Thu hút và trọng dụng nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển

.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu rõ mục tiêu đến năm 2030, Đà Nẵng sẽ trở thành một trung tâm kinh tế - xã hội lớn, trung tâm tài chính, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Do đó, thu hút nhân tài, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài, mà Đại hội Đảng bộ thành phố Đà Nẵng lần thứ XXII đã xác định: nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển thành phố nhanh và bền vững.

Trao bằng tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) trong tháng 9-2023. Ảnh: HOÀNG NHUNG
Trao bằng tốt nghiệp thạc sĩ tại Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng) trong tháng 9-2023. Ảnh: HOÀNG NHUNG

Trẻ hóa, nâng cao năng lực đội ngũ công vụ

Tùy từng giai đoạn, thành phố đã có những điều chỉnh chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu nhân lực của thành phố cho từng đối tượng thu hút. Qua đó, đã bổ sung một lực lượng cán bộ trẻ, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cao, đủ năng lực và tinh thần trách nhiệm cho nền công vụ thành phố. Từ năm 2019, thành phố Đà Nẵng thực hiện chính sách thu hút nhân tài theo hai hình thức là thu hút nhân tài đến làm việc lâu dài và thu hút nhân lực đến làm việc ngắn hạn hoặc bán thời gian tại các cơ quan, đơn vị.

Việc thực hiện chính sách thu hút và đào tạo, bồi dưỡng đã giúp cho Đà Nẵng có đội ngũ nhân lực được đào tạo bài bản, chính quy từ các cơ sở đào tạo uy tín trong nước và nước ngoài; góp phần trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; bổ sung nguồn nhân lực có khả năng tiếp cận nhanh kiến thức khoa học, công nghệ hiện đại, trình độ quản lý tiên tiến, năng động, có tư duy đổi mới, ý tưởng sáng tạo.

Theo một lãnh đạo của Sở Khoa học và Công nghệ, nhân lực đào tạo ở nước ngoài đã thể hiện sự năng động, tự tin trong hoạt động công vụ, kỹ năng tiếp cận và giải quyết công việc tốt, có tư duy sáng tạo, ý thức kỷ luật tốt; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ, nghề nghiệp để hoàn thành công việc được giao. Một số người đã có những đóng góp tích cực, nổi trội trong công tác bằng sản phẩm cụ thể.

Từ năm 2018 đến nay, thành phố đã tổ chức 14 khóa bồi dưỡng ngắn hạn, gồm 8 khóa trong nước và 6 khóa tại nước ngoài, tập trung chủ yếu vào lĩnh vực y tế, với hơn 300 lượt học viên tham gia. Để tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, từ năm 2004 đến nay, UBND thành phố cử 613 người (650 lượt) đi học, trong đó 155 học viên đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú; 338 học viên bậc đại học; 120 học viên bậc sau đại học. Tính đến cuối tháng 2-2023, đã có 374 học viên tốt nghiệp, trong đó có 317 học viên đang thực hiện nghĩa vụ làm việc cho thành phố. 

Thu hút người tài năng cho một số lĩnh vực

Để đạt được mục tiêu “đến năm 2030, xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm kinh tế - xã hội lớn của cả nước và khu vực; với vai trò là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ...” theo Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngày 19-7-2022, UBND thành phố ban hành Đề án số 3919/ĐA-UBND về “Đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ và thu hút, trọng dụng người tài năng để phát triển nhân lực khu vực công đến năm 2030”.

Công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao đã góp phần vào việc cải thiện chất lượng nguồn nhân lực thành phố, hướng tới mục tiêu đào tạo cán bộ quản lý và chuyên gia, nâng cao chất lượng môi trường làm việc, đóng góp chung vào phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Tuy nhiên, nguồn nhân lực đến từ việc thu hút gặp nhiều khó khăn do chưa thu hút được người có chuyên môn cao, chuyên gia đầu ngành, thiếu đội ngũ cán bộ khoa học kỹ thuật, cán bộ quản lý có trình độ chuyên môn cao, chuyên gia giỏi ở lĩnh vực mũi nhọn.

Trên cơ sở Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 31-7-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về thu hút, trọng dụng nhân tài đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, thời gian đến, thành phố chú trọng đẩy mạnh thu hút chuyên gia đầu ngành để tham gia các dự án hoặc nhiệm vụ các lĩnh vực mũi nhọn. Công tác thu hút người đến làm việc lâu dài được thực hiện cẩn trọng, chọn người có năng lực, kinh nghiệm.

Theo đó, trong quy định chính sách phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao khu vực công, thành phố điều chỉnh các quy định về đối tượng, chính sách ưu đãi đối với chuyên gia, nhà khoa học, người có tài năng đặc biệt đến làm việc tại thành phố. Đó là sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ; thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành liên quan trực tiếp đến các lĩnh vực thu hút; công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý có tài năng trong hoạt động công vụ, có tầm nhìn chiến lược dài hạn, có trình độ chuyên môn vượt trội, có những đóng góp, sáng kiến mang tính thực tiễn với tầm ảnh hưởng tích cực đến đơn vị và cộng đồng…

Ngoài ra, những người có tài năng, năng khiếu đặc biệt trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật, thể thao thuộc lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn, vận động viên, huấn luyện viên giỏi cũng thuộc đối tượng thu hút trong thời gian đến. Qua đó, tập trung thu hút chuyên gia, nhà khoa học đến làm việc ngắn hạn, bán thời gian hoặc theo hình thức thuê khoán công việc, sản phẩm để phục vụ các chương trình, dự án lớn của thành phố trên các lĩnh vực mũi nhọn như: du lịch và dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo, khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông gắn với nền kinh tế số; nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp; công nghệ tài chính; xây dựng và đô thị; tài nguyên và môi trường.

HOÀNG NHUNG

;
;
.
.
.
.
.