.

Khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến

.

Người dân nào thực hiện các thủ tục: Đăng ký kinh doanh, cấp chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, xác nhận quy hoạch qua mạng Internet được ưu tiên hơn so với người đi làm thủ tục trực tiếp. Họ được miễn cả lệ phí và phí chuyển kết quả về tận nhà thông qua dịch vụ chuyển phát nhanh SMS của bưu điện. Đây là cách mà UBND huyện Hòa Vang khuyến khích người dân thực hiện dịch vụ công trực tuyến được triển khai từ đầu năm 2016.

Theo ông Ngô Quốc Dũng, Phó Văn phòng UBND huyện, đời sống vật chất, tinh thần của người dân trên địa bàn huyện được cải thiện nhiều, máy vi tính và dịch vụ Internet không còn là điều xa lạ với người dân nông thôn nữa. Đây chính là điều kiện thuận lợi để UBND huyện triển khai áp dụng công nghệ thông tin vào cải cách thủ tục hành chính. Đầu năm 2016, huyện triển khai cung ứng dịch vụ công trực tuyến cấp phép kinh doanh hộ cá thể. Để khuyến khích người dân chủ động tham gia thực hiện dịch vụ này, khi đến bộ phận “một cửa” tại UBND huyện, người dân được thành viên Đội thanh niên tình nguyện hỗ trợ thủ tục hành chính, hướng dẫn thao tác ngay trên các màn hình cảm ứng đặt tại đây để đăng ký tài khoản công dân điện tử và thực hiện các bước khai báo hoàn thành hồ sơ điện tử. Mô hình này ban đầu nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao của người dân bởi tính tiện lợi và ít phải đi lại, gây tốn nhiều thời gian.

Sau khi đăng ký kinh doanh trực tuyến, ông Nguyễn Văn Tiến (ở xã Hòa Phong) nhận được giấy phép kinh doanh tại nhà do nhân viên Bưu điện chuyển đến. “Tôi ở gần UBND huyện, đi lại không mất nhiều thời gian nhưng vẫn thấy thực hiện đăng ký kinh doanh trực tuyến rất tiện lợi cho người dân. Ngồi ở nhà vào mạng Internet, rồi nhận được kết quả ngay tại nhà mình thì thuận lợi quá. Tôi nghĩ sẽ rất tiện cho những người dân ở các xã xa Trung tâm hành chính huyện”, ông Tiến chia sẻ. Sau khi áp dụng thành công việc đăng ký kinh doanh trực tuyến, huyện Hòa Vang tiếp tục triển khai dịch vụ công trực tuyến đối với thủ tục cấp mới và cấp lại chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm, thủ tục xác nhận quy hoạch. Đến nay, đã có 56 hồ sơ của tổ chức, công dân áp dụng đăng ký trực tuyến qua mạng Internet trên các lĩnh vực thủ tục này. UBND huyện xác định song hành với việc đưa vào áp dụng ngày càng nhiều dịch vụ công trực tuyến, phải tổ chức tuyên truyền để người dân biết và chủ động tham gia loại hình dịch vụ này. Hiện nay, cán bộ làm việc tại bộ phận “một cửa” của 11 xã đều được tập huấn về dịch vụ công trực tuyến, sử dụng thành thạo các phần mềm ứng dụng trong dịch vụ công trực tuyến và được giao trách nhiệm hướng dẫn người dân có nhu cầu tham gia thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Một điểm mới khác trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của huyện Hòa Vang năm 2016 là thôi “giao khoán” cho Phòng Nội vụ tham mưu về công tác cải cách hành chính (CCHC). Đầu năm 2016, UBND huyện đã thành lập Tổ tham mưu, giúp việc CCHC (Tổ CCHC) có đại diện của tất cả các phòng, ban chuyên môn trực thuộc UBND huyện để tăng cường tính chủ động và chất lượng tham mưu về CCHC của mỗi phòng, ban chuyên môn. Ngay sau đó, UBND huyện triển khai cho 17 người đứng đầu các phòng, ban chuyên môn và chủ tịch UBND của 11 xã phải ký cam kết thực hiện tốt 9 nội dung CCHC, đăng ký thực hiện các nội dung “3 hơn” trong CCHC và ứng dụng công nghệ thông tin. Đến nay, UBND huyện đã phê duyệt 130 thủ tục hành chính đăng ký giải quyết “nhanh hơn”, 34 giải pháp “thân thiện hơn” và tiếp nhận 14 đề xuất cải tiến thủ tục hành chính theo hướng “hợp lý hơn”. UBND huyện tổ chức đối thoại vào thứ tư hằng tuần để lấy ý kiến tổ chức, công dân tại bộ phận “một cửa” của UBND huyện nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả giải quyết thủ tục hành chính, đề nghị cấp trên sửa đổi, bổ sung thủ tục phù hợp.

Tính đến hết tháng 6, UBND huyện đã giải quyết đúng hẹn và sớm hẹn 99,8% hồ sơ hành chính. Qua khảo sát, có 100% lượt ý kiến của tổ chức, công dân đánh giá hài lòng về chất lượng dịch vụ hành chính công và thái độ phục vụ của cán bộ, công chức tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả.

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.