.

Trách nhiệm từ tâm

Đơn vị Nhi sơ sinh, Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng là một nơi đặc biệt. Tại đây, bác sĩ và điều dưỡng không chỉ làm tròn vai trò là nhân viên y tế, họ còn đảm đương cả thiên chức người mẹ.

Bởi chỉ có người mẹ mới có thể cẩn trọng đến từng chi tiết, quan sát từng thông số nhỏ bao quanh giường sưởi, mới có thể nâng niu, nhẹ nhàng trong từng thao tác dành cho bệnh nhi chỉ nhỏ tựa một chai nước ngọt, cơ thể gắn với vô vàn dây nhợ từ máy thở, truyền dịch…

Với số lượng bệnh đông, trung bình mỗi điều dưỡng nơi đây phải chăm sóc cho ít nhất 4 trẻ. Các em đều được nối với các loại máy móc, mỗi máy lại có nhiều thông số khác nhau. Cả ngày và xuyên đêm, các bác sĩ, điều dưỡng phải lấy máu, tìm ven tiêm thuốc và không ngừng quan sát số liệu từ những máy móc chằng chịt đó để có biện pháp chữa trị kịp thời, góp phần giảm thiểu sai sót đến mức thấp nhất.

Trong giờ thăm bệnh, một người mẹ vừa ngắm nhìn con vừa cho biết: “Những bác sĩ, điều dưỡng nơi đây không chỉ làm tròn vai trò là nhân viên y tế, họ còn đảm đương cả thiên chức người mẹ. Bởi chỉ có người mẹ mới có thể cẩn trọng đến từng chi tiết, từng con số nhỏ hiện lên trên màn hình. Chỉ có người mẹ mới có thể nâng niu, nhẹ nhàng trong từng thao tác dành cho bệnh nhi đến như vậy”.

Tại hầu hết các bệnh viện của Việt Nam, bác sĩ sản sẽ làm nhiệm vụ cấp cứu khi trẻ sơ sinh có biểu hiện bất thường về mặt sức khỏe. Tuy nhiên, tại Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, bác sĩ nhi sẽ theo dõi quá trình mang thai, trực tiếp tham gia hành trình vượt cạn của mẹ với sự chuẩn bị cơ sở vật chất đầy đủ. Ngay khi trẻ chào đời, bác sĩ nhi sẽ thăm khám, nếu thấy sự bất thường về mặt sức khỏe, trẻ sinh non tháng, dị tật..., bác sĩ sẽ lập tức chuyển bệnh nhân đặc biệt của mình vào đơn vị Nhi sơ sinh để kịp thời cứu chữa, giảm thiểu tối đa biến chứng về sau.

Việc di chuyển những trẻ vừa lọt lòng mẹ, nhỏ xíu là công việc nguy hiểm, bởi chỉ cần tích tắc không đủ ôxy lên não cũng đã gây nên những thương tổn suốt đời cho em bé. Xuất phát từ thực tế này, bác sĩ nhi nơi đây đã sáng tạo ra những chiếc lồng ấp đặc biệt. Lồng được gắn máy tạo khí - một bộ phận được lấy từ máy thở hỏng; gắn máy hỗ trợ sự thở và pin để vận hành toàn bộ hệ thống - bộ phận lấy ra từ máy vi tính hỏng… Những máy móc này được kết nối lại với nhau để tạo nên chiếc lồng ấp tối ưu nhất, giúp hỗ trợ quá trình thở của trẻ, tận dụng được quãng thời gian “chữa bệnh vàng” khi trẻ mới chào đời.

Bác sĩ Nim Subhedar (Bệnh viện Phụ nữ Liverpool, Anh), tình nguyện tham gia “Chương trình đào tạo bác sĩ trẻ và chống nhiễm khuẩn” và đã làm việc trong 6 tháng cùng đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng nơi đây - rất bất ngờ bởi số lượng bệnh mà đội ngũ bác sĩ, điều dưỡng nơi này cáng đáng. “Với trang thiết bị ít, không hiện đại, số lượng bệnh đông, những người mặc áo blouse trắng nơi đây đang làm việc gấp nhiều lần những bác sĩ tại Anh.

May mắn thay, họ có tình thương thật sự, trách nhiệm từ tâm dành cho các bệnh nhi. Họ không ngại nghiên cứu, so sánh tri thức hiện nay trên thế giới với kiến thức từng được học, họ không ngại bày tỏ những thắc mắc đó để chúng tôi cùng nhau trao đổi, tìm ra phương pháp hiệu quả nhất. Họ hạnh phúc thật sự khi thấy kết quả khả quan ở các bệnh nhi áp dụng phương pháp theo dõi, đánh giá và chữa bệnh mới”.

Đơn vị Nhi sơ sinh cũng là nơi tiên phong trong việc thực hiện liệu pháp “da kề da” hay “mẹ kangaroo” dành cho trẻ sinh thiếu tháng, nhẹ cân. Theo đó, những em bé sinh non, nếu không có bệnh lý nặng sẽ được các bác sĩ cho nằm trong vòng tay, hơi ấm của mẹ. Nhờ tiếp xúc da kề da với mẹ, trẻ được ủ ấm liên tục bằng nhiệt độ cơ thể mẹ, nhịp thở của mẹ kích thích bé thở.

Sự tiếp xúc mẹ - con này còn đem lại tác dụng về mặt tâm lý, tăng khả năng nhận thức, trẻ tiêu hóa thuận lợi hơn, giúp phát triển thể chất tốt hơn. Bên cạnh phương pháp “mẹ kangaroo”, nơi đây còn thực hiện “cha kangaroo” và đang tiến tới cả gia đình cùng tham gia ấp trẻ. Theo bác sĩ Trần Thị Hoàng, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng, đây là cách để các thành viên khác trong gia đình, đặc biệt là người cha hiểu được những nhọc nhằn, vất vả của hành trình ấp con, từ đó tăng sự đồng cảm, gắn kết, cùng san sẻ trách nhiệm nuôi trẻ giữa các thành viên, góp phần giúp mẹ giảm lo lắng, trầm cảm sau sinh.

Với tất cả những biện pháp trên, năm 2014, số bệnh nhân đến với đơn vị Nhi sơ sinh của Bệnh viện Phụ sản-Nhi Đà Nẵng tăng gấp đôi so với năm 2007 (năm 2014 là 4.000 bệnh nhi, năm 2007 là 1.700 bệnh). Tuy nhiên, số lượng trẻ chết sau sinh lại giảm từ 12% xuống còn 2% trong năm 2014. Đơn vị Nhi sơ sinh đã được Vụ Sức khỏe bà mẹ trẻ em (Bộ Y tế) chọn là đơn vị góp phần đào tạo và giám sát chương trình chăm sóc thiết yếu Nhi sơ sinh cho các tỉnh Nam miền Trung.

MAI CHI MAI

;
.
.
.
.
.