.

ManCity - ManUnited: Một cuộc cách mạng, hai con đường

.

Manchester City đã chi gần 100 triệu bảng cho bốn tân binh. Manchester United chưa mua thêm ai ngoài Wilfried Zaha, cầu thủ họ đạt được thỏa thuận từ mùa trước.

Man City đã bắt nhịp với thị trường chuyển nhượng mùa hè và với mùa giải này rất nhanh chóng. Man United vẫn đang lúng túng trong những ngày đầu với David Moyes.

Chủ động

Tháng 1-2013, khi Chủ tịch Barcelona Sandro Rosell tố cáo trên báo: “Manchester City đang cố gắng lôi kéo một số nhân viên của Barcelona”, thì người ta hiểu, ý đồ của Man Ciy là gì. Họ muốn “Barcelona hóa”. Đến tháng 2, vụ Ferran Soriano bị tố làm “gián điệp” cho Joan Laporta chỉ như một cái cớ để Soriano đến City đảm nhận cương vị giám đốc thể thao.

Man City đã chuẩn cho mùa 2013-2014 của mình như thế. Rất sớm. Rất nhanh và quyết đoán. Họ kéo Soriano về, tiếp đó là Txiki Begiristain, giám đốc điều hành, để hiện thực hóa tham vọng làm bóng đá “tử tế”. Man City đã khởi công học viện bóng đá trẻ dành cho 400 học viên, trị giá 100 triệu bảng. Họ lên kế hoạch chiêu mộ huấn luyện viên mới, ngay khi Soriano nhận xét thứ bóng đá của Roberto Mancini “khô cằn và tẻ nhạt”. Định hướng chuyển nhượng của họ được lên rất chi tiết và cụ thể: nhắm đến những cầu thủ khéo léo, có thể chơi bóng kỹ thuật và giàu khao khát. Chúng ta thấy, Man City mua bốn tân binh mùa hè, bốn yêu cầu của tân huấn luyện viên Manuel Pellegrini một cách rất chóng vánh. Fernandinho, Jesus Navas, Stevan Jovetic, Alvaro Negredo đều không phải những siêu sao, nhưng là những cầu thủ chưa từng giành vinh quang. Nên họ khao khát và phù hợp tham vọng của City.

Sir Alex Ferguson (trái) đã trao M.U lại cho David Moyes
Sir Alex Ferguson (trái) đã trao M.U lại cho David Moyes

Bị động

So với kình địch cùng thành phố, M.U bị động hơn về mọi mặt. Họ biết tin sẽ chia tay David Gill từ rất sớm, khoảng tháng 2-2013. Nhưng rõ ràng, năm tháng là khoảng thời gian quá ngắn để Ed Woodward, người được nhà Glazer chọn từ hãng dịch vụ tài chính JP Morgan, và không hề biết chút gì về bóng đá, thích nghi với công việc.

Cùng với đó, M.U chịu tổn thất quá lớn ở băng ghế chỉ đạo từ sự ra đi của Sir Alex Ferguson. Sir Alex ra đi nghĩa là nếp làm việc 26 năm qua bị xáo trộn, nhân sự thay đổi toàn diện và triết lý quản trị bị thay thế. Người thay thế David Moyes được đánh giá giống Sir Alex ở nhiều mặt, nhưng ông gặp bất lợi lớn về thời gian. Hai tháng là quá ít để một nhà quản lý nắm bắt công việc tại một đế chế với cả trăm cầu thủ mọi cấp độ, hàng nghìn nhân viên, xen kẽ với các công việc liên quan đến chuyên môn. Hai tháng là quá ít để David Moyes tường tận văn hóa M.U, lên kế hoạch mua sắm và chiến thuật. Và giả sử Moyes đã có kế hoạch tuyển quân, ông cũng đành chấp nhận những vấp váp từ Ed Woodward, người chẳng biết chút vì về bóng đá.

Có Soriano và Begiristain là lợi thế cực lớn của Man City. Họ từng làm việc với nhau tại Barcelona, nên dự án của của City được vạch ra rất nhanh, từng bước cụ thể đều được đi dứt khoát. M.U vừa đi vừa mò mẫm. City thì đã nắm trong tay tấm bản đồ.

“Latin hóa” thành Manchester

Khác nhau là thế, nhưng một điểm rất đáng chú ý trong chính sách chuyển nhượng của M.U và Man City là việc theo đuổi các cầu thủ có lối chơi Latin.

Man City đã phát triển cách chơi này từ thời Mancini. Không như các đội bóng Anh khác, thường chơi bóng dài và trực diện, Mancini hướng Man City đến lối chơi bóng ngắn. Ông chủ Man City là người Qatar, nhà quản lý của họ là người Ý, nên với cả một đội bóng mới tinh được mua bằng tiền, Man xanh chẳng chịu sức ép gì từ truyền thống.

Khi Soriano và Begiristain tới, triết lý Latin càng được đẩy mạnh. Pellegrini là huấn luyện viên thuộc trường phái này, nên chẳng ngạc nhiên khi hình ảnh về những buổi tập đầu tiên của Man xanh dưới trướng ông truyền ra ngoài, người ta thấy các bài tập kiểm soát và chuyền bóng được ưu tiên hơn cả.

Tiền vệ Jack Rodwell trả lời phỏng vấn tờ The Sun: “Pellegrini yêu cầu chúng tôi dâng cao gây sức ép. Chúng tôi luân chuyển bóng nhanh nhất có thể và cố gắng xử lý đơn giản. Ông ấy muốn chúng tôi giữ bóng cho đến khi tới khung thành đối phương”.

“Giữ bóng cho đến khi tới khung thành đối phương”, chính xác là triết lý của Barcelona. Man xanh đang tập luyện để trở thành như vậy.

Bên kia thành Manchester, M.U cũng đang có “âm mưu” Latin hóa. Thực ra Moyes không phải là huấn luyện viên theo trường phái này, nhưng thời Sir Alex, M.U đã dần dần Latin hóa trong ba năm trở lại.

Từ khi M.U đăng quang ở Champions League năm 2008 với thứ bóng đá phòng ngự phản công đa dạng, tiki-taka và lối chơi Latin đã thống trị bóng đá thế giới: Barcelona giành Champions League năm 2009, 2011; Tây Ban Nha vô địch Euro 2008, 2012, World Cup 2010; và mới nhất, Bayern Munich giành cú ăn ba mùa 2012-13.

Sau thất bại trước Barcelona ở hai trận chung kết Champions League năm 2009 và 2011, Sir Alex càng cảm nhận rõ tính ưu việt của thứ bóng đá khéo léo. Ông mua Shinji Kagawa, chuyển M.U từ đá biên sang chơi với hàng tiền vệ hình kim cương trong một số trận. Có những lúc, M.U dùng bốn tiền vệ trung tâm trên sân là Michael Carrick, Anderson, Tom Cleverley và Kagawa. Đến hè này, hai cầu thủ M.U nhắm đến đều là tiền vệ của Barcelona, và đều chơi kỹ thuật, là Thiago Alcantara và Cesc Fabregas.

M.U và Man City có thể không thể đá tiki-taka một cách thuần chất như Barcelona, nhưng họ sẽ hướng đến lối chơi bóng ngắn trực diện và hiệu quả như Bayern Munich. Man City đang tiến rất nhanh trên con đường đó để hiện thực hóa giấc mơ xây dựng một đế chế bóng đá thực sự từ triết lý, con người cho đến cơ sở hạ tầng. M.U đã có truyền thống, lịch sử và cơ sở hạ tầng, nhưng lại đang gặp khó khăn về mặt con người, khi Moyes cần thêm thời gian để học, và những Fabregas vẫn chưa tới, vì dự án của Quỷ đỏ chưa tạo sức lan tỏa rộng khắp như City đang làm được.

Theo TT&VH

 

;
.
.
.
.
.