.

Trách nhiệm, công khai và khách quan

.

Điểm đặc biệt tại Tòa án Nhân dân Tối cao (TANDTC) thành phố Đà Nẵng là tất cả các phòng làm việc đều lắp cửa kính thay vì cửa gỗ hay sắt thông thường. Điều này nhằm phản ánh một thực tế rằng: Mọi quá trình làm việc của tòa án đều trung thực, công khai và minh bạch trước nhân dân.

Tại Đà Nẵng, cán bộ ngành tư pháp từ cấp thành phố đến quận, huyện đều phải có trách nhiệm và nghiêm túc thực hiện tiếp dân 2 lần/tháng. Đây là quá trình mang lại lợi ích 2 chiều. Một mặt, người thi hành pháp luật có cơ hội để lắng nghe ý kiến và giải đáp thắc mắc của nhân dân về những điều luật phức tạp, rối rắm. Một mặt, việc gần dân, giúp dân giúp người cán bộ tư pháp rèn luyện tính liêm khiết, công bằng. “Đóng vai trò cầm cân nảy mực, người xử án phải liêm khiết, trong sạch, phải hiểu được tâm tư nguyện vọng, khúc mắc của người dân. Điều này sẽ giúp người dân hiểu hơn về luật pháp, cảm hóa nhân dân; giúp người thực thi pháp luật học ở người dân những đức tính tốt đẹp, hun đúc thêm kinh nghiệm để công tác xét xử được tốt hơn”, ông Đặng Ánh, Phó Chánh án TANDTC thành phố Đà Nẵng  cho biết.

Là người mẹ ly thân, chị Nguyễn Thị B. (quận Liên Chiểu) muốn làm thủ tục ly hôn chồng nhưng vẫn mù mờ về các loại giấy tờ cần thiết, bên cạnh đó, nỗi lo không được chăm sóc, nuôi dạy con nhỏ cũng ngăn chị đệ đơn lên tòa án. Tuy nhiên, sau khi được tư vấn thông qua dịp tiếp dân của cán bộ ngành tư pháp, chị mới vỡ lẽ ra rằng, con dưới 36 tháng tuổi thì đương nhiên thuộc quyền nuôi dưỡng của mẹ.

Để thực hiện tốt hơn nữa phong trào “5 xây”, “3 chống”, TANDTC Đà Nẵng còn thực hiện công khai mọi vụ án, quyết định, bản án trên cổng thông tin điện tử của đơn vị. Đối với người dân không có điều kiện tiếp cận với mạng Internet, tòa tiến hành niêm yết mọi quyết định thủ tục tại trụ sở… Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu công khai, trung thực nhất trước mắt người dân. Bên cạnh đó, TANDTC Đà Nẵng còn mở đường dây nóng và hòm thư góp ý để người dân kịp thời phản ánh tình trạng quan liêu, thiếu trung thực của cán bộ ngành tư pháp.

Đầu tháng 7-2014, một doanh nhân từng rất thành đạt của Đà Nẵng bị bắt và tuyên án vì hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh việc lừa bán đất, doanh nhân này còn hứa xin việc giúp con em của nhiều gia đình mặc dù không có khả năng. “Lệ phí xin việc” đã đem lại cho doanh nhân số tiền hơn 1 tỷ đồng. Vụ việc đã được TANDTC Đà Nẵng thụ lý và xét xử. 9 gia đình, vì quá nôn nóng và thương con đã chấp nhận bỏ ra số tiền lớn chạy việc, để rồi nhận lại kết quả là con số 0 và bất đắc dĩ cùng gặp nhau tại một phiên tòa. Một trong 9 nạn nhân cho biết, mặc dù đau đớn khi phải mất trắng số tiền lớn, nhưng được đến tòa án và theo dõi toàn bộ quá trình xét xử, với ông lại là một lần học hỏi.

Ông cho biết: “Đến tòa, nghe thẩm phán thẩm vấn, trực tiếp thấy quá trình tranh tụng tại tòa của luật sư, được tham gia vào quá trình tranh tụng, được cung cấp chứng cứ tại phiên tòa tại bất kỳ thời gian nào, được nghe bản án dành cho bị cáo…, tôi hiểu ra tâm lý “ngại gặp quan tòa”, “sợ tòa án” là sai lầm. Thẩm phán mặc dù lạnh lùng, lời nói đanh thép, nhưng quá trình xét xử rất công khai, minh bạch cũng như rất nhân đạo trong phán quyết”.

Theo ông Đặng Ánh, trong hoạt động tố tụng, từng hành vi, lời nói của cán bộ tòa án phải hoàn toàn khách quan, trung thực, đúng theo nội dung, trình tự pháp luật quy định bởi công việc liên quan đến sinh mệnh và quyền lợi hợp pháp của công dân. Tất cả nhằm hướng đến mục đích nâng cao chất lượng hòa giải, chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, bảo vệ quyền lợi của người dân trong hoạt động tố tụng. Đây là cơ sở, nền tảng để xây dựng hình ảnh tốt đẹp của người cán bộ Tòa án nhân dân trong xã hội.

MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.