Đó là nội dung được ghi trên tấm bằng công nhận “Kỷ lục gia Việt Nam” mà nghệ sĩ, nghệ nhân Lê Đức Vỹ nhận được từ năm 2006. Đây cũng là lần đầu tiên ở Việt Nam và trên thế giới, những bức ảnh chân dung các vĩ nhân thế giới, những bản thảo cổ như “Tuyên ngôn Độc lập” của nước Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tại Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945, hoặc như bản Đại cáo Bình Ngô của Nguyễn Trãi… do Lê Đức Vỹ khắc trên đá, lá và nhiều vật dụng khác. Đây cũng là một trong số ít những sản phẩm mỹ nghệ của Việt Nam được cả thế giới biết đến trong những năm gần đây.
Lê Đức Vỹ và những tác phẩm. Ảnh: ĐỨC THỊNH |
Không thể nói hết được những khó khăn và bao lần thất bại mà Lê Đức Vỹ đã trải qua để có được thành công này. Những vất vả, thất bại ấy đã thấm cả vào máu, vào tiềm thức của ngay cả những đứa con ông. Đã ngoài 60 tuổi, ông nghĩ đến việc truyền nghề cho con, nhưng không một ai trong số hai người con trai khỏe mạnh, được học hành đến nơi đến chốn chịu theo nghề của ông vì vất vả và nghèo quá. Người con trai mà ông định truyền nghề cho rằng thà đi làm thuê mỗi tháng nhận hơn 3 triệu đồng, chứ nhất quyết không theo nghề này, cho dù ông đã trả tới 5 triệu đồng tiền lương hằng tháng.
Lê Đức Vỹ đến với nghề này như một sự tình cờ. Một lần ông nhìn thấy những viên đá do những người bạn tự viết tên lên đó, vốn sẵn có tâm hồn nghệ sĩ và với sự tinh tế, ông đã quyết tâm đưa được không chỉ tên mà cả chân dung của con người lên đá. Ông suy nghĩ, trong tự nhiên cho dù cùng một dãy núi cũng không có hai viên đá giống nhau, cũng như con người dù cùng cha, cùng mẹ thì những người con cũng không thể giống nhau như đúc được. Vì thế, nếu đưa được chân dung của người nào đó lên đá thì mỗi viên đá mang hình người cũng sẽ là độc nhất và vô cùng quý giá. “Mỗi viên đá có những màu sắc, vân đá giống như những giai điệu của bản nhạc và về hình thể chúng cũng giống như những tiết tấu của bản nhạc, tôi chỉ đưa vào đó những ca từ - hình ảnh mỗi con người - thì chúng sẽ trở thành bản nhạc hoàn chỉnh và duy nhất”, ông lý giải.
Ý tưởng là vậy, nhưng để thực hiện được việc làm này, ngoài tiền để mua thiết bị (khoản này ông cũng không có), người làm phải hội tụ được rất nhiều yếu tố. Đó là những kiến thức về cơ học, điện, quang học, hội họa, sau cùng và không thể thiếu là một tâm hồn nghệ sĩ. Khi bắt đầu khắc hình trên đá, không ít người bảo ông là “hâm, điên, khùng”. Cũng phải thôi, bởi không ai lại chọn đường đi cho mình bằng con đường chưa ai đi, không biết những hiểm nguy, khó khăn nào đang đợi mình ở phía trước. Nhưng cuối cùng ông đã thành công và sản phẩm của ông đã được thị trường chấp nhận, không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều nước trên thế giới.
Tác phẩm trên đá của Lê Đức Vỹ: Nhà lãnh đạo tinh thần Ấn Độ Gandi (trái) và Tổng thống Nga Putin. |
Phần thưởng cho ông là được tôn vinh là người Việt Nam đầu tiên và cũng là người đầu tiên trên thế giới đưa hình người và nhiều hình thù khác lên đá. Không dừng lại ở đó, ông đã miệt mài nghiên cứu và đưa được cả hình người, văn bia cổ lên những chiếc lá cây, lên những vỏ sò và nhiều vật dụng khác, biến chúng từ những vật vô tri, vô giác thành những sản phẩm được yêu mến, được đặt trang trọng trong căn phòng, ngôi nhà.
Một giáo sư có tiếng ở Hà Nội, trước khi trở về cõi vĩnh hằng chỉ có một ước nguyện là được nghệ nhân Lê Đức Vỹ khắc hình mình trên đá. Thực ra khi còn khỏe, ông đã có ý định này sau khi tìm hiểu về nghệ thuật khắc hình lên đá và ông đã nhờ một học trò tìm đến Lê Đức Vỹ để thực hiện. Cô học trò (cũng là một giáo sư) tìm đến tận nhà, nhưng khi đến đầu ngõ ở trong một kiệt trên đường Ngô Quyền, cô đã quay ra vì không thể tin được một người có tiếng như Lê Đức Vỹ lại ở trong căn nhà nghèo túng đến thế. Sau khi vị giáo sư qua đời, cô này đã quay lại gặp Lê Đức Vỹ và ông đã thực hiện được ước nguyện cuối cùng trong đời của vị giáo sư bằng một tác phẩm để đời.
Lê Đức Vỹ còn nhiều dự định khác chưa được tiết lộ, chỉ biết rằng những sản phẩm sắp “trình làng” sẽ là những món quà bất ngờ cho mọi người và du khách.
ĐỨC THỊNH