Thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản; tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử; tiếp tục triển khai thí điểm Mobile - Money đến hết năm 2024;... là những thông tin chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ nổi bật tuần từ 20 đến 24-11-2023.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản, kịp thời hướng dẫn các vướng mắc. |
Thủ tướng chỉ đạo thực hiện quyết liệt các giải pháp thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện 1177/CĐ-TTg ngày 23-11-2023 về việc tiếp tục thực hiện quyết liệt các giải pháp tăng cường khả năng tiếp cận vốn tín dụng, thúc đẩy phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản hiệu quả, an toàn, lành mạnh, bền vững.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục triển khai mạnh mẽ điều hành chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, chặt chẽ, hài hòa với chính sách tiền tệ để thúc đẩy đầu tư, nhất là đầu tư ngoài nhà nước, đẩy mạnh đầu tư công phục vụ tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, thúc đẩy phục hồi và khôi phục hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, người dân.
Khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng, cụ thể khả năng thanh toán, chi trả của các tổ chức phát hành trái phiếu doanh nghiệp, nhất là các trái phiếu đến hạn thanh toán trong cuối năm 2023 và năm 2024; chủ động xây dựng kịch bản, đánh giá tác động và có phương án, biện pháp cụ thể, hiệu quả xử lý theo thẩm quyền, góp phần bảo đảm an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ; không để bị động, bất ngờ và tiêu cực đến phát triển nhanh, bền vững của nền kinh tế.
Theo dõi sát, đánh giá chính xác khả năng, phương án thanh toán của doanh nghiệp phát hành, nhất là các doanh nghiệp còn khó khăn và có thể có rủi ro về khả năng trả nợ để chủ động có biện pháp, giải pháp phù hợp theo thẩm quyền nhằm ổn định thị trường, yêu cầu doanh nghiệp ưu tiên nguồn lực thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư, các chủ thể liên quan và an toàn, an ninh thị trường tài chính, tiền tệ theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan chủ động đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền cho các địa phương trong giải quyết các thủ tục hành chính, hướng dẫn các địa phương nâng cao nghiệp vụ, cắt giảm tối đa thời gian xử lý, đẩy nhanh tiến độ giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản, nhất là các thủ tục lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch xây dựng, quy hoạch đô thị, thủ tục thẩm định hồ sơ thiết kế, thủ tục kiểm tra công tác nghiệm thu. Chủ động tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và có giải pháp kịp thời, hiệu quả tháo gỡ khó khăn, vượt qua thách thức của thị trường bất động sản.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến dự án bất động sản, kịp thời hướng dẫn các vướng mắc và kiên quyết xử lý các trường hợp gây khó khăn, phiền hà, xử lý lòng vòng gây chậm trễ trong giải quyết các thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp...
Thủ tướng yêu cầu tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 1123/CĐ-TTg ngày 18-11-2023 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tăng cường quản lý, sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần đẩy mạnh công tác chuyển đổi số.
Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, khẩn trương phối hợp với các Bộ, cơ quan khẩn trương hoàn thiện, nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin đối với hóa đơn điện tử, đảm bảo đáp ứng yêu cầu tiếp nhận dữ liệu hóa đơn điện tử trên cả nước được thông suốt, thuận lợi.
Xây dựng trung tâm cơ sở dữ liệu lớn về hóa đơn điện tử; áp dụng công nghệ hiện đại, nghiên cứu các giải pháp, công cụ quản lý, phân tích dữ liệu phù hợp để quản lý rủi ro, kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi giả mạo, gian lận về hóa đơn điện tử, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý thuế.
Chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương triển khai ngay các giải pháp phù hợp, khả thi, hiệu quả để giám sát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc phát hành và sử dụng hóa đơn điện tử, đặc biệt là trong việc lập hóa đơn điện tử tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu cho các khách hàng theo từng lần bán hàng, bảo đảm đúng quy định pháp luật, xử lý nghiêm nếu không thực hiện hoặc cố tình không thực hiện.
Tiếp tục triển khai thí điểm Mobile - Money đến hết năm 2024
Chính phủ ban hành Nghị quyết 192/NQ-CP về việc gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ.
Cụ thể, Chính phủ quyết nghị gia hạn thời gian thực hiện thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ (Mobile-Money) tại Quyết định số 316/QĐ- TTg ngày 9-3-2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt triển khai thí điểm Mobile-Money như sau: "Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận triển khai thí điểm dùng tài khoản viễn thông thanh toán cho các hàng hóa, dịch vụ có giá trị nhỏ được thực hiện thí điểm đến hết ngày 31-12-2024".
Dừng chính sách tín dụng với HSSV hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính học trực tuyến
Ngày 20-11-2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 195/NQ-CP về việc dừng chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến tại Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 4-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, Chính phủ phê duyệt chủ trương dừng chương trình tín dụng đối với học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến tại Quyết định số 09/2022/QĐ-TTg ngày 4-4-2022 của Thủ tướng Chính phủ.
Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký Quyết định 1474/QĐ-TTg ngày 23-11-2023 ban hành Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Danh mục dịch vụ sự nghiệp công sử dụng Quỹ bảo hiểm thất nghiệp gồm:
1- Nhóm dịch vụ tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 54 Luật Việc làm: Dịch vụ tư vấn; Dịch vụ giới thiệu việc làm.
2- Nhóm dịch vụ giải quyết hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động: Dịch vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động: Dịch vụ trả kết quả hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động.
3- Nhóm dịch vụ giải quyết trợ cấp thất nghiệp: Dịch vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp: Dịch vụ thông báo về việc tìm kiếm việc làm: Dịch vụ tạm dừng hưởng trợ cấp thất nghiệp: Dịch vụ tiếp tục hưởng trợ cấp thất nghiệp: Dịch vụ chấm dứt hưởng trợ cấp thất nghiệp: Dịch vụ chuyển và tiếp nhận chuyển nơi hưởng trợ cấp thất nghiệp.
4- Dịch vụ tiếp nhận và giải quyết hồ sơ đề nghị hỗ trợ học nghề.
Phê duyệt Quy hoạch 3 tỉnh
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ký các Quyết định: 1399/QĐ-TTg, 1456/QĐ-TTg, Quyết định 1486/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Bến Tre, tỉnh Quảng Ngãi, tỉnh Cao Bằng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo đó, phấn đấu đến năm 2030, Bến Tre trở thành tỉnh phát triển khá của cả nước; có hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ; tập trung phát triển kinh tế biển; công nghiệp chế biến, chế tạo và năng lượng mới gắn bảo vệ môi trường, sinh thái và thích ứng với biến đổi khí hậu; có đô thị hiện đại, nông thôn giàu bản sắc, du lịch thân thiện; quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; người dân có cuộc sống văn minh, ấm no, hạnh phúc.
Quy hoạch phấn đấu đến năm 2030 Cao Bằng trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững và toàn diện, đạt trình độ phát triển thuộc nhóm trung bình của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ; hệ thống kết cấu hạ tầng được cải thiện, nhất là giao thông liên kết nội tỉnh và liên tỉnh; công nghiệp chế biến và khai thác khoáng sản có bước phát triển mới;
Quảng Ngãi phấn đấu là tỉnh phát triển khá của cả nước, có thu nhập bình quân đầu người ít nhất bằng mức bình quân của cả nước. Nâng cao tính tự chủ và khả năng thích ứng với những biến động của nền kinh tế. Tập trung phát triển kinh tế số, kinh tế xanh và kinh tế tuần hoàn.
Theo Chinhphu.vn