.

Phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm

.

Phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho các sở, ngành, địa phương theo nguyên tắc: có chức phải có quyền, có quyền phải có trách nhiệm; được giao quyền mà làm không được, làm sai thì tự giác phải thôi.

Nếu không, tổ chức cũng buộc phải thôi. Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh khẳng định như vậy tại Hội nghị Thành ủy mở rộng lần thứ 2 vừa qua và trong phiên khai mạc kỳ họp thứ 15 của HĐND thành phố khóa VIII.

Chỉ đạo của Bí thư Thành ủy nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, đề cao vai trò, trách nhiệm của các sở, ngành, quận, huyện, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của đơn vị.

Theo đó, từ năm 2016, thành phố phân bổ vốn ngân sách hằng năm thẳng xuống cho các quận, huyện. Mỗi địa phương trung bình 40 - 50 tỷ đồng để toàn quyền sử dụng theo mục đích, yêu cầu nhiệm vụ chính trị.

Các dự án tùy theo chuyên ngành cũng sẽ được phân về cho các ban quản lý thuộc các sở, ngành và quận, huyện làm chủ đầu tư, thành phố sẽ nới rộng và không quản lý những dự án có tổng vốn đầu tư từ 5 tỷ đồng trở lên.

Theo tinh thần này, Văn phòng UBND thành phố sẽ không còn “ôm” cả chức năng tham mưu vốn dĩ thuộc trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương. Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo Sở Nội vụ chỉ kiểm soát chỉ tiêu biên chế, còn để các đơn vị sự nghiệp chủ động trong tuyển dụng và sử dụng lao động.

Đây là những chỉ đạo mạnh mẽ, quyết liệt của lãnh đạo thành phố trong đổi mới phương thức, lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

Phân cấp, phân quyền rạch ròi, cụ thể nhằm mục đích triệt tiêu hoàn toàn biểu hiện “xin-cho”, đặc biệt là trong phân bổ ngân sách - lĩnh vực dễ nảy sinh tiêu cực.

Như vậy, lãnh đạo các sở, ngành, quận, huyện có thực quyền chủ động điều hành ngân sách trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị; trong triển khai, điều hành dự án, tuyển dụng lao động…

Bên lề kỳ họp thứ 15 của HĐND thành phố, Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu Dương Thành Thị cho hay: Chúng tôi rất mừng khi đón nhận chủ trương phân cấp, phân quyền của Thường trực Thành ủy. Phân cấp sẽ tăng tính chủ động cho địa phương, bớt thủ tục trình văn bản đề xuất lên cấp trên.

Khi quận muốn nâng cấp một con đường bị hỏng, không phải chờ cấp trên duyệt rồi bố trí ngân sách. Phân cấp, phân quyền rõ ràng như vậy cũng đòi hỏi trách nhiệm, năng lực điều hành, quản lý của lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cũng như bộ máy tham mưu của các cơ quan, đơn vị phải nâng lên một bước mới.

Nếu không, sẽ không quản lý được và tất yếu nảy sinh sai phạm, tiêu cực. Thành phố đã phân cấp, phân quyền cho quận, huyện, sở, ngành thì các đơn vị cũng phải phân cấp, phân quyền cho phường, xã, đơn vị trực thuộc. Như vậy, công tác điều hành, quản lý mới đồng bộ, thông suốt.

Phân cấp, phân quyền rõ ràng không có nghĩa các sở, ngành, quận, huyện thoát khỏi sự lãnh đạo, điều hành của UBND thành phố cùng với thực hiện cơ chế kiểm soát, giám sát chặt chẽ.

Một khi đã phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, lãnh đạo thành phố xử lý rất công bằng với lãnh đạo, tập thể các cơ quan, đơn vị. Bí thư Thành ủy Nguyễn Xuân Anh khẳng định: Giao quyền, nhưng nếu ai làm không được, làm sai thì tự khắc phải thôi, để người khác làm, chứ không thể ngồi đó mãi. Nếu không tự giác thôi, tổ chức cũng sẽ buộc phải thôi.

Có chức phải có quyền, nhưng có quyền thì phải có trách nhiệm. Từ đó, chúng ta cũng sẽ có cách đánh giá chính xác hơn về năng lực và phẩm chất của họ, đồng thời quy trách nhiệm khi xảy ra tiêu cực, tham nhũng, bê bối trên lĩnh vực, địa bàn được giao quyền quản lý.

ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.