.
HƯỚNG TỚI GIẢI BÓNG ĐÁ THIẾU NIÊN - NHI ĐỒNG BÁO ĐÀ NẴNG LẦN THỨ 2-2013

Xã hội hóa các hoạt động TDTT

.

Bấy lâu nay, mang tiếng ở trung tâm thành phố nhưng ngành TDTT Hải Châu vẫn phải thường xuyên… đi thuê hay mượn địa điểm khi tổ chức các giải thể thao. Quận Hải Châu chỉ có một nhà thi đấu được sử dụng tổ chức cầu lông, bóng bàn hay cờ tướng…

Với điều kiện hiện tại, ngành TDTT Hải Châu chỉ tổ chức được rất ít hoạt động TDTT dù tiềm lực còn rất lớn.
Với điều kiện hiện tại, ngành TDTT Hải Châu chỉ tổ chức được rất ít hoạt động TDTT dù tiềm lực còn rất lớn.

Trong khi đó, sân tennis Lê Hồng Phong, vốn được giao cho ngành TDTT quận quản lý, nay đã được bàn giao cho Trường THCS Sào Nam mở rộng, phục vụ cho công tác giáo dục theo chủ trương của thành phố. Điều này đồng nghĩa với việc ngành TDTT Hải Châu hoàn toàn “tay trắng” và khi tổ chức thi đấu các môn điền kinh, bóng đá hay bơi lội… vẫn cứ phải đi thuê hoặc mượn sân thi đấu. Bên cạnh đó, trong 15 năm qua, dù lãnh đạo quận đã quan tâm đầu tư hơn 50 tỷ đồng cùng với vận động các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm ủng hộ hơn 10 tỷ đồng để cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các thiết chế văn hóa - thể thao, trong đó có 6 thiết chế thể thao ở các phường - nhưng quá khó để đáp ứng nhu cầu rèn luyện thân thể của quần chúng, tổ chức thi đấu các giải thể thao cấp quận.

Không để cái khó thành trở lực, mỗi năm, ngành TDTT quận Hải Châu vẫn chủ động tổ chức khoảng 20 giải thể thao. Chỉ trong năm 2012, quận đã tổ chức giải tennis các CLB quận Hải Châu mở rộng lần thứ 15, thu hút hơn 80 VĐV từ 30 CLB trên địa bàn thành phố tham gia. Bên cạnh, còn có giải cờ tướng với sự tham gia của 130 kỳ thủ, các hoạt động thể thao hè 2012 và Ngày Gia đình Việt Nam 28-6 với sự tham gia của gần 40 gia đình thuộc 13 phường vào các hoạt động như kéo co, đẩy gậy, cầu lông, bóng bàn. Đó còn là giải bơi trẻ quận Hải Châu năm 2012, thu hút hơn 200 VĐV trên địa bàn.

Ngoài các thiết chế công lập, các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tâm huyết với hoạt động TDTT cũng đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng hàng chục sân bóng đá cỏ nhân tạo, sân tennis, cầu lông, bóng chuyền, mở các CLB bóng bàn, billiards, thể dục thẩm mỹ, dance sport… để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao trong việc rèn luyện thân thể của quần chúng.

Từ chủ trương xã hội hóa hoạt động TDTT và từ các thiết chế thể thao này, Hải Châu đã có một lực lượng VĐV nòng cốt, hình thành được các đội tuyển quận tham gia các giải thể thao của thành phố và đạt được những thành tích đáng kể. Năm 2012, tại giải bơi trẻ thành phố Đà Nẵng, Hải Châu đã giành ngôi thứ nhất toàn đoàn và ở giải điền kinh trẻ thành phố Đà Nẵng, các VĐV Hải Châu cũng đoạt 2 HCV, 1 HCB, 2 HCĐ.

Thế nhưng, về lâu dài, ngành TDTT Hải Châu đang đối mặt với không ít khó khăn như thừa nhận của Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin Mai Công Nghị: “Dù thiết chế thể thao ngoài công lập có những đóng góp nhất định cho phong trào, nhưng để được tập luyện tại các cơ sở này, người tham gia hoạt động TDTT phải có điều kiện kinh tế mới có thể thuê sân bãi, trang thiết bị… Trong khi đó, các Trung tâm TDTT, các CLB TDTT… đóng trên địa bàn quận nhưng chưa có được mối quan hệ gắn bó cùng ngành TDTT Hải Châu. Vì vậy, chúng tôi rất mong những thiết chế TDTT công lập hỗ trợ tốt hơn cho hoạt động TDTT của quận để góp phần phát triển lực lượng VĐV cho các đội tuyển thành phố, cũng như tạo được nền móng cần thiết cho phong trào chung”.

Giữa khó khăn ấy, với mục tiêu phát triển phong trào TDTT từ chủ trương xã hội hóa, ngành TDTT Hải Châu đang định hướng phối hợp với ngành GD-ĐT trong việc tổ chức huấn luyện các VĐV năng khiếu trong điều kiện cho phép. Có thể sẽ còn những khó khăn, trở ngại nhưng với nỗ lực và định hướng rõ nét, hướng mở cho phong trào TDTT Hải Châu đã có. Và với việc lấy xã hội hóa làm nền tảng phát triển, hẳn từ “cái khó” sẽ “ló cái khôn” để TDTT Hải Châu luôn xứng đáng là một trong những lá cờ đầu của ngành TDTT Đà Nẵng.

Bài và ảnh: BẢO AN

;
.
.
.
.
.