Đẩy mạnh công tác giám sát và phản biện xã hội

.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng nhấn mạnh, năm 2023, hoạt động giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp thành phố tiếp tục duy trì và thực hiện có hiệu quả, góp phần quan trọng vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, phát triển kinh tế-xã hội thành phố.

Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Ngô Xuân Thắng.

* Năm 2023, khó khăn, thách thức ảnh hưởng không nhỏ đến các lĩnh vực, trong đó có hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Vậy, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội triển thực hiện hoạt động này đạt kết quả như thế nào, thưa ông?

- 2023 đánh dấu một năm đầy khó khăn, thách thức, song Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố đoàn kết, đồng lòng, chung sức vượt qua, đạt được những kết quả tích cực trên các mặt công tác. Đối với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố, xác định được những khó khăn, thách thức đó, ngay từ đầu năm đã triển khai kế hoạch thực 3 nhiệm vụ trọng tâm do Ban Thường vụ Thành ủy giao, trong đó có 1 nhiệm vụ trọng tâm về công tác giám sát.

Phát huy truyền thống đoàn kết, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã triển khai và hoàn thành giám sát 3/3 chuyên đề với 17 cuộc giám sát. Nổi bật là giám sát hoạt động của các tổ đại biểu HĐND thành phố đối với 2 tổ đại biểu đơn vị quận Cẩm Lệ và quận Thanh Khê; tiến hành giám sát trách nhiệm người đứng đầu UBND các cấp và đơn vị trực thuộc trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tại quận Liên Chiểu; giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên đảng ủy các phường thuộc quận Sơn Trà theo Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Qua giám sát, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố đã ghi nhận và có 58 ý kiến, kiến nghị gửi đến HĐND, UBND thành phố và các ngành liên quan, các địa phương, đơn vị và các đại biểu HĐND thành phố, xem xét, giải quyết.

Đồng thời, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố phối hợp, hoàn thành giám sát (qua hình thức nghiên cứu văn bản) đối với 2 chuyên đề: giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị cử tri và nhân dân và giám sát việc thực hiện chính sách pháp luật về bồi thường, hỗ trợ tái định cư một số dự án trọng điểm, một số dự án chậm tiến độ, ảnh hưởng đến đời sống của nhân dân. Cử các đại diện tham gia phối hợp giám sát với 12 đoàn giám sát do Thường trực, các ban HĐND thành phố và các cơ quan hữu quan chủ trì.

Chủ trì 3 đoàn giám sát, kiểm tra theo sự phân công của Thành ủy như, đoàn giám sát số 4 của Ban Chỉ đạo Thành ủy về phòng, chống tham nhũng về “Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn huyện Hòa Vang”; đoàn kiểm tra số 3 về việc “Kiểm tra tình hình thực hiện dân chủ ở cơ sở đối với đơn vị Cục thuế, Cục Hải quan, Kho bạc Nhà nước thành phố”; đoàn giám sát về việc “Tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ đảng viên đối với Ban Thường vụ Quận ủy Thanh Khê gắn với đồng chí bí thư và các phó bí thư Quận ủy”.

Ngoài ra, hướng dẫn, định hướng cùng các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố hoàn thành 8 chuyên đề giám sát theo nội dung Thành ủy phê duyệt. Trong đó, Thành đoàn giám sát việc thực hiện Nghị quyết số 78/NQ-HĐND về phát triển thanh niên thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030 đối với UBND quận Ngũ Hành Sơn và quận Sơn Trà. Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố giám sát công tác tổ chức và hoạt động nhóm, lớp; công tác phòng ngừa, ứng phó với bạo lực, xâm hại trẻ em đối với các nhóm trẻ độc lập, lớp mẫu giáo độc lập, lớp mầm non độc lập dân lập và tư thục trên địa bàn thành phố.

Hội Cựu Chiến binh thành phố chủ trì, phối hợp các cơ quan liên quan tiến hành giám sát công tác triển khai Luật Bảo vệ môi trường và công tác bảo đảm vệ sinh môi trường đối với UBND phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn. Hội Nông dân thành phố giám sát việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới tại một số xã huyện Hòa Vang. Liên đoàn Lao động thành phố giám sát về bữa ăn giữa ca và cabin sữa cho người lao động và giám sát thường xuyên về thực hiện các chế độ, chính sách, các quy định của pháp luật lao động, công đoàn, bảo hiểm...

* Hoạt động phản biện xã hội được triển khai như thế nào?

- Năm 2023, hoạt động phản biện xã hội của Mặt trận thành phố tiếp tục được chú trọng, đã trở thành một trong những kênh quan trọng, giúp Đảng, Nhà nước có thêm thông tin trước khi xem xét, quyết định các vấn đề trong công tác lãnh đạo, quản lý, điều hành; góp phần làm cho các chủ trương, chính sách, pháp luật đều là sản phẩm kết tinh của “ý Đảng” và “lòng Dân”; mối quan hệ tổng thể “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ” được phát huy cao độ, góp phần phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong việc tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Kết quả có 42 hội nghị phản biện xã hội liên quan đến các dự án, chương trình, kế hoạch trên địa bàn thành phố, được tổ chức.

Trong đó, Mặt trận thành phố tổ chức 2 cuộc phản biện xã hội về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) và phản biện dự thảo lấy ý kiến liên quan đến hệ số điều chỉnh giá đất năm 2023 trên địa bàn thành phố. Mặt trận các quận, huyện, phường, xã tổ chức 40 cuộc phản biện xã hội với nhiều nội dung phong phú, chất lượng liên quan các dự thảo kế hoạch, đề án có liên quan đến nhiều vấn đề có tính bức thiết tại địa phương. Sau phản biện, Mặt trận các cấp đều xây dựng báo cáo và kiến nghị gửi đến UBND cùng cấp và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để xem xét giải quyết, trả lời kết quả về cho Mặt trận theo đúng quy định.

Đây cũng là cơ sở, qua đó tạo điều kiện để nhân dân chủ động, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các chính sách, quy định và các đề án, dự án, chương trình của địa phương có liên quan đến quyền và nghĩa vụ của nhân dân; góp phần hoàn thiện và nâng cao chất lượng các dự thảo chính sách, đề án, dự án, chương trình trước khi ban hành, tạo sự đồng thuận xã hội về nhận thức và thống nhất về hành động của các tầng lớp nhân dân.

Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm làm trưởng đoàn thực hiện giám sát trách nhiệm người đứng đầu tại UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.Ảnh: N.QUANG
Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Tăng Hoàng Hôn Thắm làm trưởng đoàn thực hiện giám sát trách nhiệm người đứng đầu tại UBND phường Hòa Minh (quận Liên Chiểu) trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.Ảnh: N.QUANG

* Để thực hiện hiệu quả công tác giám sát và phản biện xã hội trong thời gian tới, ông có kiến nghị, đề xuất gì?

- Để có được kết quả trên, thời gian qua, Mặt trận thành phố luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo rất lớn của Thường trực Thành ủy; sự phối hợp chặt chẽ của chính quyền, các cơ quan tham mưu giúp việc Thành ủy, các ngành liên quan, các tổ chức thành viên để thực hiện tốt nhiệm vụ giám sát và phản biện xã hội, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng ngày càng phát triển.

Để hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội đạt hiệu quả trong thời gian tới, Mặt trận thành phố đề nghị Thành ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp ủy địa phương tiếp tục quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và đoàn thể chính trị-xã hội các cấp thành phố thực hiện hiệu quả hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương và Thành ủy.

Đặc biệt, liên quan đến việc giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên và Chỉ thị số 34-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy về tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, khắc phục tình trạng né tránh, đùn đẩy, không làm đúng, đầy đủ chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong tình hình hiện nay.

Chủ động đề ra các giải pháp phù hợp với tình hình thực tiễn để lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả Quy định số 124-QĐ/TW của Ban Bí thư trong thời gian đến; nhất là tăng cường lãnh đạo và tạo điều kiện phát huy hơn nữa vai trò giám sát của nhân dân và Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội đối với cán bộ, đảng viên trong việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống, góp phần đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; nhất là chú trọng giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, giám sát góp ý đối với cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu. Đi đối với đó, thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình và kết quả thực hiện.

Đặc biệt, nhằm tạo điều kiện hơn nữa về cơ chế xử lý các kiến nghị sau giám sát, nhất là khi Mặt trận được giao nhiệm vụ phối hợp cùng với các ngành giám sát cán bộ, giám sát người đứng đầu trong thực thi công vụ, Mặt trận thành phố đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc thực hiện nghiêm việc tiếp thu các ý kiến, kiến nghị, đề xuất sau giám sát để chỉ đạo cơ quan, đơn vị liên quan khắc phục, sửa chữa. Bên cạnh đó, chỉ đạo kiểm tra, xử lý đối với người đứng đầu các cấp nếu để xảy ra sai phạm trong thực thi công vụ; trốn tránh trách nhiệm khi gây ra hậu quả xấu, ảnh hưởng đến cơ quan, đơn vị hoặc vi phạm tới quyền lợi chính đáng và hợp pháp của nhân dân và doanh nghiệp...

* Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

NGỌC PHÚ thực hiện

;
;
.
.
.
.
.