So với các quận, huyện của thành phố Đà Nẵng, thể thao học đường (TTHĐ) của Sơn Trà được đánh giá cao và luôn nằm trong số 3 đơn vị dẫn đầu về giáo dục thể chất (GDTC) toàn thành phố.
Từng tạo được ấn tượng đẹp bằng lối chơi hồn nhiên, trong sáng, hy vọng, các cầu thủ nhi đồng Sơn Trà (áo sẫm) tiếp tục mang lại những nét đẹp mới cho giải lần này. |
Thế nhưng, tại Hội khỏe Phù Đổng thành phố Đà Nẵng năm học 2012-2013, đoàn VĐV học sinh Sơn Trà lại vắng mặt trên bảng xếp hạng toàn đoàn do không thi đấu đủ 11 nội dung quy định do khó khăn kinh phí.
Tuy nhiên, trong những nội dung tham gia thi đấu, các VĐV học sinh Sơn Trà đều đạt được những kết quả ấn tượng khi giành giải nhất toàn đoàn môn bơi lội, giải nhất toàn đoàn Aerobic, giải nhì toàn đoàn môn cầu lông, giải 3 môn bóng rổ… Đây cũng là kết quả của quá trình phối hợp hết sức chặt chẽ giữa ngành GD-ĐT và ngành TDTT quận Sơn Trà trong nhiều năm qua.
Thiếu những thuận lợi như Hải Châu, Thanh Khê… khi Sơn Trà không có những doanh nghiệp lớn hỗ trợ hoạt động TDTT, lại thêm những hạn chế trong việc quảng bá hình ảnh của đơn vị tài trợ; cơ sở vật chất không thể so sánh với các đơn vị bạn, nhưng không vì thế mà TDTT Sơn Trà chấp nhận giẫm chân tại chỗ. Cách làm của TTHĐ là một minh chứng.
Bất chấp những hạn chế về cơ sở vật chất, kinh phí, ngành GD-ĐT chỉ đạo các trường vẫn tiến hành tổ chức các giải thể thao học sinh hoặc Hội khỏe Phù Đổng trong điều kiện cụ thể của mỗi trường. Cách làm phù hợp này không chỉ khuyến khích, tạo điều kiện cho học sinh tập luyện thường xuyên một hay nhiều môn thể thao mà còn tuyển chọn được những gương mặt xuất sắc trong phong trào TTHĐ.
Hơn thế nữa, các giải thể thao học sinh hoặc Hội khỏe Phù Đổng không chỉ trở thành ngày hội thật sự của học sinh mà còn tạo sức lan tỏa rất lớn. Ngoài các ban, ngành, các lực lượng xã hội khác cùng tham gia, các bậc phụ huynh cũng quan tâm đặc biệt đến phong trào, đến con em của mình đang tham gia thi đấu…, để từ đó số lượng khán giả đặc biệt này càng tăng, tạo thêm sự sinh động cho các giải đấu.
Từ quan điểm “lấy phong trào nuôi phong trào” như khẳng định của Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin Nguyễn Thanh Phong, dù không thể tổ chức Hội khỏe Phù Đổng quận nhưng đội tuyển VĐV là học sinh Sơn Trà vẫn đủ khả năng cạnh tranh cùng các VĐV của các quận, huyện khác ở những nội dung tham gia thi đấu. Đây là hệ quả của mối quan hệ bền vững và sự tương tác giữa ngành GD-ĐT và ngành TDTT quận.
Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa-Thể thao quận Sơn Trà Trần Minh Đức cho biết: “Khi tổ chức các giải thể thao, chúng tôi thường xuyên mời giáo viên thể dục của các trường cùng tham gia điều hành chuyên môn. Qua đó, các thầy giáo, cô giáo có thêm nhiều kinh nghiệm trong công tác tổ chức thi đấu, huấn luyện cũng như tích lũy những hiểu biết về luật thi đấu. Điều đó góp phần tạo nên những nền tảng căn bản cho việc phát triển phong trào TTHĐ một cách căn cơ, bài bản. Đồng thời, khi tổ chức các giải TTHĐ hoặc Hội khỏe Phù Đổng, ngành GD-ĐT luôn có sự phối hợp cùng chúng tôi trong công tác tổ chức, điều hành chuyên môn. Chính sự tương tác ấy đã tạo được hiệu quả thiết thực cho phong trào TTHĐ nói riêng và phong trào TDTT Sơn Trà nói chung”.
Đại diện của bóng đá thiếu niên-nhi đồng Sơn Trà tại giải Bóng đá thiếu niên-nhi đồng truyền thống Báo Đà Nẵng lần thứ 2 (năm 2013) là đội Trường THCS Lê Độ và tiểu học Quang Trung. Đây là hai đội bóng đá thiếu niên-nhi đồng có thành tích rất tốt trong phong trào TTHĐ những năm qua và có sự đầu tư, xây dựng khá ổn định. Vì thế, có thể hy vọng ở giải lần này, Sơn Trà sẽ mang lại những thay đổi thú vị từ những cầu thủ nhí của mình.
Bài và ảnh: NGUYÊN AN