.

Nâng cao đạo đức công vụ với "5 xây", "3 chống"

.

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa về ý thức trách nhiệm, tinh thần, thái độ, chất lượng phục vụ nhân dân, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố trong tình hình mới.

Đây là yêu cầu của Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy. Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Đặng Công Ngữ, Giám đốc Sở Nội vụ cho biết triển khai thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU phải có giải pháp nâng cao đạo đức công vụ của đội ngũ CBCCVC theo tinh thần “5 xây”, “3 chống”.

* Thưa ông, triển khai Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy thì những vấn đề mới đặt ra cho thành phố phải giải quyết trên lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC) và kỷ cương, kỷ luật hành chính như thế nào?
- Qua 10 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TU và Nghị quyết 09-NQ/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, chúng ta đã đạt được kết quả quan trọng. Hệ thống chính trị nói chung và chính quyền các cấp nói riêng tiếp tục được củng cố ngày càng vững mạnh. Hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực có nhiều chuyển biến; đội ngũ CBCCVC các cấp không ngừng trưởng thành, tinh thần, thái độ và chất lượng phục vụ nhân dân được nâng lên, đóng góp đáng kể vào thành tựu xây dựng và phát triển thành phố.

Tuy nhiên, nhìn chung nền công vụ thành phố chưa thực sự chuyển biến theo hướng phục vụ nhân dân. Kỷ luật, kỷ cương hành chính vẫn còn chưa nghiêm; tác phong, lề lối làm việc, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân ở một số cơ quan, đơn vị và một bộ phận CBCCVC chưa đáp ứng được yêu cầu, hiệu quả và chất lượng công việc chưa cao. Trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ của đội ngũ CBCCVC tuy có tiến bộ hơn trước nhưng chưa chuyên nghiệp, chưa đáp ứng yêu cầu quản lý Nhà nước theo mô hình đô thị, hiện đại. Một bộ phận CBCCVC thiếu ý thức tu dưỡng phẩm chất đạo đức, lối sống, quan liêu, không sát công việc, có biểu hiện tiêu cực, nhũng nhiễu, gây phiền hà đối với nhân dân khi thi hành công vụ. Tình hình đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và chất lượng phục vụ nhân dân. Đây chính là những vấn đề đang đặt ra đòi hỏi phải giải quyết khi chúng ta triển khai thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU.

* Như vậy, “5 xây”, “3 chống” sẽ là giải pháp để nâng cao đạo đức công vụ cho đội ngũ CBCCVC thành phố, nhưng phải cụ thể hóa như thế nào, thưa ông?

- Đây là tinh thần chung của Chỉ thị 29-CT/TU nhưng khi thực hiện phải cụ thể những nội dung này thành từng tiêu chí phù hợp đối với từng ngành. Chẳng hạn cơ quan chức năng của thành phố đã phát hiện và xử lý những vụ lừa đảo, “chạy” bố trí suất cho thuê căn hộ chung cư thì đơn vị quản lý Nhà nước có liên quan đến phải xây dựng tiêu chí chống tiêu cực ở lĩnh vực này. Xây dựng chống thái độ quan liêu, bàn giấy thì phải bám sát tình hình lĩnh vực của đơn vị mình phụ trách quản lý, không thờ ơ với nỗi khổ của người dân. Cụ thể hóa nội dung chống tiêu cực phải có những quy định cấm gợi ý, vòi vĩnh khi giải quyết yêu cầu của nhân dân. Nội dung “3 chống” cần tập trung vào các lĩnh vực phức tạp, nhạy cảm, thường xuyên tiếp xúc với nhân dân, dễ xảy ra sai phạm, như: quản lý đất đai, giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư, quản lý đầu tư xây dựng, dự án đầu tư, đăng ký hoạt động doanh nghiệp, cấp phép điều kiện kinh doanh, quản lý tài chính, quản lý thị trường, kê khai và nộp thuế, thủ tục hải quan, phòng, chống cháy nổ, quản lý hành chính và trật tự xã hội, khám chữa bệnh, bảo hiểm, tuyển dụng, điều động, luân chuyển CBCCVC… Mỗi ngành cần cụ thể hóa thành một bộ tiêu chí, mỗi CBCCVC cần đăng ký thực hiện một nội dung chuyển biến tích cực về trình độ chuyên môn, tác phong làm việc, thái độ phục vụ nhân dân. Định kỳ mỗi cơ quan, đơn vị cần đánh giá sự chuyển biến trong đơn vị mình.

* Là cơ quan tham mưu của thành phố, Sở Nội vụ sẽ tham mưu những giải pháp nào để thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 29-CT/TU?

- Sở Nội vụ sẽ tham mưu thực hiện Chỉ thị 29-CT/TU bằng những giải pháp cụ thể nhằm hoàn thành các mục tiêu, giải pháp cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính Nhà nước 2011-2020 trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; ưu tiên các nội dung cải cách hành chính và đổi mới chế độ công vụ, công chức hướng đến xây dựng và thực hiện mô hình chính quyền điện tử; sớm có tiêu chí đánh giá kết quả làm việc của người đứng đầu, CBCCVC các cấp và xây dựng chính sách vinh danh, khen thưởng thỏa đáng đối với CBCCVC hoàn thành tốt nhiệm vụ, đóng góp tích cực vào xây dựng nền hành chính.

Tham mưu để tiếp tục hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách thu hút cán bộ; chỉ đạo rà soát, có giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực và Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao thành phố, trong đó chú ý cử đi học đúng người, bố trí cán bộ phù hợp, tạo môi trường làm việc thuận lợi và làm tốt khâu đánh giá cán bộ.

Tham mưu cho Thành ủy, UBND thành phố chỉ đạo rà soát, củng cố và tổ chức quản lý tốt hòm thư góp ý, “đường dây nóng” để nhân dân phát hiện, tố giác CBCCVC có hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, có thái độ cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu, gây phiền hà cho nhân dân trong thực thi công vụ. Quy định hình thức, mức khen thưởng cụ thể khuyến khích các tổ chức, công dân phát hiện, cung cấp thông tin, bằng chứng tố cáo hành vi tiêu cực của CBCCVC các cấp. Bên cạnh đó, thông qua việc tuyên truyền để vận động nhân dân tham gia sử dụng dịch vụ khảo sát trực tuyến về mức độ hài lòng đối với dịch vụ công; qua đó vận động nhân dân tham gia giám sát, xây dựng chính quyền.

* Xin cảm ơn ông!

SƠN TRUNG thực hiện

;
.
.
.
.
.