Chính trị
Vang mãi hào khí anh hùng
Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, nhưng cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giải phóng quê hương của những người con vùng đất K20 anh hùng, nhân dân Khu III Hòa Vang, nhất là Đại đội 3 thuộc Khu III Hòa Vang anh dũng, kiên trung vẫn mãi là một trang sử hào hùng, bất diệt. Mới đây, Chủ tịch nước ký phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân (LLVTND) cho Đại đội 3, Khu III Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà và Căn cứ cách mạng K20, quận Ba, thành phố Đà Nẵng (nay là quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng), càng khẳng định hào khí anh hùng vang mãi.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Quảng (thứ 2, bên phải sang) tham quan Nhà truyền thống K20. Ảnh: TRỌNG HUY |
Vùng lõm chính trị
Vùng đất Nước Mặn (xóm Đồng), Đa Phước (xóm Cát) và một phần của làng Mỹ Thị, Bà Đa thuộc quận Ba, Đà Nẵng, theo từng thời kỳ cách mạng, được gọi là “vùng lõm chính trị”, “căn cứ lõm cách mạng”. Từ năm 1971, để bảo đảm tính bí mật trong hoạt động, khu vực này chính thức mang tên “Căn cứ K20”. Tên gọi này tồn tại từ đó cho đến ngày nay. K20 nằm giữa hệ thống chốt điểm trên tuyến phòng thủ phía đông - nam Đà Nẵng của thực dân Pháp, rồi căn cứ Liên hợp quân sự Đà Nẵng của Mỹ - ngụy, thuộc vùng địch kiểm soát, kìm kẹp gắt gao. Cả Pháp và Mỹ - ngụy đóng trên địa bàn quận Ba - Đà Nẵng và xung quanh Khu Căn cứ cách mạng K20 đều là những đơn vị chủ lực, thiện chiến.
Trong cuộc chiến chống lại kẻ thù đế quốc, hiếm có vùng đất nào như Khu căn cứ cách mạng K20. Dưới sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng, 200 hộ dân ở đây kiên trì trụ bám, xây dựng nơi đây thành căn cứ lõm cách mạng trong lòng địch. Với hệ thống hầm bí mật có lúc lên đến 157 hầm và hệ thống địa đạo chằng chịt dưới lòng đất, giúp nuôi giấu, bảo vệ cán bộ, lực lượng vũ trang của Khu ủy Khu 5, Đặc khu ủy Quảng Đà, Thành ủy Đà Nẵng, Quận ủy quận Ba… K 20 đã đưa đón hàng trăm cán bộ, chiến sĩ về hoạt động, đánh địch; vận chuyển hàng chục tấn vũ khí, đạn dược, hàng trăm tấn lương thực, hàng hóa và nhiều công văn tài liệu, cung cấp sức người, sức của cho cách mạng, tham gia chiến đấu và phục vụ chiến đấu.
Từ căn cứ bàn đạp này, các lực lượng của ta đã xây dựng nhiều căn cứ trong nội thành, đưa lực lượng, vũ khí trang bị vào thành phố và quyết định các kế hoạch, triển khai hàng trăm trận chiến đấu, lập nhiều chiến công xuất sắc. Trong suốt quá trình đó nhiều lần bị địch càn quét, cày ủi, vây ráp, phá nhà, bắt bớ, giam cầm, tra tấn, cướp bóc… Nhưng cán bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang ở K20 vẫn một lòng trung kiên với cách mạng, sẵn sàng chấp nhận gian khổ, hy sinh, kiên quyết chiến đấu và phục vụ chiến đấu, bảo vệ an toàn căn cứ, bảo vệ lực lượng ta.
Địa danh và thành tích hoạt động của căn cứ K20 được Từ điển Quân sự Quân khu 5 viết: Căn cứ K20 - Căn cứ lõm của cách mạng nằm trong vùng địch kiểm soát thuộc thôn Đa Mặn - Mỹ Thị, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng. Trong kháng chiến chống Pháp, năm 1947, căn cứ đã có chi bộ, phân chi bộ, có 7 đảng viên; năm 1950 có 75 đảng viên. Đảng bộ lãnh đạo nhân dân đấu tranh, xây dựng phong trào cách mạng trong lòng địch.
Trong kháng chiến chống Mỹ, căn cứ này như một chốt điểm, luôn uy hiếp căn cứ liên hợp quân sự của địch ở Đà Nẵng. Từ năm 1964 đến năm 1968 tại đây có 3 chi bộ với 19 đảng viên, có chi đoàn Thanh niên nhân dân cách mạng với 17 đoàn viên. Bộ máy chính quyền Sài Gòn tại đây do ta nắm, điều hành; ban ngày làm việc cho địch, ban đêm làm việc cho ta. Đây là nơi có phong trào toàn dân đánh giặc mạnh mẽ bảo vệ căn cứ. Hầu hết gia đình đều có hầm bí mật trong nhà, ngoài vườn, ngoài đồng ruộng để nuôi giấu, che chở cán bộ, bộ đội, thương binh. Nhiều lần bộ đội về tập kết để tiến công sân bay Nước Mặn và các khu quân sự gần đó.
Mặc dù địch ra sức thực hiện âm mưu đánh phá phong trào, cày ủi trắng khu vực để xây dựng vành đai bảo vệ Đà Nẵng nhưng đều bị thất bại. Ngày 6-9-2010, căn cứ K20 được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng di tích Quốc gia, là biểu tượng của tinh thần cách mạng kiên cường, bất khuất của người dân Đà Nẵng nói chung và quận Ngũ Hành Sơn nói riêng trong 2 cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.
Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Cao Thị Huyền Trân (bên trái) thăm, tặng quà Đại tá Hoàng Lê Nghĩa, Trưởng ban liên lạc Đại đội 3, Khu III Hòa Vang. Ảnh: NHƯ Ý |
Buổi lễ truy điệu Bác Hồ trong lòng địch
Tôi gặp lại Anh hùng LLVTND Huỳnh Thị Thơ (Trưởng ban liên lạc K20), ông Nguyễn Hạnh (Phó ban liên lạc K20) và các nhân chứng khác từng tổ chức, tham dự lễ truy điệu Bác Hồ ngày 8-9-1969 sau hay tin Bác mất. Với họ, đây là một kỷ niệm, một buổi lễ đặc biệt không thể nào quên được trong cuộc đời chiến đấu của mình. Ông Nguyễn Hạnh, khi đó là du kích địa phương, kể lại, để tỏ lòng tiếc thương vô hạn, sự tôn kính đối với vị lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam, Quận ủy quận Ba đã chỉ đạo tổ chức lễ truy điệu Bác Hồ ngay tại căn cứ K20.
Từ mờ sáng ngày 8-9-1969, từng người dân Đa Mặn, Mỹ Thị, Bà Đa lặng lẽ kéo về chùa Khuê Bắc. Mọi người đều được phát băng tang và thực hiện nghi thức dâng hương trước bàn thờ Bác. Bà Nguyễn Thị Được (thường gọi là Bốn Rẫm), Bí thư Chi bộ K20, đọc điếu văn tiễn đưa Người. Giữa trùng vây kẻ thù nhưng buổi lễ được tổ chức rất trang trọng, bí mật và an toàn như thể ở vùng giải phóng.
Theo bà Huỳnh Thị Thơ, Chi bộ K20 giao trách nhiệm chuẩn bị tổ chức lễ truy điệu Bác cho Ban Chấp hành Đoàn Thanh niên, bà là Bí thư Chi đoàn, ông Hạnh là Phó Bí thư Chi đoàn đã tập hợp đoàn viên phân công nhiệm vụ cụ thể. Đến khi xong xuôi kế hoạch chi tiết, Chi bộ thống nhất chọn ngày 8-9 tổ chức. Đến giờ làm lễ, ai ở vị trí đó, phương án xử lý tình huống khi địch phát hiện, xông vào như thế nào, ai cũng phải nắm rõ. Trong phút mặc niệm trang nghiêm, mọi người đều thầm khấn thề với Bác quyết chiến đấu đến hơi thở cuối cùng để giải phóng quê hương, đất nước.
Nhìn lại từng trang lịch sử, có thể thấy K20 là nơi tập kết, phối hợp với các lực lượng tấn công địch tại Đà Nẵng. Từng trận chiến, từng sự kiện có dấu ấn đậm nét của K20, như phục vụ Đội biệt động 220 Sông Đà đánh tàu vận tải của Mỹ trưa ngày 27-3-1965 trên sông Hàn; tham gia trận đánh khách sạn Caraven nằm trên đường Bạch Đằng chiều tháng 4-1965; làm bàn đạp cho Đại đội 1 Đặc công hậu cứ Đà Nẵng tập kích sân bay Nước Mặn tháng 10-1965; phục vụ chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968.
Ngoài ra còn một số chiến công tiêu biểu như trận tập kích của Tổ biệt động K20 tiêu diệt bọn gián điệp tại khối phố Bà Đa tháng 3-1968, phục vụ chiến đấu trận tiến công sân bay Nước Mặn, bãi xe cơ giới Non Nước và cầu Trịnh Minh Thế trong chiến dịch Hè -1968; trận tiến công Chi khu cảnh sát Đông Giang, đồn cảnh sát Ngã Năm và quán bar Phước Mỹ của lực lượng vũ trang K20; trận đánh thuốc nổ C4 của Đội biệt động K20 vào đồn cảnh sát ngã tư Thanh Khê và chặn đánh lực lượng địch cứu viện của địch tháng 2-1970; đánh bằng mìn hẹn giờ của Tự vệ mật K20 tiêu diệt tên gián điệp Huỳnh Thị Hồng Hạnh thuộc Phân chi cục tình báo CIA Mỹ tại Đà Nẵng của Anh hùng LLVTND Nguyễn Thị Hai (Huỳnh Thị Thơ); đánh mìn tiêu diệt tên Hồ Điệp chỉ huy tổ tình báo sưu tầm Vùng I chiến thuật thuộc Chi cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tại Đà Nẵng và đồng bọn; trận tập kích của lực lượng biệt động K20 phối hợp với 1 tổ đặc công của Tiểu đoàn 471 tập kích bãi xe cơ giới ở cảng Tiên Sa trong cuộc tiến công chiến lược năm 1972. Đặc biệt, nhân dân và LLVT Căn cứ K20 phối hợp với Trung đoàn 97 đánh chiếm sân bay Nước Mặn và tham gia truy quét địch, thu vũ khí, góp phần giải phóng hoàn toàn thành phố vào trưa ngày 29-3-1975.
Trải qua 21 năm chống Mỹ, nhân dân, cán bộ, lực lượng vũ trang K20 đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ xây dựng căn cứ cách mạng, trở thành hậu phương kháng chiến, là bàn đạp, cầu nối giữa lực lượng kháng chiến nội thành với lực lượng kháng chiến ở ngoại thành, trực tiếp tham gia nhiều trận đánh vào đầu não của địch tại Đà Nẵng, lập nhiều chiến công quan trọng.
Đúng như nhận định của đồng chí Trần Thận, nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đà, Phó Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà (1963-1968), Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (1968-1972), Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà (1973-1975) khi nói đến khu căn cứ này: “K20 là căn cứ lõm cách mạng, nằm trong lòng căn cứ quân sự Liên hợp hải lục không quân của Mỹ ngụy. Nơi đây chúng đã tăng cường phòng thủ vòng trong vòng ngoài; các lực lượng nổi chìm tình báo, gián điệp, CIA đủ loại nhưng đều vô hiệu trước lòng yêu nước, dũng cảm, ngoan cường của nhân dân K20, đã tạo nên một căn cứ lòng dân bảo vệ, chở che cho cách mạng đứng chân tiến công địch bằng ba mũi giáp công giành nhiều thắng lợi vang dội, góp phần xứng đáng với cả thành phố và cả nước đánh cho “Mỹ cút, ngụy nhào” giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước”.
Các chiến sĩ Đại đội 3 thăm lại chiến trường xưa, nơi diễn ra những trận đánh lịch sử là những ký ức không phai. Ảnh: PV |
Khu III Hòa Vang anh hùng
Ông Lê Thanh Vân, nguyên Bí thư Khu III Hòa Vang, nhớ lại, Khu III là bàn đạp, vùng tiếp giáp của Đà Nẵng lúc bấy giờ. Để giải phóng Đà Nẵng, phải giải phóng Khu III, giải phóng Hòa Vang để mở đường cho quân chủ lực tiến vào giải phóng thành phố. Khu III lúc bấy giờ gồm 6 xã Hòa Phước, Hòa Đa (nay là phường Hòa Xuân), Hòa Lân, Hòa Phụng (nay là phường Hòa Quý), Hòa Long, Hòa Hải (nay là phường Hòa Hải). Những ngày nổi dậy mùa xuân Mậu Thân 1968, nhân dân Khu III đã rầm rập bỏ ăn Tết để xuống đường, hàng ngũ chỉnh tề tiến vào thành phố để đấu tranh.
Theo ông Hoàng Lê Nghĩa, Trưởng ban liên lạc Đại đội 3 (Chính trị viên Đại đội 3), từ tháng 7-1967, nhằm chuẩn bị cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, cấp trên quyết định thành lập Khu III Hòa Vang trực thuộc Đặc khu ủy và Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 (Mặt trận 44 Quảng Đà). Lực lượng vũ trang Khu III gồm một đơn vị bộ đội địa phương là Đại đội 3 (Mật danh K36) và dân quân du kích của 6 xã Khu III. Đại đội 3, Khu III thành lập ngày 1-10-1967, trên cơ sở Trung đội Bộ đội địa phương Khu Đông, Hòa Vang ra đời trong cao trào đồng khởi diệt ác, phá kèm, giải phóng nông thôn, đồng bằng của huyện Hòa Vang từ cuối năm 1964 đến Xuân Hè 1965.
Trải qua 8 năm xây dựng, chiến đấu, dưới sự lãnh đạo, chỉ huy của Đặc Khu ủy, Bộ Tư lệnh Mặt trận Quảng Đà, Khu ủy, Ban chỉ huy Khu đội Khu III và sự đùm bọc, nuôi dưỡng của nhân dân, sự giúp đỡ, chi viện của các đơn vị cấp trên, các địa phương, Đại đội 3 không ngừng phát triển cả số lượng và chất lượng. Đại đội 3 đã phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, địa phương vận dụng linh hoạt phương thức hoạt động, phương châm trụ bám một tấc không đi, một ly không rời, “lấy ít đánh nhiều”. Đại đội 3 đã vận dụng sáng tạo các hình thức chiến thuật, thủ đoạn, cách đánh như vận động tiến công, tập kích, phục kích, để tiến công tiêu hao, tiêu diệt sinh lực, phá hủy phương tiện chiến tranh, đánh bại các âm mưu, thủ đoạn của địch, lập được nhiều chiến công đặc biệt xuất sắc, tạo nên những trận địa, làng xã chiến đấu, căn cứ bàn đạp quan trọng nằm sát căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng.
Những chiến công đặc biệt xuất sắc của Đại đội 3, Khu III, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà đã góp phần vào thắng lợi chung của Đảng bộ và nhân dân Khu III. Trong quá trình xây dựng, chiến đấu lập công xuất sắc, Đại đội 3, Khu III đã có 120 cán bộ, chiến sĩ hy sinh, 35 bị thương, 5 bị địch bắt. Những chiến công của Đại đội 3, Khu III Hòa Vang đã được ghi lại trong các tập lịch sử của Đảng bộ, nhân dân và lực lượng vũ trang quận Ngũ Hành Sơn, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng và các công trình tổng kết chiến tranh của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng cũ, thành phố Đà Nẵng và Bộ Tư lệnh Quân khu 5…
Những chiến công vang dội
Ông Nghĩa cho biết, trên cơ sở nhiệm vụ được giao, trong quá trình chiến đấu, Đại đội 3 đã tiến hành hơn 300 trận đánh lớn, nhỏ, cả chiến đấu độc lập và phối hợp, loại khỏi vòng chiến đấu gần 100 tên Mỹ - chư hầu, 60 tên sĩ quan, ác ôn, tề điệp,…bắt sống hàng trăm tên. Diệt gọn 6 trung đội, 1 Đoàn bình định, 2 Chi khu cảnh sát, đánh thiệt hại 2 tiểu đoàn; thu hàng ngàn súng các loại và nhiều phương tiện chiến tranh, phá hủy hàng trăm tấn vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng.
Trong lịch sử Đại đội 3, trận đánh vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn I trong chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968 được xem một trận đánh táo bạo, dũng cảm, gan dạ, bất ngờ có một không hai. Chiến dịch Xuân Mậu Thân 1968, Khu III Hòa Vang được Đặc khu Quảng Đà và Mặt trận 4 chọn là nơi làm bàn đạp đưa quân tiến công và nổi dậy vào Đà Nẵng từ hướng đông nam thành phố. Theo kế hoạch, Đại đội 3 có nhiệm vụ phối hợp với 1 trung đội của Đại đội 1 tiểu đoàn (R20) bí mật tiếp cận các mục tiêu của Bộ chỉ huy Quân đoàn I đến giờ G là nổ súng chiếm lĩnh trận địa để tạo điều kiện thuận lợi cho bộ đội chủ lực của đặc khu, quân khu tiến công vào Đà Nẵng.
Trong đêm 30-1-1968, hai đơn vị hành quân vượt qua nhiều đồn bót của địch vượt qua sông Cẩm Lệ bí mật bất ngờ tiếp cận các mục tiêu đã định theo sự phân công. Đại đội 3 đảm nhiệm mũi chủ yếu, Trung đội 1 (R20) đảm nhiệm mũi thứ yếu, 2 mũi này có nhiệm vụ đánh chiếm Bộ Tư lệnh Quân đoàn I ngụy, ngã tư Duy Tân - Núi Thành (hiện nay), cầu Trịnh Minh Thế nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi tạo bàn đạp để thê đội 2 Tiểu đoàn 1 của Mặt trận 4 và Trung đoàn 31 Sư 2 Quân khu 5 xuất kích tiến công địch vào trung tâm thành phố Đà Nẵng, hỗ trợ cho nhân dân nổi dậy giành quyền làm chủ.
Theo kế hoạch hiệp đồng nổ súng, 2 giờ 30 phút ngày mồng 1 Tết năm 1968 các mũi tiến công của Đại đội 3 Khu III và Trung đội 1 Tiểu đoàn (R20) đồng loạt nổ súng, Đại đội 3 nhanh chóng tiêu diệt các vọng gác, các hỏa điểm phòng thủ, xung phong vượt tường rào vào bên trong, đồng chí Phạm Mận, Chính trị viên đại đội là người phải đứng công kênh để các chiến sĩ nhanh chóng vượt tường rào cao vào bên trong chiến đấu. Lúc này do quá bất ngờ và hoảng loạn, địch chống trả yếu ớt chạy về hướng sân bay Đà Nẵng. Toàn đại đội phát triển đánh chiếm từng căn nhà, từng lô cốt đến 5 giờ sáng ta hoàn toàn làm chủ một nửa phía đông và nam của Bộ Chỉ huy Quân đoàn I, ngã tư đường Duy Tân, Trung đội 1 (R20) làm chủ đầu cầu Trịnh Minh Thế. Nhưng do lực lượng chủ yếu của ta như Tiểu đoàn R20, Trung đoàn 31 của Sư 2 gặp trục trặc không vận động lên kịp thời, lúc này trời đã sáng, địch đã dùng một lực lượng lớn gồm hải quân, lục quân và không quân để phản công. Chúng dùng bộ binh, xe tăng và hỏa lực mạnh đánh vào đội hình của Đại đội 3 và Trung đội 1. Trong thế trận không cân sức, lực lượng của ta vừa đánh vừa lui về phòng ngự khu vực ngoại ô, nay là phường Hòa Cường.
Trận đánh này gây tiếng vang lớn làm cho ngụy quân, ngụy quyền hoang mang cực độ, nhân dân tin tưởng, phấn khởi, tạo khí thế cho phong trào quần chúng đấu tranh. Đại đội 3 đã tiêu diệt hơn 100 tên địch, đánh sập 4 lô cốt, bắn cháy 10 xe quân sự các loại, đánh sập 6 khu nhà làm việc, nhà lính, phá hủy nhiều vũ khí và phương tiện chiến tranh của địch, ta đã chiếm được một phần Sở chỉ huy bộ Tư lệnh Quân đoàn I trong một thời gian. Nhưng, Đại đội 3 gần như bị xóa sổ. 25 đồng chí hy sinh, 10 đồng chí bị thương, trong đó bị địch bắt 4 đồng chí, còn 6 đồng chí được nhân dân che giấu và tới hôm sau về lại vùng giải phóng…
Lịch sử Đại đội 3 ghi nhận những trận đánh tiêu biểu, như trận đánh chốt điểm Cầu Biện (xã Hòa Long); trận tập kích sân bay Nước Mặn; trận đánh phối hợp chiến dịch Hè Thu 1968 (mật danh X2); trận đánh luồn sâu vào hậu cứ của địch san bằng Đồn Cổ Mân Tùng Lâm ngày 19-8-1972; trận đánh cối 82mm vào sân bay Nước Mặn trong chiến dịch Xuân Hè năm 1972; trận đánh chốt điểm Mân Quang (Hòa Lân); trận tập kích chốt điểm Cồn Quy (Hòa Hải) và tập kích tiêu diệt đoàn bình định tại thôn Sơn Thủy (Hòa Long)…
Trong chiến dịch tổng tiến công và nổi dậy năm 1975, Đại đội 3, Khu III được giao nhiệm vụ phối hợp các đơn vị bạn sử dụng lực lượng, vũ khí trang bị thực hành tiến công địch, tiêu diệt địch co cụm phòng ngự từ Non Nước ra đến phía đông cầu Trịnh Minh Thế (nay là cầu Nguyễn Văn Trỗi). Đêm 28-3-1975, Đại đội 3 cùng các đơn vị thuộc Tiểu đoàn 4 tiến công giải phóng các xã của Khu III. Rạng sáng 29-3-1975, sau khi phối hợp với các đơn vị bao vây tiến công tiêu diệt bọn lính Sư đoàn 3 ngụy tháo chạy từ Hội An ra Non Nước - Hòa Hải bằng đường biển. Đại đội 3 cùng du kích Hòa Hải bắt sống hàng 100 tên địch. Tại sân bay Nước Mặn, thủy quân lục chiến và lính Sư đoàn 3 ngụy tập hợp lực lượng lập trận địa phòng ngự ngăn chặn các mũi tiến công của ta, lập tức Trung đoàn ra lệnh cho Tiểu đoàn 4 và Đại đội 3 vận động lên bao vây, tiêu diệt địch. Được pháo binh chi viện Tiểu đoàn 4 và Đại đội 3 đồng loạt xung phong tiến công tiêu diệt các cụm cứ điểm phòng ngự của địch buộc chúng phải tháo chạy, bỏ cả xe M113 còn đang nổ máy, lập tức các đơn vị sử dụng luôn làm chiếc xe tăng này để truy kích địch.
Trước sức tiến công mạnh mẽ của Tiểu đoàn 4 và Đại đội 3, quân địch nhanh chóng tan rã, đầu hàng. Đến 11 giờ 00 phút ngày 29-3-1975, Trung đoàn 97 đã làm chủ hoàn toàn từ Non Nước đến Mỹ Khê, Đà Nẵng. Tiểu đoàn 4 đã bắt sống gần 1.000 tên địch. Riêng Đại đội 3, bắt sống được 450 tên giao cho du kích Hòa hải canh giữ và giao về cho cấp trên quản lý, trận này ta thu hàng trăm súng các loại có cả xe tăng thiết giáp…
Theo Bí thư Quận ủy Ngũ Hành Sơn Cao Thị Huyền Trân, danh hiệu cao quý Anh hùng LLVTND là sự ghi nhận, trân trọng của Đảng và Nhà nước đối với sự đóng góp to lớn của cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3 và Khu căn cứ cách mạng K20. Vinh dự to lớn này thuộc về những thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đại đội 3, Khu III, huyện Hòa Vang, tỉnh Quảng Đà và nhân dân Căn cứ cách mạng K20, quận Ba, thành phố Đà Nẵng qua các thời kỳ. Đây cũng là niềm vinh dự, tự hào to lớn, là nguồn động viên, khích lệ đối với Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang quận Ngũ Hành Sơn. Là thế hệ tiếp nối, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân, lực lượng vũ trang quận xin nguyện thề phát huy truyền thống anh hùng của cha ông, bền gan vững chí để xây dựng và phát triển quận Ngũ Hành Sơn ngày càng giàu đẹp, xứng đáng với công lao, xương máu của cha ông đã hy sinh, ngã xuống bảo vệ quê hương, đất nước.
TRỌNG HUY