
Dự thảo Hiến pháp lần này đã đổi tên Chương IX: “HĐND và UBND” thành “Chính quyền địa phương” nhưng tại các điều khoản trong dự thảo vẫn còn giữ cụm từ HĐND và UBND. Theo đó, mô hình tổ chức bộ máy cơ quan chính quyền địa phương hầu như giống nhau ở tất cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã, gồm HĐND và UBND. Điều này sẽ gây khó khăn cho việc hình thành mô hình chính quyền đô thị mà tinh thần Hiến pháp hướng tới.
Nếu dự thảo chỉ quy định chung là chính quyền địa phương và để luật điều chỉnh thì Hiến pháp dễ dàng áp dụng trong thực tiễn, có tính linh hoạt cao và không bị lỗi thời, mở đường cho việc phát triển tổ chức bộ máy quản lý Nhà nước ở địa phương phù hợp với xu thế phát triển của thời đại.
Thứ hai, việc quy định các đơn vị hành chính lãnh thổ nên định hướng đi lên theo xu hướng phát triển của xã hội.
Tại khoản 1, Điều 115 của Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: “Tỉnh chia thành huyện, thành phố thuộc tỉnh và thị xã; thành phố trực thuộc Trung ương chia thành quận, huyện và thị xã”… đề nghị điều chỉnh như sau: “Các đơn vị hành chính lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam phân định: Nước chia thành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị dưới cấp tỉnh được tổ chức theo luật định”. Hiện nay tại các thành phố thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND thì chỉ có một cấp chính quyền đầy đủ có cả HĐND và UBND, các cấp còn lại (trừ cấp xã) chỉ là cơ quan hành chính đúng nghĩa của nó.
Thứ ba, cơ quan hành chính ở địa phương không chỉ là UBND.
Xuất phát từ tình hình thực tiễn đang áp dụng tại địa phương khi không tổ chức HĐND theo Nghị quyết 26/2008/QH12 của Quốc hội ngày 15-11-2008 thì ở các đô thị chỉ có một cấp chính quyền thành phố có HĐND, các cấp còn lại (trừ cấp xã còn HĐND) chỉ có cơ quan hành chính các cấp mà hiện nay đang còn gọi là UBND, cụm từ này thực tế nội hàm đã thay đổi về cơ bản nay chỉ còn gọi theo thói quen, nếu việc hình thành mô hình chính quyền đô thị được thông qua thì trong chương Chính quyền địa phương của Dự thảo Hiến pháp sẽ có nhiều phương án lựa chọn tên gọi các cấp hành chính phù hợp như Ủy ban hành chính (Hiến pháp 1946), Thị trưởng… Do đó, nếu để cụm từ “Ủy ban Nhân dân” vào Hiến pháp thì rất khó điều chỉnh để áp dụng sau này.
Thứ tư, xác định vị trí thật sự của Hội đồng nhân dân các cấp.
Nhà nước ta do Đảng cầm quyền duy nhất, chế độ Trung ương tập quyền, địa phương chỉ được phân quyền, phân cấp một số nhiệm vụ nhất định (khác cơ quan quyền lực Quốc hội) nên HĐND chỉ bàn và quyết nghị một số nội dung trong phạm vi phân cấp, ủy quyền. Do đó, nếu quy định HĐND là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương thì cũng chỉ áp đặt về ngôn từ vì HĐND không thực hiện đầy đủ quyền lực của mình, nếu thực hiện thì quyền lực ấy cũng rất hạn chế và không đầy đủ.
Do vậy, đề nghị Dự thảo Hiến pháp chỉ nên xác định vị trí của HĐND địa phương là cơ quan đại biểu của nhân dân địa phương. Có như vậy quyền dân chủ của nhân dân được bảo đảm thực chất, tránh hình thức.
ĐẶNG CÔNG NGỮ
Giám đốc Sở Nội vụ thành phố