(ĐNĐT) - Sáng nay (13-10), hàng triệu người dân Việt dõi theo từng thời khắc truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cảnh tiễn đưa người về nơi yên nghỉ cuối cùng ở cõi vĩnh hằng. Khắp mọi miền đất nước, những ánh mắt chan chứa tình yêu thương, niềm xúc động hướng lên màn hình tivi, nghẹn ngào khi nhìn thấy di linh của Đại tướng được di chuyển khỏi Nhà tang lễ Quốc gia.
Tại Quảng Bình
Đúng 7 giờ sáng 13-10, cùng với Thủ đô Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, tỉnh Quảng Bình đã tổ chức Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp về nơi yên nghỉ cuối cùng tại Vũng Chùa - đảo Yến, tỉnh Quảng Bình. Bí thư Thành ủy Trần Thọ, Chủ tịch UBND thành phố Văn Hữu Chiến cùng lãnh đạo các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên đến dự. Hàng triệu người dân các tỉnh đã đến chia buồn hoặc chứng kiến qua buổi truyền hình trực tiếp.
Chủ trì lễ truy điệu tại tỉnh Quảng Bình, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Bình Lương Ngọc Bính xúc động ôn lại quá trình tham gia cách mạng từ năm 14 tuổi của Đại tướng. Những đóng góp to lớn cho toàn dân tộc cũng như nhân cách, bản lĩnh, trí tuệ, phẩm chất cao quý của Đại tướng một lần nữa lan tỏa trong trái tim và khối óc của mỗi người dân Việt Nam. Với người dân Quảng Bình, Đại tướng là niềm tự hào của biết bao thế hệ.
Quang cảnh Lễ truy điệu Đại tướng tại Quảng Bình |
Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Đà Nẵng Trần Thọ (áo trắng, thứ 2 từ phải sang) cùng lãnh đạo các địa phương kính cẩn nghiêng mình tưởng niệm Đại tướng tại lễ truy điệu ở Quảng Bình |
Đoàn lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và các tỉnh, thành tại Lễ truy điệu Đại tướng ở Quảng Bình |
Khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc điếu văn, những dòng nước mắt đã lăn dài trên khuôn mặt của nhiều người. Những tiếng nấc nghẹn lòng tiễn biệt người anh hùng của dân tộc ra đi mãi mãi.
Trước anh linh Đại tướng Võ Nguyên Giáp, những người bà con, họ hàng gia quyến Đại tướng bịt khăn tang bày tỏ niềm thương tiếc, sự mất mát quá đỗi to lớn. Xúc cảm nghẹn ngào khôn nguôi.
Với những cựu chiến binh đã hy sinh một phần thân thể cho cách mạng, họ ghi nhớ công ơn Đại tướng, người đã dũng cảm, can trường lãnh đạo quân đội Việt Nam giành những chiến thắng vĩ đại trước những kẻ thù hung bạo nhất. Lịch sử một lần nữa khắc ghi công lao Đại tướng. Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc ghi nhận đóng góp rất lớn của Đại tướng cho cách mạng, cho sự trường tồn, cho độc lập, tự do của dân tộc.
Những ánh mắt ngấn lệ thương nhớ Đại tướng |
Ông Đào Minh Tâm, thương binh 2/4, 72 tuổi ở TP. Đồng Hới (đứng giữa) dậy từ rất sớm để đến tưởng niệm, tiễn đưa Đại tướng về nơi an nghĩ cuối cùng. |
Tại Đà Nẵng
Từ sáng sớm, tại hội trường của BCH Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng, một không khí trang nghiêm, trầm mặc bao trùm. Khi lễ truy điệu vị anh hùng của dân tộc bắt đầu diễn ra, cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng nghiêm trang và thành kính hướng về Người trong niềm tiếc thương vô hạn, nghẹn ngào.
Đó cũng là không khí ghi nhận được tại trụ sở Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng. Mọi người đến đây để cùng xem truyền hình trực tiếp Lễ truy điệu Đại tướng đều xúc động, nghẹn ngào vì sự mất mát lớn của toàn dân tộc Việt Nam.
Mặc trên mình chiếc áo đỏ với hình ảnh cờ đỏ búa liềm, chiếc quần mang màu xanh của người lính Bộ đội Cụ Hồ (tất cả những trang phục này được anh sưu tầm trước đó), đứng trước bàn thờ Đại tướng Võ Nguyên Giáp, anh Alex Lang (quốc tịch Úc), hiện đang làm việc tại Công ty Lâm sản Việt Lang (trụ sở tại Đà Nẵng) tới viếng Đại tướng trong niềm xúc động và sự tiếc thương. “Đại tướng là một vị anh hùng của dân tộc Việt Nam. Ông không chỉ nổi tiếng ở trong nước mà còn ở khắp nơi trên thế giới. Tôi rất cảm phục trước sự tài giỏi của ông. Xin cúi đầu trước vong linh của Ngài”, anh Alex Lang nghẹn ngào.
Các cựu chiến binh Đà Nẵng xúc động chăm chú theo dõi Lễ truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp |
Cán bộ, chiễn sỹ Bộ đội Biên phòng thành phố Đà Nẵng dõi theo từng thời khắc truy điệu Đại tướng |
Chống hai chiếc nạng, đứng phía sau cùng của dòng người dài xếp hàng chờ tới lượt vào thắp nén nhang cho Đại tướng tại trụ sở Hội Cựu chiến binh thành phố Đà Nẵng, anh Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Đà Nẵng, ánh mắt đỏ hoe, rưng rưng nghẹn ngào: “Trong thời khắc đặc biệt này, tôi càng thấy tiếc thương vô hạn với Người. Sự ra đi này là nỗi mất mát quá lớn với cả dân tộc Việt Nam. Tôi đã học được nhiều điều quý giá từ những đức tính cao đẹp mà Người đã để lại”.
Hòa trong dòng người có mặt tại Quân khu 5, em Trần Thị Huyền - học sinh lớp 10C2 Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, xúc động: “Dù em chỉ biết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua sách vở, báo chí, tivi nhưng khi nghe tin Đại tướng qua đời, em rất xúc động. Em cùng các bạn trong lớp 10C2 đến đây xin dâng lên Người nén nhang để bày tỏ lòng thành kính. Em tự hào vì Việt Nam chúng ta có người Đại tướng có tâm có tài như vậy…”.
Anh Nguyễn Sơn Tiến (trú phường Bình Thuận, quận Hải Châu, Đà Nẵng), cho biết anh đi cùng đại gia đình đến đây vì hôm qua cả nhà có người đi làm, đi học nên hôm nay mới đến viếng Đại tướng: “Cũng như mọi người dân khác, tôi rất xúc động và tiếc thương sự ra đi của Người. Mấy hôm nay xem lại phim tư liệu về Đại tướng, tôi càng kính trọng nhiều hơn. Mong Người yên nghỉ…”.
Đặc biệt, đến dự lễ truy điệu của Tướng Giáp có rất nhiều đồng chí, đồng đội của ông. Trong đó, có ông Nguyễn Tiến Chương (nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh), ông Nguyễn Xuân Khoa (năm nay đã 85 tuổi, từng làm việc tại Cục Chính trị 79). Ông Khoa nghẹn ngào cho biết: “Tôi xúc động lắm, tiếc thương lắm, vị tướng Tài của dân tộc ra đi rồi. Mong cho Người yên giấc ngàn thu…”.
Anh Nguyễn Đức tới thắp hương viếng Đại tướng cùng với bài nhạc được anh sáng tác mang tên “Đại tướng trong lòng dân”, phổ thơ của Trần Định kính dâng lên Người. |
Anh Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội người khuyết tật thành phố Đà Nẵng viếng Đại tướng tại trụ sở Hội Cựu chiến binh thành phố |
Cựu chiến binh thắp hương viếng Đại tướng |
Anh Alex Lang (quốc tịch Úc) tới viếng Đại tướng trong niềm xúc động và sự tiếc thương. |
Người dân thành phố Đà Nẵng viếng Đại tướng |
Người dân Đà Nẵng chăm chú theo dõi Lễ viếng Đại tướng qua ti vi |
Nhóm phóng viên