Dân vận khéo trong phát triển kinh tế vùng đồng bào dân tộc

.

Công tác vận động, tạo điều kiện của các cấp chính quyền, Mặt trận và đoàn thể đã giúp người dân, đặc biệt là người đồng bào Cơ tu huyện Hòa Vang thay đổi nhận thức, tham gia xuất khẩu lao động, nâng cao thu nhập. 

Chị Đinh Thị Hằng và người lao động khác tham gia thu hoạch nho tại nhà vườn thuộc huyện Yeongyang (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc). Ảnh: Nhân vật cung cấp
Chị Đinh Thị Hằng và người lao động khác tham gia thu hoạch nho tại nhà vườn thuộc huyện Yeongyang (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc). Ảnh: Nhân vật cung cấp

Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác trao đổi lao động thời vụ trong lĩnh vực nông nghiệp giữa UBND thành phố với huyện Yeongyang (tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc), từ năm 2017 đến nay, huyện Hòa Vang đã đưa 1.172 lao động nông nghiệp sang làm việc ở Hàn Quốc. Vừa trở về sau 6 tháng xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, chị Đinh Thị Hằng (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc) tích lũy số vốn kha khá để giúp gia đình vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Chị Hằng cho biết, khi mới nghe thông tin về chương trình, chị lo sợ “đi không có ngày về” nên đã không dám đăng ký tham gia. Sau nhiều lần được các cán bộ tại địa phương động viên, chị thay đổi suy nghĩ, mạnh dạn đăng ký sang làm tại huyện Yeongyang, tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc. Công việc hằng ngày của chị là chăm sóc và thu hoạch nông sản của các chủ vườn. Công việc không khó nhưng người lao động phải có kỹ năng làm nông và chịu khó làm việc. Mỗi tháng, trừ chi phí, chị Hằng tiết kiệm 25-30 triệu đồng.

“Đi xa cũng nhớ nhà nhưng các con và gia đình là động lực lớn để tôi cố gắng. Khu vực tôi sống cũng có nhiều người lao động cùng huyện Hòa Vang sang làm nên mọi người động viên, chia sẻ khó khăn với nhau trong thời gian xa nhà. Mỗi tháng, theo chương trình phối hợp, huyện Yeongyang sẽ hỗ trợ mỗi người lao động 50.000 Won tiền ăn. Chi tiêu tiết kiệm, tôi có được một khoản thu nhập khá để lo cho gia đình. Hiện nay cuộc sống gia đình tôi đỡ hơn nhiều, có tiền trang trải cuộc sống gia đình, nuôi con ăn học. Dự định sắp tới, tôi sẽ tiếp tục đăng ký đi lao động xuất khẩu”, chị Hằng cho biết.

Với chị Phan Thị Bé (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang), đi xuất khẩu lao động, bên cạnh việc giúp gia đình có thêm khoản thu nhập còn mở ra cho chị nhiều trải nghiệm mới tại Hàn Quốc. Chị Bé chia sẻ: “Trước đây, tôi làm việc tại các khu du lịch cộng đồng. Công việc ít, thu nhập bấp bênh khiến gia đình khó khăn. Vì vậy, tôi muốn đi xuất khẩu lao động để có khoản thu nhập lo cho gia đình. Hy vọng chương trình sẽ giúp  nhiều người khó khăn vươn lên thoát nghèo”.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc Hồ Phú Thanh, thời gian đầu triển khai gặp nhiều khó khăn. Sau 2 năm gián đoạn vì dịch bệnh, khi chương trình được kết nối lại, UBND xã xây dựng kế hoạch, phối hợp Mặt trận và các hội, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân nắm được chủ trương, quyền lợi khi tham gia chương trình.

UBND xã mời những người đã tham gia xuất khẩu lao động chia sẻ về cuộc sống, công việc, môi trường, thu nhập để người dân được “mắt thấy, tai nghe”. Nhờ vậy, người dân mạnh dạn đăng ký. Năm 2022, trên địa bàn xã có 17 người tham gia. Đến năm 2023, có 60 người tham gia, trong đó thôn Tà Lang, Giàn Bí có 5 người đồng bào Cơ tu. Những người đi xuất khẩu lao động mang về thu nhập hơn 7,5 tỷ đồng. Đối với những lao động đi 3 tháng mang về khoản thu nhập hơn 100 triệu đồng, đi 5 tháng, khoản thu nhập hơn 150 triệu đồng. Hầu hết những người đã từng đi làm việc ở Hàn Quốc đều đăng ký tham gia tiếp tục các đợt sau.

“Sau khi nhận hồ sơ, Ban chỉ đạo giảm nghèo của xã sẽ xét chọn các đối tượng bảo đảm tính công bằng. Trong đó, tập trung vào nhóm ưu tiên như hộ nghèo, hộ khó khăn, bộ đội xuất ngũ, đồng bào dân tộc khó khăn,… muốn có cơ hội tìm thu nhập chính đáng. Những người lao động phải thực hiện việc thăm khám sức khỏe, hoàn tất các thủ tục hồ sơ. Chi phí cho việc hoàn tất hồ sơ khoảng 20 triệu đồng. Để tạo điều kiện cho người dân khó khăn, UBND xã phối hợp Ngân hàng Chính sách xã hội tạo điều kiện cho vay lãi suất thấp, sau thời gian làm việc, trở về có nguồn vốn sẽ trả lại khoản chi phí đó”, ông Thanh chia sẻ.

Tại xã Hòa Phú, trong năm 2022 có 53 lao động đăng ký, đến năm 2023 có gần 80 lao động đăng ký tham gia chương trình, trong đó 4 đồng bào Cơ tu. Theo Chủ tịch UBND xã Hòa Phú Nguyễn Văn Bửu, từ khi thay đổi nhận thức, nhu cầu người lao động mong muốn được tham gia chương trình làm việc tại Hàn Quốc tăng lên rất lớn. Năm 2024, đến nay đã có gần 200 lao động trên địa bàn xã đăng ký tham gia chương trình, trong đó có 13 lao động là đồng bào Cơ tu.

“Về phía xã rất mong muốn chương trình hợp tác sẽ ngày càng khăng khít và tiếp tục đưa được nhiều người lao động nông nghiệp của huyện sang lao động tại Hàn Quốc để giải quyết nhu cầu việc làm của người dân. Qua đó, giúp có thu nhập cao cho người lao động, nâng cao đời sống người dân, góp phần giảm nghèo hiệu quả trên địa bàn xã”, ông Bửu thông tin thêm.

Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Hòa Vang Lâm Tiến Sĩ cho biết, công tác tuyên truyền, vận động được triển khai với nhiều hình thức linh động, đa dạng các chủ trương, chính sách của huyện đã tác động đến các gia đình, người lao động có nhu cầu điều kiện đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài. Nhờ đó số lượng lao động đi đều tăng hằng năm. Tại những chương trình ngày hội việc làm UBND huyện tổ chức thường niên, số lượng người lao động quan tâm, tìm hiểu thông tin để tham gia chương trình luôn rất lớn. Kết quả sau thời gian tạm dừng vì dịch bệnh, năm 2022, toàn huyện có 143 lao động, năm 2023 có 540 lao động được đưa đi làm việc.

XUÂN HẬU

;
;
.
.
.
.
.