Hùng "gàn" bơm, vá xe miễn phí

.

ĐNO - Hình ảnh ông Trần Viết Hùng, phường Thanh Khê Đông, quận Thanh Khê, chủ nhân quán sửa xe nằm ngay ngã tư Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập gây cho chúng tôi nhiều thiện cảm bởi dòng chữ: “Học sinh, người tàn tật - miễn phí”...

Điểm bơm, vá xe miễn phí nằm khiêm tốn trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ của ông Trần Viết Hùng. Ảnh: TIỂU YẾN
Điểm bơm, vá xe miễn phí nằm khiêm tốn trên vỉa hè đường Điện Biên Phủ của ông Trần Viết Hùng. Ảnh: TIỂU YẾN

Hầu như giờ nào, ngã tư Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập cũng tấp nập người qua lại. Nhất là giờ tan tầm, học sinh từ Trường THCS Huỳnh Thúc Kháng gần đó tỏa ra đông nghịt. Điểm bơm, vá xe nằm ngay giao lộ này trở thành điểm đến của mấy cô, cậu học trò.

“Chú Hùng ơi, bơm giúp con cái bánh trước với”, “Bơm cho con nữa chú, xe con để ngoài nắng cũng xẹp lép rồi nè”, “Con nữa chú ơi”… Cứ thế, người đàn ông đen nhẻm – chủ quán bơm vá xe – nở nụ cười nhân hậu, kéo dây bơm hết bánh xe này đến bánh xe khác. Tụi nhỏ lí nhí cảm ơn rồi cứ thế đạp xe đi, chẳng thấy đứa nào trả tiền cho chú bơm vá. 

Chuyện ông Trần Viết Hùng hơn 10 năm nay chuyên bơm, vá xe miễn phí cho học sinh, người tàn tật không còn xa lạ với người dân sinh sống quanh khu vực này. Nó càng thêm ý nghĩa khi gia đình ông Hùng cũng chẳng khấm khá gì, thậm chí từng nằm trong danh sách hộ nghèo của địa phương. Nhiều người biết chuyện gọi ông là “Hùng gàn”, “Hùng khùng”, chuyện nhà không lo đi lo chuyện bao đồng nhưng ông chỉ cười, bảo đó là niềm vui không cần phải bỏ tiền ra mua mới có được.

Từ ngày quán sửa xe vỉa hè nằm khiêm tốn ngay ngã tư Điện Biên Phủ - Hà Huy Tập của ông Hùng trưng lên tấm bảng “Bơm vá 325. Honda – Xe đạp. Học sinh, người tàn tật – miễn phí”, người ta thấy thấp thoáng bóng dáng những cô, cậu học trò quần xanh, áo trắng dắt xe đến nhờ vá khi chẳng may không có tiền trong túi.

Người tàn tật, bán vé số cũng tìm đến quán ông như một bến đỗ để uống ly nước trà, nói với nhau đôi điều ba chuyện trong lúc chờ ông sửa giúp chiếc xe. Cứ thế, cuộc sống của người đàn ông nhân hậu này xoay vòng bên quán sửa xe sau khoảng thời gian phụ vợ bán bánh mỳ vào mỗi buổi sáng.

Những lúc rãnh tay, ông Hùng thanh thản ngồi nhìn dòng người ngược xuôi trên phố.
Những lúc rảnh tay, ông Hùng thanh thản ngồi nhìn dòng người ngược xuôi trên phố. Ảnh: TIỂU YẾN

“Mấy đứa học sinh nớ cũng như con mình, ba mẹ cho mấy đồng ăn sáng nên lỡ hư xe phải dắt bộ về nhà vì không có tiền. Lúc đầu thấy đứa nào dắt xe đi ngang qua thì tôi ra ngoắt vào, nói chú làm không lấy tiền công vậy mà có đứa lí nhí “cháu định vào nhờ chú làm rồi mai mốt cháu xin tiền mẹ mang ra trả chú sau”.
Nghe tụi nhỏ nói vậy ai không thương. Còn người tàn tật, vất vả kiếm đồng tiền từ việc bán vé số, mình không có tiền mua giúp họ thì thôi chớ ai nỡ lấy tiền công của họ”, ông Hùng cho hay.

Nhiều khuya vừa về đến nhà, chưa kịp đặt lưng xuống giường, ông Hùng lại nhận được cuộc điện thoại của ai đó chẳng may bể lốp hay xẹp bánh giữa đường, tha thiết nhờ ông đến giúp. Chẳng bao giờ ông Hùng từ chối những cuộc điện thoại như thế, kể cả khi ngoài trời đang mưa gió bời bời. Bởi trong suy nghĩ của người đàn ông này, họ đến với mình hoặc gọi cho mình nghĩa là họ thật sự cần mình, nếu không giúp được gì đó, ông sẽ rất áy náy và không thể ngủ yên.

Biết ông Hùng làm nghề sửa xe, gia cảnh lại khó khăn, có người từng bỏ nhỏ vào tai, khuyên ông muốn có khách thì mỗi ngày rải vài cây đinh trên đường khiến nhiều xe bị thủng săm, tha hồ vá. Mỗi khi như thế, ông gạt ngay: “Làm vậy thất đức lắm, lỡ chẳng may có người bị thủng săm bất ngờ, không xử lý kịp sẽ xảy ra tai nạn chết người, nhất là trên tuyến đường Điện Biên Phủ luôn đông người qua lại như thế này”.

Sự lương thiện và tấm lòng nhân ái khiến cuộc sống của Hùng cứ bình dị trôi qua trong niềm vui được chia sẻ và giúp đỡ người khác. Và chỉ có ông mới hiểu rõ việc mình làm, sống tử tế với mọi người mà không cần ai mang ơn, không cần ai nhớ đến.

Hầu hết những con người chọn cách sống “cho đi” là những người từng thấu trải nhiều nhọc nhằn trong cuộc sống, nên đã luôn mở lòng, luôn sẵn sàng tiếp sức cho hoàn cảnh khó khăn, vất vả hơn mình.
Nhiều người Đà Nẵng chia sẻ rằng họ rất tự hào về thành phố sau khi đọc hoặc nghe những nhận xét chân thành từ bạn bè gần xa. Còn với tôi, sau những câu chuyện ấy lại càng yêu những ca từ ngọt ngào “có hiểu được lòng nhau mới tới bờ tới bến. Có hiểu được lòng nhau mới thấu hết nghĩa tình”. Bởi khi ở một nơi đong đầy nghĩa tình như thế, mỗi người sẽ tìm thấy niềm vui, hạnh phúc cũng như ý nghĩa cuộc sống cho riêng mình.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.