Nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và nhân dân trong triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), Ban Chỉ đạo Thành ủy về PCTNTC giao Ban Tuyên giáo Thành ủy chủ trì, phối hợp Ban Nội chính Thành ủy và các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức, biên soạn tập “Hỏi - Đáp về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Tập tài liệu đã chọn lọc những nội dung trọng tâm và những điểm mới trong các văn bản chỉ đạo của Đảng, pháp luật của Nhà nước, thành phố về công tác PCTNTC; được biên soạn cô đọng, ngắn gọn, khái quát dưới dạng các câu hỏi - đáp, nhằm phục vụ công tác tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn thành phố.
Câu 1. Tham nhũng là gì
Trả lời:
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 3, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 (Luật PCTN) thì tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. Như vậy có thể nhận diện hành vi tham nhũng có 3 yếu tố cấu thành: (1) là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn; (2) lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để nhũng nhiễu, tham ô, nhận hối lộ hay cố ý làm trái chính sách pháp luật, các quy định của Nhà nước, của cơ quan, tổ chức, đơn vị; (3) vì động cơ vụ lợi.
Câu 2. Những hành vi nào được pháp luật quy định là hành vi tham nhũng?
Trả lời:
Điều 2 Luật PCTN quy định các hành vi tham nhũng trong khu vực Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị khu vực Nhà nước thực hiện, bao gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lạm quyền trong khi thi hành nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi; giả mạo trong công tác vì vụ lợi; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc địa phương vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn sử dụng trái phép tài sản công vì vụ lợi; nhũng nhiễu vì vụ lợi; không thực hiện, thực hiện không đúng hoặc không đầy đủ nhiệm vụ, công vụ vì vụ lợi; lợi dụng chức vụ, quyền hạn để bao che cho người có hành vi vi phạm pháp luật vì vụ lợi; cản trở, can thiệp trái pháp luật vào việc giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án vì vụ lợi.
Các hành vi tham nhũng trong khu vực ngoài Nhà nước do người có chức vụ, quyền hạn trong doanh nghiệp, tổ chức khu vực ngoài Nhà nước thực hiện, bao gồm: tham ô tài sản; nhận hối lộ; đưa hối lộ, môi giới hối lộ để giải quyết công việc của doanh nghiệp, tổ chức mình vì vụ lợi.
Câu 3. Tiêu cực là gì?
Trả lời:
Tiêu cực là khái niệm được dùng để chỉ những hiện tượng không lành mạnh có tác dụng phủ định, cản trở đối với quá trình phát triển. Tiêu cực có thể hiểu là ứng xử không lành mạnh, có tác dụng không tốt, gây trở ngại đến quá trình phát triển của cá nhân, xã hội. Tiêu cực biểu hiện dưới dạng không hành động như suy nghĩ không tích cực, thụ động không đấu tranh để bảo vệ cái đúng, cái chính nghĩa. Tiêu cực biểu hiện dưới dạng hành động là các xử sự biểu hiện ra bên ngoài đi ngược lại các giá trị tốt đẹp, các chuẩn mực đạo đức chung của cộng đồng, vi phạm pháp luật, xâm hại đến lợi ích của Nhà nước, tổ chức và cá nhân.
Câu 4. Thế nào là vụ án tiêu cực?
Trả lời:
Vụ án tiêu cực là vụ án hình sự (ngoài vụ án tham nhũng) do cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện, liên quan đến hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức(1), cử tri quan tâm, phản ánh; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội kiến nghị xử lý.
Câu 5. Vụ việc tiêu cực là gì?
Trả lời:
Vụ việc tiêu cực là vụ việc do cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức thực hiện (ngoài vụ việc tham nhũng), liên quan đến các hành vi tiêu cực của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa có quyết định khởi tố vụ án hình sự của cơ quan có thẩm quyền(2).
(1), (2) Hướng dẫn số 25-HD/BCĐTW ngày 1-8-2022 của Ban Chỉ đạo Trung ương hướng dẫn một số nội dung về công tác phòng, chống tiêu cực.