Những mô hình tạo sự hài lòng cho nhân dân

.

Các ý kiến, kiến nghị hay những vướng mắc của nhân dân về thủ tục hành chính (TTHC) hoặc các vấn đề cử tri bức xúc về môi trường, trật tự đô thị… đều được giải quyết và tháo gỡ kịp thời thông qua mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động” đang được triển khai rộng rãi ở các phường, xã. Đây là mô hình “Dân vận khéo” được Ban Dân vận Thành ủy lựa chọn để nhân rộng.

"Tổ hỗ trợ công dân lưu động" của UBND phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê) trực tiếp hướng dẫn người dân về các TTHC. Ảnh: T.P

Với mong muốn xử lý kịp thời các kiến nghị của công dân liên quan đến đất đai, môi trường, trật tự xây dựng, di dời giải tỏa… và xây dựng hình ảnh chính quyền thân thiện với người dân, UBND phường Thạch Thang (quận Hải Châu) triển khai mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động”.

 Phó Chủ tịch UBND phường Nguyễn Chí Lý cho biết, mô hình ra mắt tháng 5-2023. Tổ có 6 thành viên gồm lãnh đạo phường, công chức lĩnh vực tư pháp - hộ tịch, văn hóa - xã hội, địa chính - xây dựng - đất đai và môi trường, văn phòng - thống kê. Điểm sáng trong mô hình này là ứng dụng mạng xã hội với kênh zalo của phường “KDC phường Thạch Thang” để nắm bắt những kiến nghị của người dân ở các khu dân cư (KDC).

 Ngoài ra, người dân có thể gửi ý kiến, kiến nghị thông qua “Tổ thông tin phản ánh của Ủy ban MTTQ Việt Nam phường” hoặc phản ánh trực tiếp đến các hội, đoàn thể của phường. “Từ những kênh thông tin đó, chúng tôi tổng hợp và phân loại thông tin theo từng lĩnh vực. Những ý kiến, kiến nghị hay các thắc mắc về TTHC của nhân dân rơi vào lĩnh vực nào, chúng tôi sẽ cử cán bộ lĩnh vực đó xuống trực tiếp KDC giải quyết cho người dân.

Từ 15-8 đến nay thông qua kênh zalo của phường, tổ đã giải quyết hơn 10 trường hợp liên quan đến đất đai, môi trường, trật tự xây dựng… Tính ưu việt của mô hình này là nắm bắt kịp thời, giải quyết trong ngày các vướng mắc cho dân nên hầu như người dân đều đồng thuận ủng hộ. Qua đó, góp phần thực hiện tốt công tác dân vận chính quyền nhất là trong điều kiện thí điểm thực hiện chính quyền đô thị”, ông Lý chia sẻ.

Tại UBND phường Thanh Khê Đông (quận Thanh Khê), mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động” được tổ chức gắn với mô hình “Chính quyền thân thiện với nhân dân”. Chủ tịch UBND phường Phạm Thành Nam cho biết, mô hình thực hiện từ tháng 5-2023 tại các nhà sinh hoạt cộng đồng của các KDC.

3 tháng qua, đều đặn vào thứ bảy, tổ hỗ trợ công dân lưu động gồm lãnh đạo phường, hai cán bộ ở bộ phận “Một cửa”, công an và đoàn viên thanh niên… trực tiếp xuống KDC để hỗ trợ, giải quyết và tháo gỡ các thắc mắc hay khó khăn của người dân.

 Ông Võ Anh Sơn (KDC Xuân Hòa 1) niềm nở chia sẻ: “Chúng tôi phấn khởi lắm vì đây là lần đầu tiên người dân được bày tỏ nguyện vọng, ý kiến trực tiếp của mình đến chính quyền. Hơn nữa, người dân được cán bộ hướng dẫn trực tiếp cách đăng ký tài khoản công dân điện tử, nộp hồ sơ trực tuyến… Từ đó, tiết kiệm thời gian đi lại nên ai cũng hoan nghênh cách làm này”.

Theo ông Phạm Thành Nam, mô hình bước đầu mang đến những kết quả tích cực. Cụ thể, hướng dẫn hơn 1.000 lượt công dân tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong quy định TTHC thuộc các lĩnh vực hộ tịch, nhà ở, bảo trợ xã hội, người có công, người nghèo…

Đồng thời, hướng dẫn và thực hiện cài đặt cho 7.046 trường hợp công dân đủ điều kiện được cấp tài khoản định danh điện tử mức 2. Qua những buổi hỗ trợ, tổ đã tuyên truyền mã QR của phường đến từng công dân để công dân cập nhật các thông tin hoạt động của phường hoặc lấy biểu mẫu thực hiện các TTHC nếu cần.

“Người dân thẳng thắn trình bày những khó khăn đang gặp phải. Nhờ vậy, chúng tôi nhanh chóng nắm bắt được vấn đề cần hỗ trợ và giải quyết. Việc làm này đã tạo nên sự thuận lợi cho chính quyền, sự hưởng ứng, tin tưởng của người dân đối với chính quyền địa phương”, ông Nam nói.

Tương tự, tại UBND phường An Khê (quận Thanh Khê) cũng triển khai mô hình “Tổ hỗ trợ công dân lưu động” tại KDC 3 Đông Xuân. Điểm khác biệt là mô hình này do chính cán bộ KDC trực tiếp thực hiện.

 Thành viên trong tổ gồm các chi hội trưởng của các chi hội đoàn thể chính trị - xã hội, đảng viên chi bộ tại KDC. Phó Chủ tịch UBND Trần Văn Khánh cho rằng, những thành viên trong tổ chính là cánh tay nối dài của UBND phường giúp UBND phường hỗ trợ, giải quyết tận gốc những kiến nghị của công dân về các vấn đề nảy sinh ở KDC. Để tổ hỗ trợ công dân lưu động thực hiện tốt nhiệm vụ, UBND phường đã tập huấn cho các thành viên về công tác giải quyết đơn thư, khiếu nại; công tác chuyển đổi số liên quan đến cải cách hành chính và các TTHC; công tác dân vận khéo…

Bí thư Chi bộ KDC 3 Đông Xuân Nguyễn Văn Tuấn cho biết, tổ hỗ trợ công dân lưu động tại KDC hoạt động xuyên suốt các buổi tối trong tuần với tinh thần “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người”.

Tại KDC có hộ bà Lê Thị Tập (SN 1944, trú tổ 58) sinh sống lâu năm tại địa phương nhưng chưa có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Qua tìm hiểu, tổ hỗ trợ công dân lưu động đã hướng dẫn các thủ tục ban đầu cho bà Tập và phối hợp với chính quyền để giải quyết cho trường hợp này.

Bên cạnh việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tổ hỗ trợ công dân lưu động còn thông tin, tuyên truyền sâu rộng các chủ trương, chính sách của Trung ương, thành phố, quận, phường đến mỗi gia đình.

THANH PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.