.

Không thờ ơ, vô cảm với người bệnh

.

Tại nhiều cơ quan, đoàn thể, hậu quả của bệnh quan liêu có thể được sửa chữa, khắc phục. Tuy nhiên, tại bệnh viện thì điều này có thể phải trả giá bằng tính mạng của người bệnh.

Xuất phát từ thực tế này, các bác sĩ, điều dưỡng Bệnh viện Đà Nẵng không chỉ thường xuyên nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ mà còn hoàn thiện y đức thông qua việc “Nói không với quan liêu”.

Một trong những khoa quan trọng nhất của bệnh viện là Khoa Hồi sức tích cực - Chống độc, nơi tiếp các trường hợp cần điều trị trong tình trạng cấp tính, đe dọa tính mạng hoặc một lúc mắc phải nhiều bệnh lý nặng. Với số lượng bệnh nhân trung bình 60 người, sự sống đang trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc”, 12 bác sĩ tại đây luôn tiến hành hội chẩn tập thể tại giường bệnh ít nhất 1 lần/ngày. Các bác sĩ cho rằng, trí tuệ tập thể có thể bổ khuyết cho nhau, góp phần đem lại hội chẩn sát sườn, chuẩn xác hơn và bệnh nhân được hưởng kết quả chuyên môn cao nhất.

Bên cạnh đó, đội ngũ y, bác sĩ tại đây còn thay nhau túc trực cả ngày và đêm (khoa bệnh nặng nên người nhà bệnh nhân không được phép tiếp cận), đều đặn để tránh những biến chứng đáng tiếc cho người bệnh. Bác sĩ Lê Đức Nhân, Phó Giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc cho biết, các bác sĩ tại đây đều hình thành thói quen khám liên tục cho bệnh nhân, tuyệt đối không quan liêu, nghe lời báo cáo suông của điều dưỡng, không chẩn đoán trực tiếp trên người bệnh mà lại đưa ra liệu pháp điều trị.

Anh Trần Công Bách, bệnh nhân viêm dạ dày ruột cấp, nhiễm trùng máu nhập viện trong tình trạng nguy kịch, bày tỏ: “Các bác sĩ làm việc xuyên đêm, có những hôm trời đã về sáng nhưng khi mở mắt, tôi vẫn thấy bác sĩ tận tình, khám, chữa bệnh cho từng bệnh nhân. Mang trong mình trọng bệnh, người nhà lại không thể vào khu bệnh đặc biệt này, sự chăm sóc của các bác sĩ, điều dưỡng giúp tôi nguôi ngoai được phần nào nỗi buồn. Bệnh tình nhờ đó mà cũng nhanh thuyên giảm”.

“Không nặng lời, không từ chối, không thờ ơ, không vô cảm với người bệnh”, “Nụ cười - tình thương - trách nhiệm”, “Chúng tôi ở đây để giúp bạn vượt qua bệnh tật”… là những câu khẩu hiệu nhỏ được gắn rải rác trong bệnh viện. Đọc những câu khẩu hiệu này, nhìn số điện thoại đường dây nóng để bệnh nhân có thể phản ánh hành vi quan liêu, tham nhũng, tiêu cực, thiếu trách nhiệm, cửa quyền, hách dịch, sách nhiễu gây phiền hà của đội ngũ y, bác sĩ và trực tiếp được khám, chữa bệnh với quy trình tỉ mẩn, thân thiện tại Bệnh viện Đà Nẵng, chị Diệu Thúy, một bệnh nhân đến từ Hà Nội đã thốt lên: “Tôi thực sự ganh tỵ với người dân thành phố Đà Nẵng”.

Bác sĩ Lê Hồng Hải, Trưởng phòng Tổ chức Bệnh viện Đà Nẵng cho biết, đối với người bệnh, tuyệt đối không có tình trạng phân biệt đối xử giữa các đối tượng phục vụ, chẩn đoán và điều trị. Riêng các đối tượng chính sách được bệnh viện quan tâm tạo điều kiện thuận lợi nhất. Bệnh viện Đà Nẵng không ngừng từng bước cải tiến mọi điều kiện phục vụ người bệnh như cải tiến thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người bệnh từ khâu đón tiếp đến phục vụ; tăng cường trang thiết bị cận lâm sàng để đáp ứng nhanh và nhiều bệnh nhân; không ngừng phát triển kỹ thuật cao để rút ngắn ngày điều trị. Bệnh viện tổ chức phòng đón tiếp hướng dẫn người bệnh tại khu khám bệnh trong và ngoài giờ hành chính, đơn giản hóa các quy trình thủ tục khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế. Việc sử dụng thuốc cho người bệnh tại Bệnh viện Đà Nẵng được thực hiện nghiêm túc; triển khai tổ tư vấn sử dụng thuốc cho người bệnh và thông tin thuốc đến tận khoa, phòng. Khoa Dược bảo đảm việc cung cấp thuốc đến tận giường bệnh cho mọi đối tượng bệnh nhân. Bệnh viện tổ chức điều trị theo phác đồ, tránh việc sử dụng thuốc cho người bệnh một cách tràn lan, gây lãng phí, tốn kém và đặc biệt là ảnh hưởng sức khỏe. “Chúng tôi làm để hướng đến mục tiêu: tất cả vì người bệnh”, bác sĩ Lê Hồng Hải khẳng định.

MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.