Một điểm vướng liên quan đến triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở hiện nay, đó là trưởng ban thanh tra nhân dân (TTND) làm việc theo tinh thần tự nguyện. Vướng mắc này sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả hoạt động của ban TTND sau khi kiện toàn lại theo quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Tổ Giám sát đầu tư cộng đồng giám sát thi công cống thoát nước và bê-tông nền đường tại kiệt 9 Yên Bái, phường Hải Châu 1, quận Hải Châu. Ảnh: PV |
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở năm 2022 được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 4 ngày 10-11-2022. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-7-2023. Ngày 14-8-2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 59/2023/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của luật. Liên quan đến ban TTND, luật quan tâm đến hoạt động của ban TTND ở xã, phường, thị trấn, dành 5 điều (từ Điều 36 đến Điều 40) quy định về ban TTND, trong đó tại Điều 37 quy định về tiêu chuẩn thành viên ban TTND ở xã, phường, thị trấn rất cụ thể và tự nguyện tham gia.
Theo ông Nguyễn Xuân Trinh, cử tri tổ dân phố số 20, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà, trước khi có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, ban TTND ở cơ sở có trưởng ban do một người hoạt động không chuyên trách của phường kiêm nhiệm và không có chế độ kinh phí cho hoạt động kiêm nhiệm này. Hiện nay, thực hiện theo luật, thành viên ban TTND làm việc tự nguyện, nhưng tại Điểm 2, Điều 37 của luật quy định về tiêu chuẩn thành viên ban TTND ở xã, phường, thị trấn có nêu, là công dân thường trú trên địa bàn và không đồng thời là cán bộ, công chức cấp xã, người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Trong khi đó, Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định nhiệm vụ, quyền hạn của ban TTND ở xã, phường, thị trấn rất lớn, như kiểm tra việc thực hiện các quyết định đã được nhân dân bàn và quyết định; giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật, việc thực hiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở của chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
TTND được kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật và giám sát việc thực hiện kiến nghị đó; yêu cầu chính quyền địa phương cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã cung cấp thông tin, tài liệu có liên quan để phục vụ việc xác minh, kiểm tra, giám sát. Xem xét, xác minh vụ việc cụ thể theo kiến nghị của công dân, cộng đồng dân cư; kiến nghị chủ tịch UBND cấp xã, cán bộ, công chức cấp xã, trưởng thôn, tổ trưởng tổ dân phố khắc phục hạn chế, thiếu sót được phát hiện qua việc kiểm tra, giám sát; bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của tổ chức, công dân; biểu dương những đơn vị, cá nhân có thành tích.
Trường hợp phát hiện người có hành vi vi phạm pháp luật, TTND kiến nghị cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét, xử lý. TTND được tham dự các cuộc họp của HĐND, UBND cấp xã có nội dung liên quan đến việc thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát của ban TTND; tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của công dân, cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến phạm vi kiểm tra, giám sát của ban TTND (Điều 38).
Như vậy, trưởng ban TTND nếu hoạt động theo luật thì nhiệm vụ rất nặng nề, chịu trách nhiệm chung về hoạt động của ban TTND. Trong khi đó, cũng không có quy định về chế độ, phụ cấp nào cho đối tượng này.
Qua trao đổi với một số chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam một số phường, xã trên địa bàn thành phố, đều quan tâm và băn khoăn đối với vị trị trưởng ban TTND hiện nay khi thực hiện theo luật. Với quy định mới, rất khó khăn để họ tìm được người làm ở vị trí này. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Sơn Trà Bùi Nguyễn Tấn Phong nhìn nhận, công việc, trách nhiệm, vai trò của trưởng ban TTND thì đã rõ. Thời gian qua, trên địa bàn quận, việc tổ chức kiểm tra, giám sát, phản biện xã hội có hiệu quả có phần đóng góp rất đáng kể của ban TTND nói chung và trưởng ban nói riêng. Do đó, cần có chế độ, chính sách hỗ trợ cho đối tượng này (chí ít bằng phụ cấp của tổ trưởng tổ dân phố/trưởng thôn) để họ bảo đảm có điều kiện hoạt động (chi cho xăng xe, điện thoại…).
Đây cũng là ý kiến của Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Hòa Vang Bùi Nam Dũng. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam quận Liên Chiểu Phạm Thị Hồng Hạnh cho rằng, Đà Nẵng thí điểm mô hình chính quyền đô thị, HĐND thành phố đã thông qua nghị quyết liên quan đến các chức danh người hoạt động không chuyên trách (13 chức danh), trong đó không có thanh tra nhân dân, nên việc bầu trưởng ban TTND sẽ gặp khó khăn. Bà Hạnh đề nghị, thành phố có cơ chế tăng thêm số lượng công chức, chuyên trách cho các phường theo tỷ lệ dân số nên đề xuất bố trí thêm cho Mặt trận phường 1 người hoạt động không chuyên trách, như hướng dẫn của Trung ương là ban thường trực Mặt trận phường gồm 1 chủ tịch, 1 phó chủ tịch và 1 ủy viên thường trực (là người hoạt động không chuyên trách) hoặc là trưởng ban TTND để có người hỗ trợ trong công việc của Mặt trận phường.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Trần Thị Mẫn, Mặt trận thành phố đã nắm rõ những vướng mắc liên quan đến các kiến nghị từ cơ sở. Theo đó, vị trí trưởng ban TTND cấp xã, sau khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực thì vị trí việc làm này chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết của Chính phủ để thực hiện. Vì vậy, kiến nghị Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam sớm có ý kiến với Chính phủ xây dựng nghị định hướng dẫn chi tiết để bảo đảm chế độ, vị trí làm việc chuyên trách cho trưởng ban TTND cấp xã.
Trước khi thực hiện theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, toàn thành phố có 56 ban TTND với 621 thành viên, số trưởng ban thay mới là 5 người, số trưởng ban kiêm nhiệm các chức danh khác là 40 người. Đến nay, thực hiện theo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, các địa phương đang kiện toàn lại vị trí trưởng ban TTND. Trong 9 tháng đầu năm 2023, các ban TTND đã tham gia 667 cuộc giám sát. Trong đó, tham gia với các cơ quan hữu quan 227 cuộc; tự tiến hành giám sát 440 cuộc; đã phát hiện 230 vụ việc có vi phạm, có 230 kiến nghị (43 kiến nghị bằng văn bản, 196 kiến nghị trực tiếp). Qua theo dõi, số kiến nghị đã được các cơ quan, đơn vị trả lời và giải quyết là 223 ý kiến, số kiến nghị chưa giải quyết là 7. |
TRỌNG HUY