.

Dấu ấn ngoại giao Việt Nam

.

Năm 2013 là năm thành công trong công tác đối ngoại của Việt Nam. Mới đây, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã có cuộc trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề này. Trân trọng giới thiệu đến bạn đọc một số nội dung chính của cuộc trao đổi.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam (11/2013). Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đón Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm Việt Nam (11-2013). Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN

Phóng viên: Thời gian qua, Việt Nam liên tiếp thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, đối tác toàn diện với cả 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, vậy Việt Nam được lợi gì thưa Phó Thủ tướng?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Có thể nói, năm 2013 là năm có dấu ấn quan trọng về đối ngoại, quan hệ của Việt Nam với các nước, đặc biệt là một số nước quan trọng trên thế giới, đi vào chiều sâu ổn định. Một trong những dấu ấn đáng nhớ của đối ngoại năm 2013 là việc Việt Nam đã hoàn thành việc xác lập các khuôn khổ quan hệ đối tác chiến lược với thêm 5 nước và đối tác hợp tác toàn diện với thêm 2 nước. Như vậy trong hơn 13 năm qua, chúng ta đã hoàn thành việc xây dựng đối tác chiến lược với 13 nước, (riêng năm 2013 là 5 nước) và quan hệ đối tác toàn diện với 11 nước khác.

Xây dựng đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện với 5 nước thường trực HĐBA đóng vai trò quan trọng vì đây là 5 nước lớn, có tầm ảnh hưởng quan trọng đối với thế giới và khu vực. Việc chúng ta xây dựng đối tác chiến lược hay đối tác toàn diện với cả 5 nước này đã đưa Việt Nam trở thành một trong số ít nước có quan hệ như vậy với cả 5 nước. Việc đó trước tiên là đưa quan hệ về chính trị được nâng lên một tầm cao hơn mức bình thường, tiếp đến là quan hệ về an ninh - quốc phòng, kinh tế, thương mại, đầu tư…

Ví dụ, từ khi chúng ta thiết lập quan hệ đối tác chiến lược với Nga, thương mại song phương đã tăng gấp 6 lần; với Trung Quốc, trong vòng 6 năm đã tăng lên hơn 4 lần; với Anh, chỉ trong 3 năm đã tăng lên gấp gần 2 lần. Có thể nói, giao dịch thương mại của 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an với Việt Nam hiện chiếm 45%; trong tổng số đầu tư nước ngoài vào Việt Nam thì đầu tư từ 5 nước này chiếm 20%.

Lễ đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Việt Nam (10/2013). Ảnh: Đức Tám – TTXVN
Lễ đón Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường thăm Việt Nam (10-2013). Ảnh: Đức Tám – TTXVN
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye thăm Việt Nam  (9-2013). Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN
Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye thăm Việt Nam (9-2013). Ảnh: Nguyễn Khang - TTXVN
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono tiếp và hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (6/2013). Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN
Tổng thống Indonesia Susilo Bambang Yudhoyono tiếp và hội đàm với Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (6-2013). Ảnh: Nguyễn Khang – TTXVN
Các nước chúc mừng đoàn Việt Nam báo cáo thành công Báo cáo nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc. Ảnh: Tố Uyên – TTXVN
Các nước chúc mừng đoàn Việt Nam báo cáo thành công Báo cáo nhân quyền tại Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc. Ảnh: Tố Uyên - TTXVN

Phóng viên: Sau nhiều năm, năm nay những tranh cãi, xung đột ở Biển Đông vẫn rất căng thẳng, theo Phó Thủ tướng, trong bối cảnh này, chúng ta phải làm gì để vừa duy trì quan hệ hữu nghị, hợp tác với các nước láng giềng và trong khu vực, vừa bảo vệ chủ quyền của ta ở Biển Đông?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đất nước và xây dựng Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh là hai nhiệm vụ thiêng liêng của mỗi con dân đất Việt ta. Năm 2013, vấn đề độc lập, chủ quyền luôn được giữ vững. Chúng ta đã xây dựng đường biên giới với các nước láng giềng, với Trung Quốc đã hoàn thành toàn bộ cắm mốc biên giới và các Nghị định liên quan đến biên giới. Với Lào, chúng ta đã hoàn thành tăng dày và tôn tạo hệ thống cột mốc biên giới và ta cũng đang gấp rút để hoàn thành toàn bộ đường biên giới với Campuchia. Như vậy, có thể nói chúng ta đã bảo đảm được chủ quyền, đóng góp và duy trì không những quan hệ hữu nghị với các nước, mà còn đảm bảo an ninh quốc gia.

Trên Biển Đông cũng vậy, chúng ta đã có nhiều biện pháp để bảo vệ chủ quyền, trên thực tế các công dân của Việt Nam vẫn đang làm ăn, sinh sống, hoạt động kinh tế thường xuyên trên các vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế của chúng ta. Chúng ta cũng kiên quyết bảo vệ, đấu tranh với các vi phạm để đảm bảo chủ quyền trên biển. Biển Đông còn nhiều phức tạp, còn nhiều vấn đề tranh chấp, đó là thực tế giữa Việt Nam với một số nước. Quan điểm của chúng ta là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông bằng con đường đàm phán, thương lượng, bằng các biện pháp hòa bình; không sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực, trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước luật Biển 1982. Chủ trương đó của chúng ta được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, các nước thành viên ASEAN. Hiện nay, chúng ta chủ trương tiếp tục thực hiện giải quyết các bất đồng thông qua đối thoại và các biện pháp hòa bình, đồng thời chủ động, tích cực cùng các bên liên quan thực hiện nghiêm túc DOC, thúc đẩy sớm xây dựng COC.

Việt Nam chủ trương bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Ảnh: Việt Cường
Việt Nam chủ trương bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc bằng biện pháp hòa bình và phù hợp với luật pháp quốc tế. Ảnh: Việt Cường
Nhờ có môi trường hòa bình, ổn định nên ngư dân yên tâm vươn xa, bám biển dài ngày để đánh bắt thủy hải sản. Ảnh: Việt Cường
Nhờ có môi trường hòa bình, ổn định nên ngư dân yên tâm vươn xa, bám biển dài ngày để đánh bắt thủy hải sản. Ảnh: Việt Cường
Nhờ đó mà đời sống của ngư dân được đảm bảo, chủ quyền biển đảo cũng được giữ vững. Ảnh: Việt Cường
Nhờ đó mà đời sống của ngư dân được đảm bảo, chủ quyền biển đảo cũng được giữ vững. Ảnh: Việt Cường

Phóng viên: Thưa Phó Thủ tướng, nhân quyền là một trong những quan tâm hàng đầu hiện nay. Vừa qua, Việt Nam đã trúng cử với số phiếu cao vào Hội đồng Nhân quyền. Tuy nhiên, có một số bài viết trên mạng cho rằng Việt Nam không coi trọng nhân quyền, Phó Thủ tướng nghĩ như thế nào về quan điểm này và cho biết quyền con người ở Việt Nam đang được thực hiện như thế nào?

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh: Qua 30 năm đổi mới, các quyền của người dân hay quyền con người ở Việt Nam ngày càng được Nhà nước bảo đảm. Đặc biệt, bản Hiến pháp sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua tháng 11/2013 dành toàn bộ chương II với 36 điều để quy định về các quyền con người, quyền và nghĩa vụ công dân. Đây là minh chứng rõ nét nhất cho sự nhất quán trong chính sách và sự đồng thuận của toàn xã hội trong sự nghiệp thúc đẩy và bảo vệ quyền con người.

Trong thời gian qua, ở Việt Nam quyền con người ngày càng được đảm bảo hơn. Điều đó được thể hiện trong tất cả các lĩnh vực, từ chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và nhất là trong lĩnh vực Internet, chúng ta là một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Hiện nay, người dân sử dụng Internet đã đạt trên mức bình quân của thế giới. Đó là con số ấn tượng.

Trên bình diện quốc tế, Việt Nam luôn được đánh giá cao về các thành tựu phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, phổ cập giáo dục, thúc đẩy bình đẳng giới, nâng cao chỉ số phát triển con người... Với việc hoàn thành trước thời hạn 6/8 Mục tiêu Thiên niên kỷ về Phát triển, Việt Nam được xem là hình mẫu trong lĩnh vực này. Chính những thành tựu đó đã giúp chúng ta được bầu với số phiếu cao nhất trong lịch sử bầu thành viên của Hội đồng Nhân quyền của Liên hợp quốc (184/193 nước). Điều đó chứng tỏ các nước đánh giá và thừa nhận những đóng góp của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người.

Tôi cho rằng, bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng có vấn đề về quyền con người. Các quốc gia luôn đặt mục tiêu làm sao để bảo vệ và thúc đẩy các quyền này ở mỗi nước. Tuy nhiên, cũng có thể nói là có các ý kiến khác nhau đối với các chính sách về quyền con người ở mỗi nước. Có những người mong muốn thúc đẩy, nói thêm những vấn đề Chính phủ chưa đảm bảo được về quyền con người hay đóng góp để thúc đẩy tốt hơn quyền con người. Cũng có những tiếng nói, vì những mục đích khác nhau, luôn tìm cách chỉ trích chính sách về vấn đề quyền con người mà không công nhận những nỗ lực của Chính phủ.

Chúng ta một mặt cần hoàn thiện, đẩy mạnh, làm tốt hơn việc thực hiện quyền con người, nhưng đồng thời cũng phải cung cấp thông tin đầy đủ, rộng rãi về những việc chúng ta đã làm được và những vấn đề còn tiếp tục phải thực hiện. Giữa các quốc gia cũng vậy, có thể quốc gia này chỉ trích quốc gia khác tại các diễn đàn như ở Hội đồng Nhân quyền hay tại các diễn đàn quốc tế về vấn đề nhân quyền… có thể đó là do thiếu thông tin. Vì vậy cần tăng cường đối thoại với các nước và hiện chúng ta đang có một số cơ chế đối thoại với một số nước cũng nhằm mục đích tăng cường trao đổi thông tin.

Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Phó Thủ tướng!

TTXVN

;
.
.
.
.
.