.

Giải quyết điểm yếu ở khâu phối hợp

.

Một người gánh được 2 thùng nước uống, hai người khiêng được 1 thùng nước nhưng đến 3 người thì không có nước mà uống. Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Trần Thọ ví von một cách hình ảnh về sự trì trệ, thiếu trách nhiệm trong phối hợp giữa các cơ quan chức năng để giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) cho doanh nghiệp, người dân tại kỳ họp thứ 10, HĐND thành phố (khóa VIII) vừa  qua.

Trong thời gian qua, Đà Nẵng đạt được nhiều thành tựu đột phá trong cải cách hành chính (CCHC); những thành tựu trong CCHC đã góp phần quan trọng đưa thành phố trở lại ngôi đầu Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Song trên thực tế vẫn còn những vấn đề đáng quan tâm trong công tác này. Đó là người dân vẫn còn bị nhũng nhiễu, gây khó, một bộ phận cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm, thiếu chuyên nghiệp. Đại biểu Thái Thanh Hùng nêu bức xúc, trong số hơn 1.400 hộ dân đang bị nợ đất tái định cư được hỗ trợ tiền thuê nhà mỗi tháng 1,5 triệu đồng/hộ nhưng phải đi lại nhiều lần mới nhận đủ số tiền này. Các đại biểu Nguyễn Nho Trung, Trần Đình Hồng chỉ đích danh các ban giải tỏa đền bù buộc người dân đi lại nhiều lần để giải quyết TTHC liên quan đến đền bù, giải tỏa, bố trí tái định cư. Do không có sự phối hợp giữa các ban giải tỏa đền bù với Trung tâm Phát triển quỹ đất mà nhiều hộ dân thuộc diện giải tỏa ở quận Ngũ Hành Sơn không được giải quyết cấp chứng nhận quyền sử dụng đất.

Giám đốc Sở Nội vụ thành phố Võ Công Chánh thừa nhận, trong giải quyết TTHC còn tình trạng chậm trễ hồ sơ, đặc biệt là trong lĩnh vực đất đai, có hồ sơ trễ hẹn từ 8 tháng đến một năm. Ông Chánh nêu một trường hợp ở quận Hải Châu phải mất đến 12 tháng để làm xong thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Hiện nay, tình trạng hồ sơ thuộc thẩm quyền giải quyết của một cơ quan chức năng đa số là thông suốt, đúng hẹn nhưng đối với những TTHC thuộc trách nhiệm của từ hai cơ quan trở lên giải quyết theo cơ chế “liên thông” lại ách tắc, chậm trễ. Nguyên do là các cơ quan này thực hiện quy chế phối hợp trong giải quyết TTHC thiếu trách nhiệm. Mặt khác, một bộ phận cán bộ, công chức còn yếu kém về tính chuyên nghiệp và trách nhiệm công vụ.

Đầu năm 2014, lần đầu tiên Chính phủ công bố xếp hạng CCHC, Đà Nẵng đứng thứ hạng đầu tiên trong 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đó là thành tích đáng tự hào song thực trạng mà HĐND thành phố đề cập tại kỳ họp thứ 10 vừa qua thấy còn những vấn đề rất đáng lo. Chỉ thị 29-CT/TU đã được triển khai với các tiêu chí, chuẩn mực cụ thể, yêu cầu tập thể đơn vị, cá nhân cán bộ, công chức, viên chức đăng ký thực hiện. Việc ban hành Chỉ thị 29-CT/TU cho thấy sự quyết liệt của lãnh đạo thành phố đối với công tác tăng cường kỷ cương, kỷ luật, cải cách hành chính mạnh mẽ hơn nữa. Việc làm cần thiết là các cấp, các ngành của thành phố cần tiếp tục nâng cao nhận thức của CBCCVC về tăng cường kỷ cương hành chính, đẩy mạnh CCHC theo tinh thần Chỉ thị 29-CT/TU; coi đây là yêu cầu tự giác, ý thức trách nhiệm ngày càng cao hơn đối với việc phục vụ, đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp chứ không vì vị thứ, hơn thua với địa phương khác.

Theo chỉ đạo của Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố tại kỳ họp HĐND thành phố vừa qua, công tác CCHC cần tập trung vào giải quyết điểm yếu là khâu phối hợp giữa các ngành chức năng. Nhất là khi thành phố đưa vào sử dụng Trung tâm Hành chính và hình thành “một cửa tập trung” của các sở, ngành thì yêu cầu phối hợp giải quyết TTHC phải được thực hiện nghiêm túc, thông suốt. Việc cải tiến giải quyết TTHC liên quan đến trách nhiệm của từ 2 cơ quan trở lên cần theo hướng thực hiện đồng bộ cùng một lần nhằm rút ngắn thời gian giải quyết TTHC, tránh theo lối đợi cơ quan này giải quyết xong mới đến cơ quan khác giải quyết. Một công tác quan trọng khác là cần tăng cường hoạt động thanh tra công vụ, kiểm tra việc thực hiện các quy định về giải quyết TTHC; qua đó xử lý nghiêm những cán bộ, công chức nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, nhất là ở lĩnh vực giải tỏa, đền bù, bố trí tái định cư, đất đai.

ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.