.

Phát triển ngân sách thành phố bền vững

.

Thành phố Đà Nẵng vừa tròn 16 tuổi và đang bước vào tuổi “bẻ gãy sừng trâu”. 16 năm qua, ngân sách thành phố có bước phát triển khá vững chắc và góp phần quyết định thúc đẩy sự tăng trưởng kinh tế thành phố với tốc độ nhanh. Bước vào những năm bản lề của kế hoạch 5 năm (2011-2015), trong bối cảnh nền kinh tế đất nước và thành phố đang gặp nhiều khó khăn, vai trò của ngân sách Nhà nước (NSNN) hơn bao giờ hết là cực kỳ quan trọng trong việc phục hồi và tăng trưởng nền kinh tế. Và khi nền kinh tế thành phố ổn định sẽ tạo bước đệm cần thiết cho thời kỳ hoàn thiện một bước công nghiệp hóa, hiện đại hóa thành phố (2016-2020) theo Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ (giữa) kiểm tra tiến độ các công trình cầu Rồng, Trần Thị Lý và Nguyễn Tri Phương ngày 15-6-2012. 				             Ảnh: Thanh Sơn
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Trần Thọ (giữa) kiểm tra tiến độ các công trình cầu Rồng, Trần Thị Lý và Nguyễn Tri Phương ngày 15-6-2012. Ảnh: Thanh Sơn

Thành tựu – hạn chế    

Thu NSNN trên địa bàn có tốc độ tăng trưởng nhanh, tổng thu trong 16 năm qua đạt trên 90.000 tỷ đồng, tăng thu bình quân 15%/năm; riêng thu ngân sách năm 2012 lần đầu tiên gặp khó khăn lớn, chỉ đạt 9.600 tỷ đồng, xuống dưới mức 10.000 tỷ sau nhiều năm giữ kỷ lục này. Như vậy có thể thấy, tốc độ tăng thu ngân sách bình quân hằng năm cao hơn nhiều so với tốc độ tăng GDP bình quân của thành phố.

Trong tổng thu NSNN thì thu nội địa (bao gồm thu thuế, phí và thu sử dụng đất) có tốc độ tăng trưởng khá cao. Tổng thu nội địa đạt trên 62.000 tỷ đồng, chiếm 69% tổng thu ngân sách, là thành phần chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách thành phố. Tuy vậy, cơ cấu trong thu nội địa vẫn chưa thật bền vững.

Cụ thể, thu từ thuế và phí có tốc độ tăng trưởng khá cao (đạt 15%/năm) với tổng thu khoảng 34.800 tỷ đồng, chiếm 56% tổng thu nội địa. Đây là tỷ lệ còn thấp so với một ngân sách bền vững, tức là nguồn thu thuế từ giá trị gia tăng do sản xuất kinh doanh mang lại phải chiếm tỷ trọng chủ yếu - phải đạt từ 70 - 80% tổng thu nội địa.

Trong khi đó, thu từ tiền sử dụng đất lại chiếm tỷ trọng khá cao là 44% trong tổng thu nội địa, với tổng thu đạt 27.600 tỷ đồng. Riêng trong năm 2012, do thị trường bất động sản bị đóng băng nên thu từ nguồn đất chỉ đạt 1.540 tỷ đồng (bằng 44% kế hoạch năm), còn những năm trước thị trường bất động sản hoạt động bình thường, nguồn thu này chiếm ngang bằng hoặc cao hơn cả thu từ thuế và phí (tốc độ tăng thu bình quân là 26,5%/năm).

Thực tế này chỉ ra hạn chế lớn của nền kinh tế thành phố, đó là tốc độ phát triển sản xuất kinh doanh chậm hơn tốc độ phát triển từ thị trường bất động sản và khai thác tài nguyên (nếu không phải vậy thì chỉ còn nguyên nhân bị thất thu do trốn lậu thuế với tỷ lệ khá lớn).

Về nguồn thu xuất nhập khẩu, đạt khoảng 22.300 tỷ đồng, chiếm bình quân 25% tổng thu NSNN, tốc độ tăng thu bình quân đạt 11,6%/năm. Thu từ xuất nhập khẩu có tốc độ tăng trưởng không đều qua các năm, có những năm tăng cao do số lượng xăng dầu nhập khẩu tăng đột biến, nhưng từ 2006 về sau tốc độ giảm dần trong tổng thu ngân sách Nhà nước. Thực chất nguồn thu này chủ yếu từ nhập khẩu xăng dầu và các loại máy móc, nguyên liệu, còn thu từ xuất khẩu đạt tỷ trọng không đáng kể do chính sách ưu đãi thuế xuất khẩu của Nhà nước.

Chi ngân sách thành phố (NSĐP) trong 16 năm đạt 68.700 tỷ đồng, tốc độ tăng chi bình quân là 24,7%/năm. Cơ cấu chi cho đầu tư phát triển và chi thường xuyên giai đoạn 1997-2012 cơ bản đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

 Do ưu tiên mục tiêu đầu tư cơ sở hạ tầng nên đã tập trung khai thác nguồn thu từ đất để đầu tư lại hạ tầng đô thị. Khối lượng lớn ngân sách đã được dành cho đầu tư phát triển (ĐTPT), đạt 44.400 tỷ đồng, chiếm trên 65% tổng chi NSĐP hằng năm, tốc độ tăng chi ĐTPT bình quân 29%/năm. Việc đầu tư hạ tầng với tỷ trọng ngân sách lớn đã góp phần quyết định cho tăng trưởng GDP của thành phố với tốc độ khá cao qua các năm (trên 11%/năm).

Để cho thành phố phát triển bền vững

"Đổi mới cơ cấu chi ngân sách thành phố theo hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, hạ tầng phục vụ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn. Tăng tỷ lệ xã hội hóa đối với các dự án phục vụ cho phát triển các dịch vụ. Từng bước giảm dần tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển từ ngân sách quá lớn như hiện nay."

Từ nay đến 2015 và tầm nhìn đến 2020, định hướng và giải pháp xây dựng NSĐP tiếp tục phát triển bền vững như sau:

Một là, nuôi dưỡng và phát triển các nguồn thu nhằm đảm bảo tiềm lực tài chính thành phố đủ mạnh để chủ động thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội.

Trước hết là tập trung phát triển nguồn thu từ sản xuất kinh doanh của các thành phần kinh tế, đặc biệt là doanh nghiệp dân doanh (chiếm đến gần 25% nguồn thu từ thuế, phí trong giai đoạn vừa qua). Thực hiện đồng bộ và nghiêm minh các luật thuế, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra thuế, cưỡng chế hành chính đối với những đối tượng vi phạm luật, trốn lậu thuế, chiếm dụng thuế. Có chính sách đột phá để các sản phẩm phục vụ dịch vụ (du lịch, thương mại, tài chính, đào tạo, khám chữa bệnh,…), các sản phẩm có giá trị gia tăng cao như phần mềm, cao su, xe hơi, máy điện… được phát triển mạnh cả về quy mô và chất lượng để góp phần tăng thu mạnh cho ngân sách.

Tiếp tục phát triển nguồn thu từ đất, tài nguyên, công sản để đầu tư tiếp cho hạ tầng đô thị: cần thiết phải đẩy mạnh hình thức đấu giá bán quyền sử dụng đất, thuê đất, tài nguyên, tài sản công… để tăng nguồn thu cho ngân sách. Rà soát, xử lý thỏa đáng các dự án bất động sản, các khu đô thị mới, nhà xã hội đã được giao cho nhà đầu tư nhưng chậm hoặc chưa triển khai nhằm đảm bảo lợi ích của thành phố và người dân bị thu hồi đất. Thực hiện thu hồi lại toàn bộ hoặc một phần đất đã giao, bán hoặc cho thuê đối với các chủ đầu tư đến nay chưa triển khai, triển khai không đảm bảo tiến độ hoặc không đủ năng lực tài chính thực hiện dự án.

Theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XI), cần cân nhắc kỹ giữa việc chuyển quyền sử dụng đất với việc cho thuê đất hiện nay, khi mà hàng chục năm qua các nhà đầu cơ chiếm giữ và buôn bán bất động sản. Nhà đầu cơ đã thu được lợi nhuận lớn khi thị trường hoạt động bình thường do việc đẩy giá đất lên trong quá trình mua đi bán lại; còn khi thị trường gặp khó khăn, đóng băng như hiện nay, các nhà đầu cơ lại nợ nần kéo dài tiền sử dụng đất của ngân sách với khối lượng lớn (do không bán được đất và không vay được vốn của ngân hàng). Trong khi đó, nếu thành phố cho thuê đất thì ngân sách sẽ có nguồn thu dài hạn và quyền sử dụng đất vẫn còn của Nhà nước để tiếp tục phát triển các dự án kinh tế - xã hội về lâu dài theo sự điều chỉnh, bổ sung quy hoạch của thành phố.

Để tăng nguồn thu ngân sách, chống nợ đọng, thất thu thuế, trong thời gian đến các cấp, chính quyền và ngành thuế cần có các giải pháp hữu hiệu nhằm chống các hiện tượng trốn thuế của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, mà phổ biến là không sử dụng hóa đơn bán hàng (do thói quen của người tiêu dùng không yêu cầu hóa đơn). Thực trạng này dẫn đến doanh nghiệp và người tiêu dùng vừa làm thất thu thuế VAT (có lợi cho người tiêu dùng), vừa làm giảm doanh thu, đồng thời phù phép đẩy chi phí tăng lên để kết quả kinh doanh luôn trong tình trạng thua lỗ, hoặc có lãi chút ít (có lợi cho doanh nghiệp). Và doanh nghiệp lại lần nữa không đóng thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc chỉ đóng khoản thuế không đáng kể. Đây thực chất cũng là hình thức chuyển giá của các doanh nghiệp trong nước.

Hai là, cần điều chỉnh hợp lý chi tiêu công nhằm quản lý, phân phối và sử dụng các nguồn lực tài chính ngày càng lành mạnh và hiệu quả hơn; đồng thời góp phần kiềm chế lạm phát vốn rất nhạy cảm của nền kinh tế đất nước.

Đổi mới cơ cấu chi ngân sách thành phố theo hướng ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách để đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng, hạ tầng phục vụ cho các ngành công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng lớn (các khu công nghệ thông tin, khu công nghệ cao). Tăng tỷ lệ xã hội hóa đối với các dự án phục vụ cho phát triển các dịch vụ (như các siêu thị, trung tâm thương mại, các khu vui chơi, công viên, khu thi đấu thể dục thể thao, các trung tâm khám và chữa bệnh hiện đại,…). Từng bước giảm dần tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển từ ngân sách quá lớn như hiện nay (cao hơn 2,3 lần so với chi thường xuyên).

Sử dụng nguồn phát hành trái phiếu địa phuơng hợp lý, chủ yếu tập trung cho các công trình trọng điểm, quan trọng của thành phố. Tiếp tục sử dụng phương thức phát hành trái phiếu địa phuơng, trái phiếu đô thị để đầu tư cho các dự án lớn của thành phố trong những năm đến. Khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính, kinh doanh có hiệu quả phát hành trái phiếu doanh nghiệp để mở rộng sản xuất kinh doanh và tham gia đầu tư vào các công trình, dự án của thành phố theo hình thức PPP, BT…

Tăng dần tỷ trọng chi thường xuyên một cách hợp lý, đặc biệt ưu tiên tăng chi cho sự nghiệp giáo dục - đào tạo, dạy nghề, sự nghiệp y tế, sự nghiệp khoa học - công nghệ, sự nghiệp môi trường, an sinh xã hội... Tiếp tục đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động sự nghiệp nói trên nhằm huy động thêm nguồn lực của doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia phát triển các dịch vụ, đặc biệt đối với khu vực nội thành của thành phố.

Ba là, cần có chính sách vượt trội về tài chính - ngân sách cho giai đoạn trước mắt và đến năm 2020, Đề nghị Chính phủ điều chỉnh cách thu thuế hợp lý đối với các doanh nghiệp hạch toán toàn ngành như hệ thống ngân hàng, bảo hiểm, kiểm toán độc lập… theo hướng nộp thuế thu nhập tương ứng với doanh thu phát sinh tại thành phố để tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. Trung ương có chính sách để lại ít nhất 50% số thuế vượt thu từ nguồn thu phân chia giữa Trung ương và địa phương và 50% thuế vượt thu từ nguồn thuế xuất nhập khẩu hằng năm trên địa bàn.

Đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù cho phép thành phố được tiếp tục phát hành trái phiếu chính quyền địa phương để tập trung đầu tư các dự án, công trình quan trọng nhằm cơ bản hoàn thành kết cấu hạ tầng đô thị trước năm 2020.

Xây dựng Quỹ Đầu tư phát triển hoạt động ngày càng hiệu quả hơn theo hướng tăng quy mô vốn điều lệ và vốn kinh doanh của Quỹ, tăng cường xúc tiến với các tổ chức tài chính quốc tế (WB, AFD…) và các Quỹ đầu tư của các nước trong khu vực và các nước phát triển. Quỹ cần có đủ tiềm lực để đầu tư vào các dự án kết cấu hạ tầng, an sinh xã hội, góp vốn đầu tư vào các dự án PPP; đầu tư vào các liên doanh, các doanh nghiệp làm ăn có hiệu quả.

Nghiên cứu cơ chế sử dụng các nguồn quỹ dự trữ tài chính, quỹ cải cách tiền lương, quỹ phát triển đất… để sử dụng một cách linh hoạt nhằm phát triển các sự nghiệp kinh tế, xã hội, dân sinh, tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức.

Tổng chi thường xuyên trong 16 năm là 19.400 tỷ đồng, chiếm trên 28% tổng chi NSĐP hằng năm, tốc độ tăng chi bình quân 20%/năm. Cụ thể, chi thường xuyên cho một số lĩnh vực chủ yếu như sau: Chi cho sự nghiệp giáo dục-đào tạo là 5.800 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 30% tổng chi thường xuyên; sự nghiệp y tế là 2.200 tỷ đồng, chiếm 11,5%; sự nghiệp khoa học - công nghệ và môi trường là 670 tỷ đồng, chiếm 3,5%; sự nghiệp kinh tế là 1.725 tỷ đồng, chiếm 9%; sự nghiệp đảm bảo xã hội là 1.450 tỷ đồng, chiếm 7,5%; chi cho bộ máy 4.350 tỷ đồng, chiếm 22,4% trong tổng chi thường xuyên của NSĐP.

VÕ DUY KHƯƠNG

;
.
.
.
.
.