Chủ tịch nước trao đổi chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ

.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển tốt đẹp như ngày nay; từ cựu thù trở thành Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Trong chương trình tham dự Tuần lễ Cấp cao Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2023 và kết hợp hoạt động song phương tại Hoa Kỳ, sáng 15-11 theo giờ địa phương, tức rạng sáng 16-11, theo giờ Việt Nam, tại thành phố San Francisco, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã dự buổi trao đổi chính sách tại Hội đồng quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ (CFR).

Đây là tổ chức tham vấn, nghiên cứu độc lập về chính sách đối ngoại và quan hệ quốc tế của Hoa Kỳ với sự góp mặt của nhiều cựu chính trị gia, nhà nghiên cứu tên tuổi tham gia phân tích sâu về các vấn đề quốc tế và tham vấn chính sách đối ngoại.

Sự kiện có sự tham dự của ông Michael Froman, Chủ tịch CRF và nhiều chuyên gia, học giả, cùng một số cơ quan báo chí tại Hoa Kỳ.

Cuộc trao đổi được điều hành bởi ông Scott Marciel, một diễn giả uy tín, nghiên cứu viên Oksenberg-Rohlen tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Freeman Spogli của Đại học Stanford, ông từng đảm trách nhiều chức vụ trong ngành ngoại giao Hoa Kỳ, phụ trách khu vực Đông Nam Á; từng là nhà ngoại giao Hoa Kỳ đầu tiên làm việc tại Hà Nội sau chiến tranh.

Phát biểu đề dẫn, Chủ tịch CFR Michael Froman nhấn mạnh đến sự phát triển ấn tượng của kinh tế Việt Nam, đặc biệt là vai trò ngày càng lớn của hợp tác kinh tế Việt Nam-Hoa Kỳ khi thương mại hàng hóa song phương tăng lên 139 tỷ USD - gấp hơn 300 lần so với năm 1995.

Năm ngoái, Việt Nam đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ tám của Hoa Kỳ.

Đánh giá cao vai trò của Việt Nam trong khu vực, ông Michael Froman cho rằng, các sáng kiến kinh tế trong khu vực cũng được tăng cường nhờ sự tham gia của Việt Nam. Điều này có được là có phần nhờ vào cơ chế chính sách đặc biệt của Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và hiệu quả của Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đề cập đến việc hai nước nâng tầm quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện; đồng thời tăng cường hợp tác phát triển chuỗi cung ứng chất bán dẫn, cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số, khoa học và công nghệ, chống biến đổi khí hậu, giao lưu nhân dân, khắc phục hậu quả chiến tranh, ông Michael Froman cho rằng đây là những tín hiệu mạnh mẽ thúc đẩy quan hệ song phương.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ. (Ảnh: Thống Nhất /TTXVN)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng phát biểu tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ. (Ảnh: Thống Nhất /TTXVN)

Phát biểu trước các học giả Hoa Kỳ, giới thiệu những nét chính về tình hình Việt Nam, Chủ tịch nước nêu rõ, qua gần 40 năm Đổi mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh,” Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Kinh tế phát triển nhanh; hiện là nền kinh tế lớn thứ 11 ở châu Á, một trong 40 nền kinh tế lớn nhất thế giới, nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có thương mại quốc tế lớn, thuộc nhóm 3 nước thu hút đầu tư nước ngoài lớn nhất trong ASEAN trong gần 10 năm qua. Là thành viên của 16 hiệp định thương mại tự do, Việt Nam đã trở thành một phần trong chuỗi cung ứng và sản xuất toàn cầu.

Đồng thời, tỷ lệ hộ nghèo giảm theo chuẩn của Liên hợp quốc, từ trên 50% (năm 1986) nay giảm xuống còn 4,3%. Chính trị ổn định, quốc phòng, an ninh được củng cố, tăng cường.

Cải cách thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng và xây dựng nguồn nhân lực được đẩy mạnh. Cải cách tư pháp, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật, phòng chống tham nhũng đạt nhiều kết quả quan trọng.

Trong quá trình đổi mới, nhân dân được đặt ở vị trí trung tâm, là cội nguồn sức mạnh, vừa là chủ thể, vừa là mục tiêu của sự phát triển.

Để hiện thực hóa khát vọng trở thành nước phát triển, thu nhập cao vào giữa thế kỷ này, Việt Nam tập trung phát triển nhanh và bền vững, trên cơ sở ứng dụng khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo, đồng thời với phát triển văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường; xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực hiệu quả; tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng.

Trong quá trình ấy, người dân với tất cả quyền con người, quyền công dân là trung tâm của các chính sách và hoạch định tương lai, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Các thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ.
Các thành viên Đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định: “Từ truyền thống và triết lý của dân tộc mình, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa thế giới, Việt Nam xác định và nhất quán thực hiện đường lối đối ngoại: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại; chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.

Cùng với đó, chúng tôi thực hiện đường lối quốc phòng "bốn không" là: Không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế.”

Việt Nam ủng hộ việc củng cố, nâng cao hiệu quả của các cơ chế hợp tác song phương, đa phương và tăng cường phối hợp quốc tế để làm giảm căng thẳng, ngăn ngừa, chấm dứt xung đột; để giải quyết các vấn đề về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học-công nghệ và ứng phó với các thách thức an ninh phi truyền thống.

Việt Nam sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế trong ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường, tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc và cứu trợ nhân đạo quốc tế...

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhắc lại sự kiện quan trọng trong lịch sử quan hệ Việt Nam-Hoa Kỳ, năm tháng sau ngày Việt Nam độc lập (16/02/1946), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư cho Tổng thống Truman bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ “hợp tác đầy đủ” với Hoa Kỳ. Tuy nhiên, do những điều kiện, hoàn cảnh của lịch sử, mong muốn ấy đã phải trải qua nhiều thác ghềnh, thử thách.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đánh giá, chưa bao giờ quan hệ giữa Việt Nam-Hoa Kỳ phát triển tốt đẹp như ngày nay; từ cựu thù trở thành Đối tác chiến lược toàn diện. Đây thực sự là hình mẫu trong lịch sử quan hệ quốc tế về hàn gắn và xây dựng quan hệ sau chiến tranh. Kết quả này là do sự nỗ lực cùng nhau vượt qua những thử thách, thăng trầm lịch sử của nhiều thế hệ lãnh đạo và Nhân dân hai nước.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ: “Phương châm của Việt Nam trong quan hệ Hoa Kỳ là 'gác lại quá khứ, vượt qua khác biệt, phát huy tương đồng, hướng tới tương lai.' Chúng tôi nhấn mạnh rằng, sự hiểu biết lẫn nhau, hoàn cảnh của nhau, tin cậy nhau, tôn trọng các lợi ích chính đáng của nhau và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau luôn có ý nghĩa quan trọng.

Lãnh đạo Hoa Kỳ đã khẳng định ủng hộ một nước Việt Nam 'mạnh, độc lập, tự cường và thịnh vượng.'. Chúng tôi xác định Hoa Kỳ là đối tác có tầm quan trọng chiến lược trong chính sách đối ngoại của mình.”

Trao đổi với các học giả CFR, trả lời câu hỏi của ông Scott Marciel về thỏa thuận tăng cường hợp tác giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong phát triển sản xuất chất bán dẫn, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nêu rõ, Việt Nam mong muốn Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Hoa Kỳ được thực hiện một cách đầy đủ, trong đó có vấn đề hợp tác sản xuất chất bán dẫn, chip và lĩnh vực công nghệ cao.

Tuy nhiên để giải quyết vấn đề này một cách hiệu quả, Chủ tịch nước đề nghị Hoa Kỳ cần quan tâm công nhận cơ chế kinh tế thị trường đối với Việt Nam. Và việc này cần thực hiện bằng quyết sách chính trị; không nên theo quy định một cách cứng nhắc.

Cùng với đó, Hoa Kỳ cần sớm tháo gỡ việc xếp hạng Việt Nam trong nhóm nước hạn chế hỗ trợ hợp tác về chip, chất bán dẫn. Việt Nam cũng mong muốn Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam đào tạo nhân lực chất lượng cao về vấn đề này.

Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng vì trong chuyến công tác Hoa Kỳ lần này có các thỏa thuận hợp tác của các Trường Đại học Hoa Kỳ hỗ trợ đào tạo sinh viên Việt Nam trong lĩnh vực này.

Trả lời câu hỏi của một phóng viên về vấn đề vai trò của người Mỹ gốc Việt trong tiến trình thúc đẩy hợp tác hai nước, Chủ tịch nước nhấn mạnh trong đường lối của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn coi người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có người Việt Nam ở Hoa Kỳ, là một bộ phận không thể tách rời của dân tộc Việt Nam.

Trong thành tựu đổi mới 40 năm vừa qua, đất nước Việt Nam đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong đó có đóng góp của Việt kiều tại Hoa Kỳ cũng như người Việt Nam tại các nước khác trên thế giới.

 Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi chính sách tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trao đổi chính sách tại Hội đồng Quan hệ đối ngoại Hoa Kỳ. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN)

Chủ tịch nước mong muốn người Việt Nam tại Hoa Kỳ hòa nhập tốt vào cộng đồng sở tại; ngày càng khẳng định vị trí của mình trong đời sống kinh tế-xã hội của Hoa Kỳ. Việt Nam luôn chào đón các doanh nghiệp người Mỹ gốc Việt đầu tư tại Việt Nam.

Chủ tịch nước hoan nghênh và mong muốn người Việt tại Hoa Kỳ thường xuyên về Việt Nam để chứng kiến thực tiễn và những đổi thay của đất nước, chia sẻ hơn với sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước Việt Nam hiện nay. “Trăm nghe không bằng một thấy,” người Việt ở Hoa Kỳ về Việt Nam chắc chắn sẽ vui mừng trước những thay đổi của đất nước thời gian qua, Chủ tịch nước nói.

Trả lời câu hỏi của một học giả về sự phát triển của thương hiệu xe hơi Vinfast, Chủ tịch nước cho biết trong công nghệ sản xuất ôtô, Việt Nam là nước đi sau. Đến nay tỷ lệ sản xuất, xuất khẩu xe hơi trong thị trường nội địa và xuất khẩu ra nước ngoài chưa nhiều. Nhưng Việt Nam thúc đẩy sản xuất công nghệ xanh, sạch trong sản xuất xe hơi. Do đó, xe điện Vinfast là một cố gắng của doanh nghiệp Việt Nam trong triển khai định hướng sản xuất công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, hướng tới mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Liên quan đến câu hỏi về vấn đề những khó khăn của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh, là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu, Việt Nam đã nỗ lực, chủ động triển khai nhiều biện pháp ứng phó.

Tuy nhiên, đây cũng là vấn đề mà Việt Nam cần có sự ủng hộ, giúp đỡ về quyết tâm chính trị, thông qua những hành động cụ thể của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là việc hỗ trợ công tác ứng phó với biến đổi khí hậu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long của Việt Nam bởi đây là vấn đề liên quan đến dòng chảy sông Mekong, cần có sự chung tay của cộng đồng khu vực và quốc tế.

Chủ tịch nước cũng bày tỏ cảm ơn và mong muốn Chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm, hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực quan trọng này.

TTXVN/VIetnam+

;
;
.
.
.
.
.