Quy định cụ thể mức chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở

.

Theo chương trình Kỳ họp thứ 6, ngày 27-10, Quốc hội bước sang ngày làm việc thứ 5, xem xét, cho ý kiến nhiều nội dung quan trọng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Hoàng Ngọc Định phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Giang Hoàng Ngọc Định phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Trong phiên họp sáng, các đại biểu Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở. Nhiều ý kiến đề nghị cần đảm bảo cơ cấu tổ chức, cơ chế, chính sách để phát huy vai trò của lực lượng này như một “cánh tay nối dài” của lực lượng công an xã ở địa phương.

Về chế độ bồi dưỡng, hỗ trợ, một số đại biểu đề nghị quy định chế độ, chính sách cho lực lượng này theo nhiệm vụ được giao và chỉ hỗ trợ khi được huy động thực hiện nhiệm vụ chứ không hỗ trợ thường xuyên hằng tháng.

Đại biểu Hoàng Ngọc Định (Hà Giang) cho rằng, các nhiệm vụ chi phục vụ hoạt động của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở nhiều, trong khi nhu cầu kinh phí thực hiện chính sách về phát triển kinh tế - xã hội và các nhiệm vụ khác của địa phương hằng năm rất lớn nên vượt quá khả năng cân đối ngân sách, đặc biệt là đối với những địa phương còn khó khăn, ngân sách chủ yếu phụ thuộc vào Trung ương.

Trong khi đó, chính sách do Trung ương đã ban hành và được ban hành mới trong thời kỳ ổn định ngân sách 2022 - 2025 chưa được tính trong định mức phân bổ chi thường xuyên ngân sách nhà nước. Do vậy, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét bổ sung quy định về cơ chế hỗ trợ, các địa phương khó khăn về ngân sách, không cân đối được ngân sách để bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng này.

Đại biểu cũng cho rằng, quy định như dự thảo Luật sẽ tạo sự không công bằng về chế độ giữa các địa phương do các tỉnh có điều kiện tự cân đối ngân sách sẽ có khả năng kinh phí để quy định mức chi cao hơn các địa phương khác có điều kiện khó khăn hơn trong khi nhiệm vụ của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở của các địa phương là giống nhau về bản chất.

Do đó, đại biểu đề nghị Quốc hội xem xét, sửa đổi theo hướng quy định cụ thể mức chi hỗ trợ cho lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở hoặc có thể chia theo mức hỗ trợ của các vùng, miền gắn với điều kiện tự nhiên, điều kiện kinh tế - xã hội và an ninh trật tự của các địa bàn.

Một số ý kiến thảo luận cũng đề nghị quy định rõ tiêu chuẩn, trong đó cần có trần độ tuổi lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở để đảm bảo sức khỏe, hiệu quả công việc của lực lượng này.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Tạ Thị Yên phát biểu ý kiến. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Đại biểu Quốc hội tỉnh Điện Biên Tạ Thị Yên phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN

Trong phiên họp chiều 27-10, Quốc hội thảo luận tại tổ về: Việc điều chỉnh một số nội dung của Nghị quyết 53/2017/QH14 ngày 24-11-2017 của Quốc hội về Báo cáo nghiên cứu khả thi Dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Theo Nghị quyết số 53/2017/QH14 của Quốc hội, "việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được triển khai một lần và hoàn thành trước năm 2021". Tại Tờ trình, Chính phủ kiến nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện Dự án "đến hết năm 2024".

Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) chỉ rõ, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần đích thân đến tận công trình để chỉ đạo, đôn đốc, giải quyết khó khăn nhưng tiến độ triển khai dự án vẫn rất chậm. Đó là vấn đề lớn liên quan đến hiệu lực, hiệu quả điều hành, quản lý Nhà nước. Do đó, cần làm rõ trách nhiệm khi dự án triển khai chậm tiến độ.

Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần chủ động và kịp thời báo cáo Quốc hội khi quá trình triển khai dự án có khả năng không bảo đảm tiến độ và một số chỉ tiêu được nêu tại Nghị quyết của Quốc hội cần phải điều chỉnh để bảo đảm không phát sinh thêm thủ tục, gây lãng phí thời gian và nguồn lực thực hiện Dự án. Bên cạnh đó, cần đánh giá nguyên nhân khách quan và chủ quan, rút kinh nghiệm qua triển khai khi để chậm tiến độ dự án.

Về dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết nhằm bảo đảm thực hiện thành công chủ trương của Đảng về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đường bộ hiện đại, đổi mới mạnh mẽ phân cấp, phân quyền, ủy quyền và nâng cao hiệu quả phối hợp trong công tác chỉ đạo, điều hành, thu hút tối đa nguồn lực đầu tư.

Liên quan đến cơ chế đặc thù trong khai thác mỏ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường (Điều 7), đại biểu Nguyễn Hữu Toàn (Lai Châu) cơ bản tán thành với đề xuất này nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và đẩy nhanh tiến độ thi công của một số dự án giao thông. Tuy nhiên, ngoài các nhà thầu, Chính phủ đề xuất bổ sung đối tượng áp dụng cơ chế này cho các nhà đầu tư. Đại biểu đề nghị làm rõ sự cần thiết áp dụng cơ chế này đối với các nhà đầu tư thực hiện dự án.

Dự thảo Nghị quyết quy định: Nhà đầu tư, nhà thầu thi công có trách nhiệm thực hiện đánh giá tác động môi trường; thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo, phục hồi môi trường theo quy định của pháp luật...

Theo đại biểu Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên - Huế), quy định như vậy là chưa đủ. Thực tiễn cho thấy, việc khai thác khoáng sản tại một số địa phương đã để lại nhiều hậu quả, gây dư luận không tốt trong xã hội, các đơn vị không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ như đã cam kết. Vì vậy, dự thảo Nghị quyết cần quy định chặt chẽ hơn. Ngoài quy định về đánh giá tác động môi trường, thực hiện các nghĩa vụ bảo vệ, cải tạo môi trường... thì phải có chế tài xử lý đối nhà đầu tư, nhà thầu thi công không thực hiện như cam kết để ràng buộc trách nhiệm của các đơn vị này.

Theo TTXVN

;
;
.
.
.
.
.