Đà Nẵng tăng trưởng GRDP bình quân 3,48%/năm giai đoạn 2019-2023

.

ĐNO - Qua 5 năm (2019-2023) triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kinh tế thành phố phục hồi, tăng trưởng, GRDP ước tăng bình quân 3,48%/năm

Đây là thông tin do Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh báo cáo tại Hội nghị lần thứ 14 Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố để đánh giá tình hình công tác năm 2023, bàn phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2024, sáng 8-12.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW. Ảnh: NGỌC PHÚ
Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Hồ Kỳ Minh báo cáo sơ kết 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW. Ảnh: NGỌC PHÚ

Nhiều chính sách phục hồi phát triển kinh tế

UBND thành phố cho biết, trước thời điểm Covid-19 bùng phát tại Việt Nam, kinh tế thành phố có sự phát triển khởi sắc, đạt được nhiều kết quả khả quan từ việc khai thác dư địa của Tuần lễ Cấp cao APEC, cơ hội đón đầu các cơ chế, chính sách phát triển đặc thù Đà Nẵng ngay sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW.

Trong thời điểm Covid-19 diễn biến phức tạp, Thành ủy bám sát và thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Trung ương, tập trung thảo luận, đánh giá đúng tình hình, vận dụng linh hoạt và thực hiện quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với đặc điểm của thành phố; kịp thời chỉ đạo việc thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chủ động phòng, chống, vừa có biện pháp “chung sống” an toàn với dịch, từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế, khôi phục các hoạt động kinh tế - xã hội trong giai đoạn 2020-2022. 

Ngay sau khi Covid-19 từng bước được kiểm soát, Thành ủy khẩn trương chỉ đạo thành lập Ban Chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời tập trung thực hiện các giải pháp theo chủ đề năm 2022 là “Năm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội” và năm 2023 là “Năm tập trung khơi thông các nguồn lực, thu hút đầu tư, giữ vững tăng trưởng kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội”.

Đồng thời, tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy quá trình khôi phục tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội, qua đó không chỉ định vị Đà Nẵng là điểm đến của các sự kiện tầm cỡ khu vực và quốc tế mà còn thể hiện quyết tâm mạnh mẽ trong việc khôi phục các ngành kinh tế mũi nhọn.

Đi đôi với đó, thành lập các tổ công tác liên ngành phối hợp với các cơ quan Trung ương tích cực tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giúp nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục đầu tư, xây dựng để triển khai dự án; quyết liệt triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, định hướng quan trọng của Trung ương đã ban hành cho thành phố, từng bước khơi thông các nguồn lực.

Nhờ đó, Đà Nẵng được ghi nhận là một trong số các địa phương có mức độ phục hồi kinh tế khá nhanh. Đến cuối năm 2022, một số ngành, lĩnh vực kinh tế cơ bản được khôi phục.

Tại thời điểm khi bắt đầu triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW, tăng trưởng kinh tế có sự khởi sắc và bứt phá đạt 13,2% vào cuối năm 2022 trước khi chậm lại trong năm 2023 theo đà suy giảm chung của cả nước và thế giới. Giai đoạn 2019-2023, GRDP thành phố ước tăng bình quân 3,48%/năm, trong đó, giai đoạn 2021-2023 ước tăng 6,33%/năm, cao hơn mức bình quân cả nước.

Nhiều ngành kinh tế mũi nhọn có đóng góp lớn

Theo UBND thành phố, khu vực dịch vụ và ngành du lịch tiếp tục là điểm sáng, đóng góp tích cực vào tăng trưởng chung của thành phố. Hoạt động du lịch tiếp tục phát triển mạnh mẽ, các sự kiện quy mô quốc tế, sản phẩm dịch vụ du lịch hấp dẫn liên tục được tổ chức, thu hút đông đảo du khách. Tổng doanh thu dịch vụ lưu trú, lữ hành năm 2023 ước đạt 10,3 nghìn tỷ đồng, tăng 1,14 lần so với năm 2019.
Hoạt động vận tải, dịch vụ logistics phát triển khá.

Thành phố triển khai xây dựng, ban hành và thúc đẩy các chương trình, đề án nâng cao năng lực doanh nghiệp và chất lượng dịch vụ logistics; hỗ trợ phát triển thị trường dịch vụ logistics, hoàn thiện các tuyến hạ tầng giao thông đối ngoại.

Đặc biệt, đẩy nhanh khởi công dự án Đầu tư xây dựng Cảng Liên Chiểu; triển khai đầu tư dự án Nâng cấp, mở rộng nhà ga hành khách T1 và Nâng cấp mở rộng nhà ga hàng hóa đạt công suất 100.000 tấn/năm. Giai đoạn 2019-2023, doanh thu ngành logistics ước tăng 9,1%/năm; sản lượng hàng hóa thông qua cảng ước tăng 8,3%/năm.

Hoạt động xuất, nhập khẩu khôi phục tích cực và đạt tăng trưởng tốt, kim ngạch xuất khẩu giai đoạn 2019-2023 ước tăng bình quân 7,0%/năm (giai đoạn 2021-2023 ước tăng 12,5%/năm). 

Cơ cấu ngành công nghiệp chuyển dịch theo đúng định hướng, chú trọng phát triển công nghiệp công nghệ cao, quan tâm đổi mới công nghệ. Hạ tầng công nghệ thông tin, truyền thông có bước phát triển mạnh, sẵn sàng đáp ứng yêu cầu xây dựng thành phố thông minh.

Tổng doanh thu toàn ngành thông tin truyền thông giai đoạn 2019-2023 ước tăng 6,0%/năm; kim ngạch xuất khẩu phần mềm ước tăng 13,3%/năm, góp phần nâng tỷ trọng kinh tế số trong GRDP thành phố lên hơn 19,7%.

Cảng Liên Chiểu là một trong những dự án trọng điểm được định hướng bởi Nghị quyết số 43-NQ/TW, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Trong ảnh: Đoàn lãnh đạo Trung ương và Thành ủy thị sát việc thi công công trình bến Cảng Liên Chiểu vào tháng 11-2023. Ảnh: NGỌC PHÚ
Cảng Liên Chiểu là một trong những dự án trọng điểm được định hướng bởi Nghị quyết số 43-NQ/TW, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Trong ảnh: Đoàn lãnh đạo Trung ương và Thành ủy thị sát việc thi công công trình bến Cảng Liên Chiểu vào tháng 11-2023. Ảnh: NGỌC PHÚ

An dân được quan tâm hàng đầu

Lĩnh vực văn hóa - xã hội có sự chuyển biến tích cực. Chất lượng giáo dục và đào tạo được nâng cao với nhiều đổi mới trong công tác quản lý, dạy và học; chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được duy trì. Thành phố đã hỗ trợ 100% học phí đối với trẻ em mầm non và học sinh phổ thông trong năm học 2023-2024.

Công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân thực hiện tốt. 7 trung tâm y tế quận, huyện và 56 trạm y tế phường, xã được xây mới, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở hạ tầng; tích cực triển khai, áp dụng các dịch vụ kỹ thuật y tế mới, kỹ thuật y tế chuyên sâu; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đến năm 2022 đạt 97,5%, cao hơn 10,2% so với tỷ lệ chung của cả nước.

Các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội mang đậm tính nhân văn được duy trì thực hiện tốt nhằm hướng đến mục tiêu an sinh bền vững như: Chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an”.

Thành phố ban hành các nghị quyết, kế hoạch tổ chức triển khai chính sách, chương trình giảm nghèo, Chương trình “Không có hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn” giai đoạn 2022-2025. Qua đó, giúp 3.124 hộ thoát nghèo. Đặc biệt, thành phố tập trung hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và người dân gặp khó khăn do Covid-19 với khoảng 1.200 tỷ đồng từ năm 2020-2022.

Chất lượng sàn giao dịch việc làm, nhất là tại các quận, huyện, các trường cao đẳng, đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp được nâng cao. Số lao động được tạo việc làm mới hằng năm hơn 17.000 lao động, tỷ lệ tạo việc làm tăng thêm bình quân 2,97%/năm.

NGỌC PHÚ

;
;
.
.
.
.
.
.