ĐNO - Sáng 14-12, tiếp tục phiên chất vấn tại kỳ họp 15 HĐND thành phố khóa X, chất vấn Giám đốc Sở Tư pháp, Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Lương Công Tuấn cho rằng, hoạt động hành nghề công chứng liên quan đến giao dịch bất động sản còn diễn ra "ký chờ, ký gửi", ảnh hưởng đến thị trường bất động sản ở thành phố.
Giám đốc Sở Tư pháp Trần Thị Kim Oanh trả lời chất vấn. Ảnh: NHÓM PV |
Theo đại biểu (ĐB) Lương Công Tuấn, thực trạng trên dễ dẫn đến thị trường bất động sản thiếu minh bạch, cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề. Sở Tư pháp phải phối hợp với Công an thành phố để có biện pháp nghiệp vụ đối với những hồ sơ “ký gởi, ký chờ” để nắm rõ hoạt động này, từ đó có giải pháp nhằm hạn chế được vấn đề này, để thị trường bất động sản ở thành phố hoạt động lành mạnh.
ĐB Trần Tuấn Lợi, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố cho rằng, thời gian qua, việc các tổ chức hành nghề công chứng vẫn còn để xảy ra trình trạng ký gởi, ký chờ hoặc chi phần trăm hoa hồng cho các ngân hàng, dịch vụ môi giới.
Điều này dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh giữa các tổ chức hành nghề công chứng, việc thất thu thuế cho ngân sách thành phố và tội phạm lợi dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
ĐB Trần Tuấn Lợi chất vấn tại hội trường. Ảnh: NHÓM PV |
Giải trình vấn đề này, Giám đốc Sở Tư pháp Trần Thị Kim Oanh cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có 34 tổ chức hành nghề công chứng (TCHNCC) đang hoạt động, trong đó có 3 Phòng Công chứng (PCC), 31 Văn phòng công chứng (VPCC) với tổng số 79 công chứng viên đang hành nghề.
Trong năm 2023, các TCHNCC đã thực hiện 92.013 việc công chứng; tổng số phí công chứng là 81 tỷ đồng.
Tổng số tiền các TCHNCC nộp vào ngân sách Nhà nước/thuế là 13 tỷ đồng. Tình hình hoạt động các TCHNCC trên địa bàn thành phố hiện nay ổn định, chất lượng, bảo đảm an toàn giao dịch dân sự của tổ chức, cá nhân.
100% các TCHNCC khai thác, sử dụng thành thạo hệ thống cơ sở dữ liệu công chứng và thông tin ngăn chặn (phần mềm Uchi) trong hoạt động công chứng nên hạn chế rủi ro, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Nhằm tăng cường công tác chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh bất động sản, Sở Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế thành phố, Công an thành phố và các cơ quan liên quan, xây dựng và trình UBND thành phố ban hành Quyết định số 2543/QĐ-UBND ngày 20-11-2023 về ban hành Quy chế phối hợp về chống thất thu thuế trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản trên địa bàn thành phố.
Sở Tư pháp đã tăng cường công tác quản lý Nhà nước trên lĩnh vực công chứng. Qua công tác kiểm tra các TCHNCC, Sở Tư pháp đã ban hành 3 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các cá nhân, tổ chức với tổng số tiền phạt là 31 triệu đồng.
Theo Chủ tịch HĐND thành phố Lương Nguyễn Minh Triết, các giải pháp triển khai, từ quy chế phối hợp, việc kiểm tra, thanh tra, xử phạt vi phạm, nhưng liệu có đủ quyết liệt, đủ hiệu quả để giảm nhanh, giảm ngay tình trạng cạnh tranh không lành mạnh không?
“Thực trạng ký gởi ký chờ thì mua 10 đồng bớt lại mua 2 đồng hay 3 đồng gì đó thôi. Người bán cũng có lợi mà người mua cũng có lợi. Chỉ có Nhà nước bị thiệt. Cạnh tranh không lành mạnh giữa các văn phòng công chứng với nhau, đây là thực trạng như vậy”, Chủ tịch HĐND thành phố cho biết.
Từ đó, Chủ tịch HĐND thành phố đề nghị, Sở Tư pháp cần có biện pháp phát huy hiệu quả công tác quản lý hoạt động công chứng trên địa bàn thành phố.
Theo Giám đốc Sở Tư pháp, trong thời gian đến, thực hiện theo Quyết định số 2543/QĐ-UBND, Sở Tư pháp tích cực, nghiên cứu đề ra biện pháp phối hợp với các cơ quan liên quan; tăng cường công tác thành tra, kiểm tra quản lý Nhà nước trong lĩnh vực công chứng.
NHÓM PV THỜI SỰ