.

Bác Hồ chúc Tết những người con Đà Nẵng

.

Sinh thời, cứ mỗi độ Xuân về, Bác Hồ thường lặng lẽ đi thăm hoặc gửi quà Tết, thiệp Xuân đến nhiều cán bộ, nhân dân. Từng lá thư, từng cánh thiệp Xuân, từng câu đối… được Người gửi đi, như một lời động viên, khích lệ, cầu mong bao điều tốt đẹp cho mỗi người, dẫu họ là Bộ trưởng hay một thường dân. Nhân dịp Tết đến, Xuân về, chúng tôi xin giới thiệu một số thiệp chúc Tết của Bác dành cho những người con Đà Nẵng mà ít người được biết…

Chính phủ Cụ Hồ - ông Hiến (áo trắng ngồi ngoài cùng bên phải). 				Ảnh tư liệu
Chính phủ Cụ Hồ - ông Hiến (áo trắng ngồi ngoài cùng bên phải). Ảnh tư liệu

1. “Thân gửi ông Lê Văn Hiến!”

Tôi nhiều lần được gặp và làm việc cùng ông Phan Vịnh, anh trai ông Phan Diễn - nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, mỗi lần gặp, ông thường nhắc đến “bố tôi” và “ba tôi”. Ông gọi “ba tôi” là để chỉ ông Phan Thanh - dân biểu danh giá nhất Trung kỳ, là cha ruột của ông và ông Diễn; “bố tôi” là để chỉ ông Lê Văn Hiến – vị Bộ trưởng Bộ Tài chính lừng danh của cách mạng Việt Nam, người chưa từng qua một trường đại học nào. Và, ông Vịnh đã cho tôi xem nhiều di vật của “bố tôi” lẫn “ba tôi”, trong đó tôi chú ý đến tấm thiệp chúc Tết của Bác Hồ dành cho Bộ trưởng Hiến vào năm 1951.

Có lần, trong một bữa ăn tối sau phiên họp Hội đồng Chính phủ, Hồ Chủ tịch có ra một câu đối vui: “Giáp phải giải Pháp”. Ông Tôn Quang Phiệt liền đối lại “Hiến tài hái tiền”. Cái hay của câu đối không chỉ ở vần, ở chữ, hai chữ đầu nói lái sẽ ra hai chữ cuối, mà còn ở chỗ nói được hai nhiệm vụ quan trọng của cách mạng lúc đó là: Bộ trưởng Quốc phòng Võ Nguyên Giáp phải “giải giáp” quân Pháp; Bộ trưởng Tài chính Lê Văn Hiến phải “hái ra tiền” cho công cuộc kháng chiến, kiến quốc! Trong suốt 12 năm liền (1946-1958), với cương vị là Bộ trưởng Tài chính, Lê Văn Hiến quả thật đã đạt được những thành quả đáng kinh ngạc cho nền tài chính non trẻ Việt Nam. Ông đã tổ chức phát hành “Giấy bạc cụ Hồ”, phát hành công phiếu kháng chiến, đẩy mạnh tăng gia sản xuất, thực hiện tiết kiệm gạo để nuôi quân… Chính ông là người có sáng kiến phát hành “Giấy bạc cụ Hồ”, đúc đồng bạc bằng vàng ròng, nhất là nêu danh bộ đội nào có chiến công oanh liệt vào serie giấy bạc đặc biệt, để phát hành trong toàn quốc… Vì vậy, nhân dịp Tết năm 1950, cụ Hồ đã gửi thiệp chúc mừng ông Hiến với nội dung sau: “Thân gửi ông Lê Văn Hiến - Bộ trưởng bộ Tài chánh. Chúc năm mới kháng chiến Thắng lợi, Tài chánh phát đạt”… Và, ông Hiến đã giữ nó như một báu vật của riêng mình. Hiện nay, Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ, trưng bày tấm thiệp này.

2. Thân tặng chú Lang!

Tôi có may mắn được ông Nguyễn Văn Lang (tức Lang Đen) giao phó việc viết cuốn hồi ký “Một người Việt da đen” cho ông. Chàng “trung phong của đội bóng đá Đà Nẵng” và là “danh thủ bóng đá Trung kỳ” ngày ấy, sau này tập kết ra Bắc, được Đảng giao nhiều nhiệm vụ quan trọng: Giám đốc mỏ Apatite Lào Cai, Giám đốc mỏ than Hòn Gai... Nhiều lần được gặp Bác Hồ và rất được Người yêu mến!

Về lá thư và tấm thiệp Tết mà ông Lang được Bác Hồ tặng, được ông kể lại như sau: “Ngày 23-9-1958, Bác Hồ đến thăm mỏ Apatite Lào Cai. Sau khi thăm mỏ một vòng, Bác quay sang hỏi tôi: “Sau khi Bác thăm mỏ về, cháu sẽ làm những gì?”. “Thưa Bác, hôm nay Bác sẽ gặp cán bộ, công nhân viên khu mỏ và nhân dân các dân tộc xã Cam Đường, Bác sẽ có những lời chỉ bảo, từ lời dạy của Bác, cháu sẽ phát động phong trào thi đua làm theo lời Bác để hoàn thành vượt mức kế hoạch năm 1958 này ạ!”. “Thế là tốt!”. “Đến lúc nào thì các cháu không cần mời chuyên gia nước ngoài nữa?”. “Thưa Bác, đến hết năm 1962, chúng cháu sẽ tự lực được!”. Thực hiện lời hứa với Bác, năm đó, chúng tôi vượt gấp hai lần kế hoạch được giao so với năm 1957. Tin vui đó đến với Bác, vì vậy, Tết năm 1959, Bác gửi cho chúng tôi một lá thư do Người tự tay viết: “Thân ái gửi công nhân và cán bộ Mỏ Apatite Lào Cai! Bác vui lòng khen các cô, các chú đã làm đúng lời hứa, đã thi đua hoàn thành vượt mức kế hoạch 100%. Mong các cô, các chú tiếp tục cố gắng hơn nữa, để hoàn thành và hoàn thành vượt mức kế hoạch năm nay. Bác hỏi thăm các đồng chí chuyên gia. Chúc các cô, các chú đoàn kết chặt chẽ và tiến bộ nhiều!”. Riêng tôi, Bác gửi tặng một tấm thiệp Xuân trên đó in hình một cành mai và ghi rõ “Thân tặng chú Lang! Bác Hồ”, tiếc thay tấm thiệp bị lạc mất cách đây vài năm. Đó là kỷ niệm mà tôi không bao giờ quên được!”.

Một số thiệp chúc Tết của Bác Hồ. 							     Ảnh tư liệu
Một số thiệp chúc Tết của Bác Hồ. Ảnh tư liệu

3. “Tặng cháu Lý!”

Còn nhớ, sắp Tết năm 1958, một cuộc chiến truyền thông vô tiền khoáng hậu đã nổ ra giữa chính quyền Hà Nội và chính quyền Ngô Đình Diệm, xung quanh việc chính quyền Diệm sử dụng những nhục hình thời trung cổ “điện giật, dùi đâm, dao cắt, lửa nung” đối với Trần Thị Lý.

Từ khi được giải thoát và đưa ra Hà Nội, Trần Thị Lý rất nhiều lần được gặp Bác Hồ. Tình cảm của Bác dành cho nữ Anh hùng Trần Thị Lý thì nhiều người đã biết song qua từng tấm thiệp Xuân mà Người “gửi cháu Lý”, được chị nâng niu như báu vật thì ít người biết đến. Trước khi qua đời tại Đà Nẵng, một lần chị Lý đã xúc động kể cho chúng tôi: “Tôi còn nhớ chiều Xuân 1968, tôi được vào thăm Bác. Các chú cho tôi đến trước giờ hẹn, Bác đang làm việc trên một chiếc bàn đơn sơ. Tôi rón rén lại, Bác bảo: “Lý đó à? Cháu chờ Bác làm việc xong, một lát thôi!”. Tôi thưa với Bác: “Thưa Bác, Bác làm việc nhiều quá. Tuổi Bác ngày càng cao, Bác giữ gìn sức khỏe để vào thăm đồng bào miền Nam!”. Bác xúc động nói: “Bác phải làm việc nhiều thì miền Nam mới mau thống nhất, Bác sẽ vui nhiều, khỏe nhiều!”. Lần gặp đó, tôi lại được Bác tặng chiếc thiệp Xuân này!”. Đó là tấm thiệp Xuân năm 1968 có in bài thơ “Xuân này, hơn hẳn mấy Xuân qua…”. Hiện nay, tại nhà riêng của chị Lý, còn lưu giữ 3 tấm thiệp chúc Tết của Bác Hồ dành cho chị vào các Tết 1967, 1968 và 1969.

Từ hiện thực cuộc sống hôm nay, từ những cánh thiệp Xuân, cùng phong cách bình dị, xuất phát từ trái tim và nhân cách lớn như Bác Hồ tặng cho những người con Đà Nẵng, mới hay rằng: Có một cách chúc Tết vừa đậm đà tính dân tộc, vừa thể hiện trọn vẹn tình yêu thương, sự giản dị, nghĩa tình sâu sắc của một nguyên thủ quốc gia dành cho mọi người.

LƯU ANH RÔ
 

;
.
.
.
.
.