’’5 XÂY’’, ’’ 3 CHỐNG’’

"5 XÂY", "3 CHỐNG"

14:35, 02/01/2014 (GMT+7)

Ngày 6-11-2013, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 29-CT/TU tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển thành phố trong tình hình mới, trong đó Ban Thường vụ Thành ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban, ngành, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội thành phố tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đạt kết quả tốt các nội dung và giải pháp trọng tâm: Tập trung giáo dục, xây dựng và phát triển đội ngũ CBCCVC các cấp; nâng cao hơn nữa đạo đức công vụ theo tinh thần “5 xây”: “Trách nhiệm”, “Chuyên nghiệp”, “Trung thực”, “Kỷ cương”, “Gương mẫu”; đồng thời kiên quyết thực hiện “3 chống” các biểu hiện: “Quan liêu”, “Tiêu cực”, “Bệnh hình thức”. Thực hiện chỉ thị này, Báo Đà Nẵng mở chuyên mục “5 xây, 3 chống”, bắt đầu từ số báo hôm nay (2-1-2014).

 “5 xây”

- Trách nhiệm: Xây dựng tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp trong thực thi công vụ, trách nhiệm đối với nhân dân của CBCCVC, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị; công khai quy trình, cơ chế trách nhiệm trong thực thi công vụ, nhất là trách nhiệm cá nhân trong mối quan hệ với tập thể, trong việc phối hợp thực hiện hoạt động công vụ và tổ chức có hiệu quả công tác thanh tra công vụ.

- Chuyên nghiệp: Xây dựng đội ngũ CBCCVC có kiến thức chuyên môn sâu, kỹ năng làm việc thành thạo, hiệu quả, gắn với từng vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp. Thực hiện quy trình tuyển dụng công chức, viên chức đúng theo quy định, trên cơ sở cạnh tranh, thực tài; bố trí cán bộ theo yêu cầu tiêu chuẩn chức danh, năng lực thực tiễn và kết quả công việc; có cơ chế phát huy động lực làm việc, tạo môi trường làm việc, khuyến khích sự sáng tạo, cống hiến trong đội ngũ CBCCVC.

- Trung thực: Hình thành ý thức và trách nhiệm tự đánh giá bản thân, đánh giá và báo cáo tình hình công tác chuyên môn đúng bản chất sự việc; cung cấp thông tin chính xác, khoa học và có cơ sở tin cậy cho nhân dân và cấp có thẩm quyền khi có yêu cầu; áp dụng các biện pháp quản lý và giám sát tính trung thực, bảo đảm bí mật Nhà nước trong việc thông tin, báo cáo; nâng cao năng lực tổng hợp, dự báo tình hình, xây dựng kế hoạch sát với thực tiễn. Quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin chuyên ngành, thực hiện công khai, minh bạch thông tin trong hoạt động quản lý ở các cơ quan, đơn vị; có quy định xử lý nghiêm việc cung cấp thông tin sai lệch hoặc thiếu trung thực trong thực thi công vụ.

- Kỷ cương: Xây dựng nền nếp, ý thức tôn trọng kỷ luật, kỷ cương hành chính, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật trong hoạt động công vụ, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong lề lối, tác phong làm việc của CBCCVC. Người đứng đầu cấp ủy Đảng, chính quyền, thủ trưởng cơ quan, đơn vị tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc CBCCVC tuân thủ kỷ luật, kỷ cương, chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy chế hoạt động của cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, đơn vị.

- Gương mẫu: Mỗi CBCCVC, đặc biệt là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và người đứng đầu cấp ủy Đảng, cơ quan, đơn vị phải là người đi đầu, gương mẫu trong thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trong giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, trong cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư ở cả nơi công tác và nơi cư trú.

“3 chống”

- Chống quan liêu: Mỗi CBCCVC, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt, người đứng đầu các cấp phải quán triệt sâu sắc, nhận thức đúng đắn vị trí, vai trò của CBCCVC là “công bộc của nhân dân”, kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện quan liêu, cửa quyền, mệnh lệnh, xa rời quần chúng và thực tế công việc; chống biểu hiện thờ ơ, vô cảm khi tiếp xúc, giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công cho các tổ chức, công dân và trước khó khăn của người dân.

- Chống tiêu cực: CBCCVC khi thi hành công vụ tuyệt đối không được có hành vi tiêu cực, lãng phí, tham nhũng, hối lộ, lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, nhũng nhiễu nhân dân; không được tiếp tay, bao che các hành vi tiêu cực, lãng phí, tham nhũng.

- Chống bệnh hình thức: Tập trung đấu tranh, chống bệnh hình thức, phô trương, lãng phí trong mọi hoạt động công vụ, nhất là các biểu hiện của bệnh hình thức, tùy tiện trong thực thi pháp luật, xử lý vi phạm, trong thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, trong tổ chức các phong trào thi đua, các ngày kỷ niệm, hội nghị, hội thảo, tiếp khách, đi công tác nước ngoài... Kiên quyết xóa bỏ các biểu hiện chạy theo “thành tích”, không quan tâm đầy đủ, toàn diện đến hiệu lực, hiệu quả và tác động của các chính sách quản lý, điều hành của Nhà nước.

.