.

Chống lấy "quen" để làm sai

Tại Hội nghị bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở phường, xã mới đây, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nói thẳng với những vị lãnh đạo các cấp, các cơ quan, đơn vị rằng: “Sai là phải xử lý. Bất cứ ai sai mà tới gặp các đồng chí, nói có thân với tôi thì các đồng chí mời về giùm. Không nói thì còn tiếp, chứ nói lằng nhằng thì các đồng chí mời về. Không có vấn đề gì cả!”.

Dư luận nhân dân rất đồng tình với phát biểu đó khi Đảng bộ thành phố đang thực hiện “5 xây”, “3 chống” theo tinh thần Chỉ thị 29-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy.

“Thấy người sang bắt quàng làm họ”, câu thành ngữ ám chỉ những người thích khoe khoang mối quan hệ với tầng lớp trên hay người nổi tiếng, đã biến tướng thành nhiều dạng trong xã hội hiện nay nhưng tựu trung vẫn là mối quan hệ có quen lãnh đạo. Điều khiển phương tiện giao thông đường bộ vi phạm luật, bị cảnh sát giao thông dừng xe, xử lý, người ta sử dụng điện thoại để “xin trợ giúp” từ lãnh đạo của người đang thực thi công vụ.

Muốn làm thủ tục hành chính cho nhanh, không theo quy trình đã được quy định bởi văn bản quy phạm pháp luật của cấp có thẩm quyền, người ta sử dụng “thư tay” của lãnh đạo kẹp vào hồ sơ hoặc nhờ lãnh đạo gọi điện “chỉ đạo” làm riêng cho trường hợp này. Khi nạn “chạy trường” vào các trường tiểu học trên địa bàn quận nọ của thành phố chưa bị chặn đứng, Hiệu trưởng các trường này thường nhận được thư tay hoặc điện thoại của lãnh đạo gửi gắm cho trường hợp trái tuyến này, trường hợp trái tuyến kia với lý do hợp lý (?!).

Đội Quy tắc đô thị đang xử lý công trình xây dựng trái phép thì nhận được điện thoại rằng cái đó là của người nhà, người quen lãnh đạo X., hoặc của anh/chị Y. là người thân của lãnh đạo. Thậm chí có công trình xây dựng trái phép trên địa bàn thành phố gây dư luận bức xúc đã bị cơ quan chức năng ban hành quyết định xử phạt hành chính nhưng người vi phạm tìm cách trì hoãn.

Người vi phạm đã bằng mọi cách liên hệ hết lãnh đạo cấp này đến cấp lãnh đạo cao hơn nhằm tìm cách hợp pháp hóa hành vi vi phạm pháp luật của mình. Dư luận báo chí gần đây phanh phui ở một địa phương phía Nam có đường dây bán biểu tượng “xe vua” cho các tài xế xe tải để né sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng.

Trong quá khứ, ở Đà Nẵng cũng có tình trạng tương tự. Một số lái xe tải được bảo kê đã sử dụng ký hiệu một nguyên tố hóa học sơn lên thành xe làm ám hiệu để vô tư chở quá tải, chạy quá tốc độ mà không bị dừng xe, kiểm tra, xử lý...

Việc sử dụng những mối quan hệ kiểu “quen thân” lãnh đạo trong một số trường hợp cụ thể có dấu hiệu tiêu cực đang làm “nhờn” luật pháp, làm suy yếu hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước và làm suy giảm lòng tin của nhân dân.

Trong bài phát biểu bế mạc Đại hội lần thứ XXI Đảng bộ thành phố, Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh nhấn mạnh tinh thần mọi người đều phải thượng tôn pháp luật: “Mỗi cán bộ, đảng viên phải quán triệt sâu sắc rằng không có quyền lực ngoài pháp luật, phải thượng tôn pháp luật và quản lý thành phố bằng pháp luật.

Quan hệ xã hội giữa con người với con người rộng mở; quan hệ cấp trên cấp dưới thật sự dân chủ, thân tình; quan hệ anh em họ hàng thân thiết; quan hệ bạn bè cũ, mới phải trong sáng, quan hệ với doanh nghiệp phải thực sự trên tinh thần giúp đỡ, tạo mọi điều kiện thuận lợi song không vụ lợi, không để tình cảm riêng tư len lỏi vào lĩnh vực pháp luật, không lợi dụng thân quen để làm những điều trái với quy định, trái với pháp luật”.

Cán bộ, đảng viên và nhân dân thành phố mong đợi tinh thần này đi vào cuộc sống gắn với thực hiện một cách nghiêm túc Chỉ thị 29-CT/TU, trong đó có nội dung “chống tiêu cực” được quy định cụ thể: “Cán bộ, công chức, viên chức khi thi hành công vụ tuyệt đối không được có hành vi tiêu cực, tham nhũng, hối lộ, lạm quyền, lợi dụng chức vụ, quyền hạn để vụ lợi, nhũng nhiễu nhân dân; đồng thời không tiếp tay, bao che các hành vi tham nhũng, tiêu cực”; trong đó, dĩ nhiên có việc chống tiếp tay, bao che cho “người quen” làm sai!

ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.