Sau 1 năm triển khai, Đề án số 04-ĐA/TU ngày 31-12-2022 của Ban Thường vụ Thành ủy về một số giải pháp đẩy mạnh phong trào thi đua “Dân vận khéo” trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2030 đã được cụ thể hóa phù hợp với tình hình thực tế ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương và tạo sức lan tỏa.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng (thứ 7, bên phải sang) và Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung (thứ 8, bên phải sang) trao cờ lưu niệm cho các đội tham gia hội thi “Dân vận khéo” thành phố lần thứ I năm 2023. Ảnh: Xuân HẬU |
Theo Trưởng ban Dân vận Thành ủy Lê Văn Trung, thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU, Ban Dân vận Thành ủy xây dựng Kế hoạch số 51-KH/BDVTU ngày 1-2-2023 để tổ chức thực hiện và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm 2023. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội thành phố ban hành kế hoạch thực hiện phong trào “Dân vận khéo”; tập trung nhân rộng các mô hình được giao, chú trọng xây dựng các mô hình mới sát với thực tế gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng đơn vị, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tính đến ngày 30-11-2023, các quận, huyện triển khai 484 mô hình “Dân vận khéo” mới tiêu biểu, vượt so với số lượng thành phố giao. Các mô hình nhận được sự hưởng ứng tích cực của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và các tầng lớp nhân dân. Năm 2023, lần đầu Đà Nẵng tổ chức hội thi “Dân vận khéo” cấp thành phố nhằm tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, sinh động các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận. Thông qua hội thi nâng cao nhận thức, trách nhiệm đối với các cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị về công tác dân vận; cổ vũ, khuyến khích, động viên, nhân rộng các điển hình “Dân vận khéo”.
Phó trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Quận ủy Ngũ Hành Sơn Hoàng Trân Châu cho biết, thực hiện Đề án số 04-ĐA/TU, trên địa bàn quận đạt được nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều mô hình “Dân vận khéo” nhận được sự ủng hộ của nhân dân, đem lại kết quả khả quan như: “Phân loại và thu gom rác tái chế, xây dựng quỹ an sinh xã hội” với tổng số tiền gần 122 triệu đồng; mô hình “10 ngàn - Vạn yêu thương” được chi bộ khu dân cư trên địa bàn quận thực hiện với tổng số tiền gần 147 triệu đồng.
Bên cạnh đó, công tác dân vận tạo sự đồng thuận thực hiện giải tỏa đền bù đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi diện mạo đô thị của địa phương. Ban Dân vận Quận ủy tổ chức hội nghị tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng trong vận động nhân dân bàn giao mặt bằng tại phường Hòa Quý cho bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận trên địa bàn dân cư cùng với cán bộ công chức của phường.
Tại huyện Hòa Vang, phong trào thi đua “Dân vận khéo” góp phần tích cực trong xây dựng nông thôn mới. Theo Trưởng ban Dân vận huyện ủy Hòa Vang Bùi Nam Dũng, Ban Thường vụ Huyện ủy triển khai nhân rộng các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu, trong đó có 8 mô hình cấp thành phố và 3 mô hình cấp huyện. Trong đó, mô hình “Thứ Năm, ngày nông thôn mới, ngày về với nhân dân” nhận được sự hưởng ứng tích cực của người dân. Mô hình này được do Liên đoàn Lao động huyện chủ trì triển khai nhân rộng trên địa bàn 11 xã.
Theo đó, Công đoàn cơ quan 11 xã xây dựng kế hoạch và phổ biến đến cán bộ, công chức, đoàn viên công đoàn cơ quan, căn cứ thực tế công tác chuyên môn, tổ chức các đợt ra quân dọn vệ sinh môi trường, cải tạo cảnh quan ở các thôn. “Để việc triển khai đồng bộ, thống nhất, Ban Dân vận Huyện ủy mong muốn thành phố tiếp tục theo dõi, hướng dẫn, hỗ trợ về nội dung, cách thức và kết quả của từng mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu để các quận, huyện nghiên cứu tổ chức thực hiện”, ông Dũng đề xuất.
Trong năm qua, Sở Công Thương đăng ký thực hiện 4 mô hình “Dân vận khéo” mới. Theo Phó Giám đốc sở Nguyễn Hữu Hạnh, thực hiện thay đổi thói quen mua sắm của người dân, ứng dụng công nghệ thông tin, Công ty Quản lý và phát triển các chợ Đà Nẵng đã triển khai mô hình “Chợ Đà Nẵng - Phát huy giá trị truyền thống kết hợp với đẩy mạnh chuyển đổi số”. Qua triển khai, mô hình đã tạo dựng và giữ vững hình ảnh chợ văn minh thương mại tại các chợ Cồn, chợ Hàn, chợ Đống Đa,… bảo đảm an toàn thực phẩm, thu hút người dân, du khách quay lại. Đồng thời, việc ứng dụng công nghệ thông tin còn tạo sự thuận tiện cho người dân, du khách khi thanh toán các dịch vụ, mua sắm.
Ông Lê Văn Trung cho biết, trên cơ sở các kết quả đạt được, Ban Dân vận Thành ủy sẽ tiếp tục theo dõi, duy trì và nâng cao chất lượng, hiệu quả 16 mô hình “Dân vận khéo”. Đồng thời lựa chọn các mô hình mới, mang lại hiệu quả rõ nét để triển khai nhân rộng trong năm 2024 và những năm tiếp theo. Bên cạnh việc đánh giá hiệu quả, công tác tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ tuyên truyền, vận động, xây dựng mô hình “Dân vận khéo” cũng được quan tâm.
Đồng thời, trong năm 2024, Ban Dân vận Thành ủy chủ động phối hợp với các cơ quan báo, đài, các đơn vị liên quan triển khai hoạt động tuyên truyền với nhiều hình thức linh hoạt, phù hợp với thực tiễn; chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, các phương tiện truyền thông đại chúng nhằm đẩy mạnh và lan tỏa phong trào thi đua “Dân vận khéo”, phát động cuộc thi Báo chí viết về các mô hình “Dân vận khéo” tiêu biểu - năm 2024.
XUÂN HẬU