.

Phục vụ phải chuyên nghiệp

.

Trong những ngày nghỉ lễ 30-4 và ngày 1-5 vừa qua, thành phố Đà Nẵng đón hàng vạn lượt khách du lịch và có cả khách công vụ đến nghỉ ngơi, tắm biển. Họ chính là “thượng đế” của thành phố, phải được phục vụ một cách chu đáo, chuyên nghiệp.

Thế nhưng, không ít đoàn khách, cơ quan thành phố tiếp khách đã một vài chuyện bực mình không đáng có và cũng không ít lời ta thán về thái độ phụ vụ, phong cách phục vụ không mấy chuyên nghiệp của các nhà hàng, khách sạn, công ty vận chuyển khách du lịch… Chẳng hạn, cơ quan tôi đặt trước chỗ 25 thực khách ở nhà hàng P.T. trên đường Hồ Nghinh đến những 2 ngày. Như vậy có nghĩa, chỗ ngồi và thực đơn đã được đặt trước. Nếu chuyên nghiệp, nhà hàng chỉ cần đặt tấm bảng “bàn đã đặt”, đi kèm bảng thực đơn, thì đến nỗi gì chúng tôi phải năn nỉ với đoàn khách khác nhường chỗ và nhân viên nhà hàng bưng nhầm thức ăn (!).

Lại một chuyện không vui khác, Báo Tuyên Quang nhờ cơ quan tôi thuê giúp chiếc ô-tô của Công ty TNHH Vận tải du lịch và Thương mại Vũ Kh. đưa  cán bộ, phóng viên tham quan thành phố Huế, lịch trình đi, về ngay trong ngày. Mới 15 giờ, lái xe hối thúc hành khách lên xe quay về Đà Nẵng, kẻo 18 giờ hầm đường bộ Hải Vân đóng cửa(?). Anh em đồng nghiệp thắc mắc “tưởng hầm Hải Vân thông xe 24/24 giờ… ?”, khi hỏi kỹ, tôi tá hỏa, thêm một kiểu phục vụ thiếu chuyên nghiệp.

Tính chuyên nghiệp không phải chỉ có trong các công việc quy mô lớn, mức độ phức tạp, khó thực hiện, mà ngược lại, nó được thể hiện, đánh giá ở những việc đơn giản hằng ngày như vài việc nhỏ nói trên. Tuy nhiên, với mỗi ngành, mỗi nghề, mỗi công việc khác nhau, thì tính chuyên nghiệp có những yêu cầu khác nhau. Tỷ như, tính chuyên nghiệp trong công việc của người làm công tác tiếp nhận, giải quyết hồ sơ của công dân… khác với nhân viên kế toán, tài vụ; tính chuyên nghiệp của tổ phục vụ buồng, phòng ở khách sạn khác với tổ lái xe, bảo vệ... Tính chuyên nghiệp của đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp được đánh giá qua lăng kính mỗi cán bộ, nhân viên. Vì vậy, mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, phải xây dựng cho kỳ được chuẩn mực nghề nghiệp và yêu cầu nhân viên tuân thủ.

Phẩm chất đầu tiên dễ thấy của những người làm việc có tính chuyên nghiệp là làm việc có kế hoạch. Lập được kế hoạch tức là đã xác định mục tiêu, trình tự các bước công việc phải làm, thời gian hoàn thành mỗi bước, mỗi nội dung công việc để đạt được mục tiêu. Như vậy là, thể hiện tính chủ động, có trách nhiệm với công việc; sắp xếp và quản lý được tiến độ công việc thì nhất định các công việc được tiến hành đồng bộ, ăn khớp và hiệu quả.

Phàm những người làm việc có tính chuyên nghiệp luôn luôn có tinh thần trách nhiệm trong công việc. Họ thực hiện những việc nhỏ, đơn giản với sự cẩn thận, nghiêm túc. Chuyên tâm với công việc biểu hiện ở thái độ làm việc tận tâm, tận lực với công việc, chức trách được giao; làm việc với tinh thần tự giác, thực sự yêu nghề. Người lãnh đạo, quản lý luôn mong đợi và đánh giá cao những nhân viên làm việc có trách nhiệm. Sự làm việc thiếu trách nhiệm, thái độ “làm cho xong” thường dẫn đến làm việc tùy tiện, qua loa, đại khái, cẩu thả.

Tinh thần trách nhiệm đối với công việc thể hiện ngay trên mỗi kết quả, sản phẩm. Người soạn thảo văn bản để sai sót, mắc nhiều lỗi chính tả, trình bày cẩu thả, câu cú luộm thuộm là thể hiện sự thiếu trách nhiệm. Một lỗi sản phẩm đã được phát hiện, nhưng bỏ qua và vẫn đưa ra thị trường, rất có thể dẫn đến sự mất uy tín, tẩy chay sản phẩm của doanh nghiệp… Hiện nay, trong công việc, không ít người thường biện hộ cho việc làm thiếu trách nhiệm của mình, với những lý lẽ “trình độ tôi có hạn”, “tôi cố gắng lắm rồi”...  

Tinh thần kỷ luật, luôn là phẩm chất quan trọng của người làm việc chuyên nghiệp. Ý thức chấp hành kỷ luật, chấp hành sự sắp xếp, phân công nhiệm vụ của tổ chức, của lãnh đạo của mỗi cá nhân sẽ tạo nên sức mạnh, uy tín của tập thể, cũng như chất lượng, hiệu quả công việc. Một nhân viên chuyên nghiệp không thể có hành vi tự làm theo ý mình, không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ được phân công, làm việc tùy tiện, không theo quy định của tổ chức. Tính kỷ luật của một cán bộ, nhân viên còn phải biết giữ bí mật của tổ chức, công ty, không để lộ những thông tin khi chưa được phép và cung cấp cho người không liên quan.

Mục đích của sự chuyên nghiệp chính là nhằm tạo ra sự hoàn chỉnh, chất lượng, hiệu quả và tin cậy.

Lê Quang
 

;
.
.
.
.
.