Năm 2012 đặt ra cho ngành Thể dục-thể thao (TDTT) quận Thanh Khê những thử thách không nhỏ khi nguồn kinh phí cho hoạt động TDTT bị hạn chế đến mức thấp nhất do những nguyên nhân khách quan. Nhưng điều đó không đồng nghĩa với việc không duy trì hoạt động phong trào TDTT ở địa phương.
Quận Thanh Khê nhiều năm liền giành ngôi thứ nhất toàn đoàn giải Việt dã - chạy vũ trang truyền thống Báo Đà Nẵng. |
“Xác định được những biến động có thể xảy ra bởi những khó khăn về kinh tế nên ngay từ đầu, chúng tôi đã tập trung tổ chức các hoạt động chủ yếu để phong trào TDTT trên địa bàn quận không bị ảnh hưởng, gián đoạn. Từ phong trào, ngành TDTT Thanh Khê duy trì được những hoạt động cơ bản, cũng như phát hiện những gương mặt xuất sắc để xây dựng thành những hạt nhân cho các đội tuyển của quận…”, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin quận Thanh Khê Vương Tuấn Kiệt khẳng định.
Chính nhờ sự chủ động, trong những tháng cuối năm 2012, khi nguồn kinh phí hầu như không có để tổ chức các hoạt động nhưng phong trào TDTT Thanh Khê đã có sự ổn định cần thiết. Để từ đó, đội tuyển bóng đá Nhi đồng quận giành được cúp vô địch giải bóng đá Nhi đồng thành phố năm 2012. Hay đó còn là thành tích vô địch đồng đội nam, vô địch đồng đội nữ và giành hạng nhất toàn đoàn tại giải Việt dã - chạy vũ trang truyền thống Báo Đà Nẵng lần thứ 16 (năm 2012).
Tuy nhiên, không dễ giải bài toán kinh phí trong thời gian trước mắt. Vì thế, Thanh Khê xác định phải tích cực hơn nữa trong công tác xã hội hóa TDTT mới có thể giữ vững được phong trào trong bối cảnh thực tế. Để vận động được sự đóng góp của những mạnh thường quân, thể thao Thanh Khê phải chọn lọc trong việc kêu gọi đóng góp, hỗ trợ phong trào. Và những giải thi đấu mang tính nhân văn - chứ không chỉ đơn thuần về giá trị chuyên môn thể thao - được ưu tiên lựa chọn.
Không ngẫu nhiên để 5 năm liên tục Ngân hàng Phương Đông gắn bó rất mật thiết với ngành TDTT Thanh Khê trong việc cùng tham gia tổ chức giải bóng bàn các CLB quận Thanh Khê mở rộng. Không chỉ tạo sân chơi cho các tay vợt bóng bàn của địa phương, giải còn thu hút sự tham gia của rất nhiều VĐV đến từ Quy Nhơn, Khánh Hòa, thành phố Hồ Chí Minh cùng những tay vợt xuất sắc của thành phố Đà Nẵng, giúp các VĐV Thanh Khê có cơ hội học hỏi, cọ xát cùng những tay vợt mạnh để từng bước nâng cao trình độ.
Hay như Trường CĐ Kỹ thuật nghề Thăng Long vốn không có nhu cầu quảng bá thương hiệu, song việc Thanh Khê tổ chức giải bóng bàn dành cho thương binh và người khuyết tật đã tạo được sự đồng cảm để trong hai năm 2012, 2013, nhà trường đồng hành với ngành TDTT quận trong việc tài trợ và tổ chức giải. Bên cạnh đó, Công ty TNHH Nhà máy Bia Việt Nam (thương hiệu Bia Larue) cũng là đơn vị có quan hệ rất mật thiết cùng ngành TDTT Thanh Khê bằng những hoạt động tài trợ thường xuyên, liên tục.
Chính cách làm đầy năng động của Thanh Khê đã tạo dựng được niềm tin với những doanh nghiệp và nỗi lo kinh phí hoạt động của ngành TDTT quận được chia sẻ bởi những cơ quan, đơn vị đóng trên địa bàn.
Mặt khác, nhằm giải quyết khó khăn kinh phí để giúp các phường có thể tổ chức thành công Đại hội TDTT cấp phường, ngành TDTT quận đã tham mưu lãnh đạo các đơn vị cơ sở linh hoạt trong sử dụng nguồn kinh phí hiện có để tổ chức, trước khi được phê duyệt chính thức. Đồng thời, việc ngành TDTT quận đề nghị các phường có sự liên kết trong công tác tổ chức, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ lễ khai mạc, bế mạc… đã giảm thiểu đáng kể nỗi lo về kinh phí cho hoạt động phong trào. Đến nay, đã có 5 phường của Thanh Khê tổ chức thành công đại hội TDTT cấp cơ sở.
Sự nỗ lực, năng động theo phương châm “tất cả vì phong trào” của đội ngũ cán bộ TDTT đã mang lại cho Thanh Khê những kết quả tích cực. Và chính sự nhiệt thành, năng động ấy góp phần để ngành TDTT Thanh Khê biết vượt qua những khó khăn rất lớn trong giai đoạn hiện nay và vững bước hơn khi hướng đến tương lai.
Bài và ảnh: NGUYÊN AN