Thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015: Đổi mới hình thức giám sát của cơ quan dân cử

.

Thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố và HĐND các cấp đã tạo chuyển biến tích cực trong thực hiện chức năng giám sát. Hình thức giám sát có nhiều đổi mới, nội dung tập trung những vấn đề lớn, bức xúc trên các lĩnh vực mà cử tri quan tâm.

Kịp thời giải quyết kiến nghị của cử tri

Theo đánh giá của Thường trực HĐND thành phố, qua 7 năm (2015-2023) triển khai thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND và các văn bản hướng dẫn thi hành liên quan đến hoạt động giám sát, HĐND các cấp trên địa bàn thành phố đã đổi mới nội dung cũng như hình thức giám sát. Chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát, nhất là giám sát tại kỳ họp, giám sát chuyên đề ngày càng được nâng cao, góp phần tích cực trong việc giải quyết các vấn đề nổi cộm mà cử tri và nhân dân quan tâm.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Anh Thi cho biết, để có cơ sở ban hành chương trình giám sát, Thường trực HĐND thành phố luôn dựa trên đề nghị của các ban HĐND, các đại biểu HĐND, Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và ý kiến, kiến nghị của cử tri ở địa phương để lựa chọn đưa vào nội dung giám sát chuyên đề. Trong đó, HĐND thành phố tập trung những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm, như giải quyết các chính sách an sinh xã hội, về quản lý đất công, dự án treo, xây dựng, môi trường, trật tự đô thị…

Theo ông Lê Đức Trí, Phó Chủ tịch HĐND huyện Hòa Vang, những năm qua, hoạt động giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND huyện được quan tâm triển khai với nhiều đổi mới và đạt kết quả tích cực. Bên cạnh đó, Thường trực HĐND huyện xác định hoạt động giải trình là một hình thức giám sát và đây là hình thức giám sát thể hiện tính chủ động, kịp thời, được thực hiện trực tiếp và có hiệu quả thiết thực.

Cử tri Bùi Văn Trúc (thôn Hòa Phú 1, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) đánh giá cao việc nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri; đặc biệt là các ý kiến bức xúc, nổi cộm đã được đại biểu HĐND huyện, xã tiếp thu, đưa vào nội dung thảo luận, chất vấn tại các kỳ họp HĐND để làm rõ, quy rõ trách nhiệm và xử lý kịp thời. “Chúng tôi đánh giá rất cao sự vào cuộc tích cực, quyết liệt, kịp thời trong giải quyết các vấn đề dân sinh. Chất lượng hoạt động được đo chính là hiệu quả xử lý các vấn đề nhân dân, thực tiễn đặt ra, cơ quan dân cử đã làm rất tốt nội dung này”, cử tri Trúc bảy tỏ.

Nâng cao hiệu quả giám sát

Theo HĐND thành phố, sau khi Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND có hiệu lực thi hành, Quốc hội và HĐND các cấp đã quán triệt, triển khai đến đại biểu; xây dựng, ban hành một số văn bản có liên quan để triển khai thực hiện. Hằng năm, Đoàn ĐBQH thành phố và HĐND các cấp ban hành kế hoạch, chương trình, nghị quyết về giám sát bảo đảm đúng quy định.

Theo bà Nguyễn Thị Anh Thi, thực hiện luật, từ năm 2016 đến nay, HĐND thành phố Đà Nẵng tổ chức 28 kỳ họp, thực hiện 32 phiên chất vấn với 831 nội dung chất vấn. Tổ chức giám sát 15 chuyên đề; thực hiện 300 cuộc kiểm tra thực tế, buổi làm việc với các địa phương, đơn vị về giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện nhiệm vụ; khảo sát tiến độ thi công các công trình, dự án; giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm trên địa bàn thành phố. Qua đó, đã kịp thời chỉ đạo, kiến nghị tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đôn đốc tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm, động lực quan trọng tại địa phương.

“Nhằm tăng cường cơ chế kiểm soát quyền lực đối với chính quyền địa phương và cơ quan tư pháp ở cấp quận. Thường trực HĐND thành phố đã ban hành kế hoạch để triển khai các đoàn giám sát, tổ giám sát về tình hình thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh gắn với thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại các quận, phường trên địa bàn thành phố”, bà Thi cho hay.

Qua 7 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, hoạt động giám sát của cơ quan dân cử các cấp trên địa bàn thành phố đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Nội dung giám sát khá toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực kinh tế - xã hội, việc thi hành Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước và những vấn đề phát sinh từ thực tiễn. Hình thức giám sát, phương thức tổ chức hoạt động giám sát được đổi mới theo hướng phát huy dân chủ, nâng cao tính công khai, minh bạch. Hoạt động giám sát đã phát huy tính chủ động, tích cực của các chủ thể thực hiện giám sát, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của đối tượng chịu sự giám sát. Qua giám sát đã kịp thời kiến nghị, đề nghị các cấp, các ngành khắc phục hạn chế, thiếu sót, bất cập, vướng mắc trong thực thi nhiệm vụ, quyền hạn được giao; đồng thời góp phần quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và địa phương, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cơ chế, chính sách và quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.